Phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận 1 bên

1. Tổng quan về Phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận 1 bên

  • Tên khoa học: Phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận 1 bên
  • Tên thường gọi: Phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận 1 bên
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật: 

Phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận 1 bên là phẫu thuật để cắt bỏ tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận là hai cơ quan nhỏ, nằm trên mỗi quả thận. Chúng tiết ra các hormone giúp điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm hệ thống miễn dịch, trao đổi chất, lượng đường trong máu và kiểm soát huyết áp. Khi tuyến thượng thận sinh ra khối u, nếu khối u nhỏ và lành tính thì không cần cắt bỏ. Nhưng khi khối u sản sinh ra kích thích tố dư thừa hoặc kích thước ngày càng lớn thì cần thực hiện kỹ thuật này để cắt khối u. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định cắt khối u nếu khối u là ác tính hoặc nghi ngờ bị ung thư.

2. Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Suy tuyến thượng thận
  • U tuyến thượng thận
  • Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)

Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Chỉ nên cắt toàn bộ tuyến thượng thận trong các trường hợp u ở một bên tuyến, trong trường hợp u ở cả 2 bên tuyến thượng thận nên xem xét cắt bán phần tuyến, để lại phần tuyến lành.
  • Các khối u chế tiết hóc môn của tuyến thượng thận: u chế tiết aldosterone, catecholamine, cortisol…
  • Các khối u không chế tiết của tuyến thượng thận có đường kính ≥ 6cm  hoặc các khối u tăng kích thước nhanh, có nguy cơ ác tính.
  • U cơ mỡ mạch hoặc nang tuyến thượng thận có triệu chứng.
  • Tăng sản tuyến thượng thận 2 bên thứ phát do bệnh Cushing.
  • Các khối u di căn đơn độc ở tuyến thượng thận cũng nên được cắt bỏ.

Chống chỉ định:

  • Rối loạn đông máu nặng.
  • Có các bệnh lý tim phổi nặng.
  • U xâm lấn rộng.
  • Các khối u tủy thượng thận có triệu chứng chưa kiểm soát được bằng thuốc (tăng huyết áp…).
  • Bệnh nhân bị rối loạn nội tiết tố.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công trên 98%.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.
  • Giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng hơn.
  • Bệnh nhân có thể xuất viện sau 3 ngày.

Nhược điểm:

  • Bệnh nhân có thể bị huyết áp cao.
  • Một số bệnh nhân bị dị ứng nhẹ với chất gây mê: buồn nôn, nôn mửa.
  • Có thể tổn thương các cơ quan khác

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận 1 bên

Bước 1: Bác sĩ đặt bệnh nhân nằm nghiêng 90 độ về bên đối diện, bộc lộ vùng hông lưng bên có u. Mặt hông lưng sát bàn được độn cao 8 – 10cm bên dưới ở vị trí xương sườn số VIII.

Bước 2: Tạo và mở rộng khoang sau phúc mạc.

  • Bơm bóng tạo khoang sau phúc mạc: Rạch da 8 – 10mm vị trí đặt  trocar 10: dùng pince tách các lớp dưới da, qua cơ vào khoang sau phúc mạc. Đưa bóng vào khoang, bơm bóng V = 500- 600 ml khí. Hoặc dùng tay để tạo khoang sau phúc mạc. Cũng có thể đặt trocar 10 với đầu tù vào để tạo khoang:

Bước 3: Đặt trocar – Mở rộng phẫu trường.

  • Đặt trocar 10mm chưa nòng đầu vào vị trí rạch da, bơm hơi. Đưa Optic vào soi kiểm tra.
  • Đặt trocar 10mm thứ 2: bờ dưới xương sườn 12 đường nách sau.
  • Đặt trocar 5mm : trước gai chậu trước trên.
  • Dùng dụng cụ phẫu tích làm rộng khoang sau phúc mạc sao cho đủ rộng phẫu trường nội soi để thực hiện phẫu thuật.

Bước 4: Bóc tách mặt sau thận, cực trên thận – Bộc lộ u tuyến thượng thận.

Bước 5: Phẫu tích tách tuyến thượng thận khỏi tổ chức xung quanh.

  • Giải phóng tổ chức mỡ sau phúc mạc xung quanh cực trên thận và tuyến thượng thận để xác định vị trí u tuyến thượng thận, và phần tuyến thượng thận lành. Đánh giá độ phát triển của u và mức độ xâm lấn xung quanh của khối u.

Bước 6: Phẫu tích kẹp tĩnh mạch thượng thận chính , và các mạch tăng sinh.

Bước 7: Giải phóng phần còn lại của tuyến thượng thận.

Bước 8: Cầm máu, lau sạch vùng mổ, đặt dẫn lưu ổ bụng nếu cần.

Bước 9: Lấy bệnh phẩm, tháo hơi, đóng các lỗ trocar và kết thúc phẫu thuật.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân cảm thấy đau ở vết rạch.
  • Bệnh nhân có thể cảm thấy co thắt hoặc đầy hơi do có khí trong bụng.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Bệnh nhân bị chảy máu sau mổ.
  • Ổ dịch tồn dư sau mổ.
  • Suy tuyến thượng thận sau mổ.
  • Người bệnh mệt mỏi, nôn mửa, lú lẫn.
  • Định lượng cortisol máu giảm.
  • Nhiễm trùng.
  • Huyết áp bệnh nhân tăng cao.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Máy thở cao cấp Carescape R860

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bác sĩ nhắc bệnh nhân không ăn hoặc uống sau nửa đêm trước ngày phẫu thuật. 
  • Theo dõi toàn trạng, các dấu hiệu sinh tồn, nước tiểu, điện giải đồ sau mổ.
  • Đánh giá cortisol máu và nước tiểu, định lượng ACTH sau mổ để phát hiện tình trạng suy thượng thận sau mổ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *