Phẫu thuật nội soi lấy sỏi OMC có dẫn lưu Kehr

1. Tổng quan về Phẫu thuật nội soi lấy sỏi OMC có dẫn lưu Kehr

  • Tên khoa học: Phẫu thuật nội soi lấy sỏi OMC có dẫn lưu Kehr
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Mở ống mật chủ lấy sỏi – đặt dẫn lưu Kehr là một phẫu thuật ngoại khoa kinh điển đã áp dụng hơn một thế kỷ qua với những kết quả khả quan nhằm mục đích lấy hết sỏi đường mật, tạo lưu thông mật ruột.Trong thời đại khoa học kĩ thuật tiên tiến hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của phẫu thuật nội soi – phẫu thuật ít xâm hại, phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi đã được áp dụng nhiều cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Sỏi đường mật ngoài gan (không giới hạn kích thước và số lượng).
  • Đường mật ngoài gan giãn > 1cm.

Chống chỉ định:

  • Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi ổ bụng nói chung: Tiền sử mổ bụng, không thể bơm CO2 khoang ổ bụng (suy tim, bệnh hô hấp…)…
  • Chống chỉ định của phẫu thuật ổ bụng nói chung: rối loạn đông máu nặng, bệnh lý tim mạch hô hấp không cho phép thực hiện gây mê toàn thân.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Hạn chế được tối đa những nguy cơ, giúp cho bệnh nhân sớm được ăn uống và sinh hoạt gần như bình thường. Cải thiện rất đáng kể chất lượng cuộc sống.
  • Kỹ thuật này góp phần giảm tai biến, biến chứng trong phẫu thuật hở, giảm thời gian nằm viện.
  • Kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật qua ống Kehr giúp các bác sĩ quan sát được sỏi sâu trong gan. Từ đó tán hết sỏi trong hai nhánh gan và các nhánh đường mật nhỏ trong gan, có thể điều trị hết sỏi trong lúc phẫu thuật lần đầu, tránh tình trạng sót sỏi phải phẫu thuật lại.
  • Giảm áp lực đường mật sau mổ 
  • Tránh hẹp đường mật sau mổ
  • Giúp dịch mật và bùn mật chảy ra ngoài và theo dõi chảy máu đường mật sau mổ 
  • Đảm bảo chỗ khâu đường mật lành tốt, tránh rò mật gây viêm phúc mạc
  • Tạo đường hầm để lấy sỏi khi có sót qua nội soi, tránh thêm 1 cuộc mổ cho bệnh nhân.
  • Bơm rửa đường mật hay bơm thuốc vào điều trị viêm đường mật, sỏi, giun sau mổ…

Nhược điểm:

Kỹ thuật khó hơn, đòi hỏi sự chính xác trong từng thao tác phẫu thuật

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật nội soi lấy sỏi OMC có dẫn lưu Kehr

Bước 1: Chuẩn bị

  • Người bệnh tiến hành các xét nghiệm cơ bản (đánh giá chức năng gan, chức năng hô hấp,  siêu âm ổ bụng, chụp cộng hưởng từ đường mật) để phục vụ cho quá trình phẫu thuật.
  • Vô cảm: Gây mê nội khí quản
  • Đặt ống thông dạ dày, không cần đặt ống thông bàng quang.

Bước 2: Tiến hành phẫu thuật

  • Mở bụng theo Kỹ thuật mini-open ở dưới rốn để đặt trocar 10mm (trocar 1).
  • Bơm hơi ổ bụng, duy trì áp lực trong ổ bụng 10 – 12 mmHg.
  • Đưa camera quan sát, lựa chọn vị trí đặt các trocar tiếp theo: trocar 10mm dưới mũi ức (trocar 2); trocar 5mm ở bờ ngoài cơ thẳng to ngang bên phải rốn (trocar 3); trocar 5mm ở dưới bờ sườn phải đường giữa đòn (trocar 4).
  • Dùng quạt hoặc ống hút đưa qua trocar 4 để nâng gan và túi mật khỏi cuống gan, bộc lộ nhìn rõ ống mật chủ.
  • Dùng panh không răng đưa qua lỗ trocar 3, đưa móc đốt điện qua lỗ trocar 2 để mở dọc  mặt trước ống mật chủ.
  • Dùng Mirizzi đưa qua lỗ trocar 4 để lấy sỏi ống mật chủ, ống gan chung đồng thời đưa qua Oddi xuống tá tràng.
  • Đưa ống nhựa qua lỗ trocar 4 vào ống mật chủ để bơm rửa đường mật, qua lỗ trocar 4 đưa Kehr số phù hợp để đặt vào ống mật chủ.
  • Khâu kín ống mật chủ bằng dụng cụ qua lỗ trocar số 3 và số 5. Thường khâu 2 – 3 mũi rời bằng chỉ Vicryl 3.0.
  • Cắt túi mật nếu có chỉ định.
  • Lau rửa ổ bụng, đặt 1 dẫn lưu dưới gan qua lỗ trocar số 3.
  • Đưa Kehr qua lỗ trocar số 4.
  • Lấy túi mật hoặc sỏi trong túi nilon qua lỗ trocar rốn, đóng các lỗ trocar bằng chỉ tiêu.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân sẽ được rút sonde dạ dày sau 24-48h.
  • Được ăn khi có trung tiện hoặc sau 72h, ngồi dậy, đi lại sau 48-72h.
  • Chụp Kehr sau 7 ngày, nếu không có sót sỏi hay dị vật và thuốc xuống tá tràng tốt buộc Kehr và chỉ rút Kehr sau tối thiểu 3-4 tuần.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Chảy máu vết mổ
  • Đau đớn kéo dài
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Apxe tồn dư
  • Thoát vị vết mổ
  • Dính ruột sau mổ

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Trước khi xuất viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc ống dẫn lưu và thông tin liên hệ với bệnh viện hay cơ quan y tế gần nhất.
  • Người bệnh cần uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây. Người bệnh cần biết về thức ăn và nước uống có nhiều chất điện giải như: nước dừa, chuối chín, cam. Hướng dẫn người bệnh uống nhiều nước để bù lại số lượng nước mất.
  • Ống dẫn lưu: Nên dùng gạc sạch bao đầu ống và cột lại, định kỳ mở ống cho mật chảy ra.
  • Thay băng chân ống dẫn lưu: Nên thay sau khi tắm. Dùng gòn sạch lau xung quanh ống dẫn lưu và đắp gạc che chân ống dẫn lưu lại.
  • Vệ sinh cá nhân: Người bệnh vẫn tắm bình thường nhưng tránh chà xà bông trực tiếp lên ống thông hay dùng vòi sen xịt trực tiếp vào chân ống dẫn lưu. Nước xà bông khi tắm trôi qua ống dẫn lưu vẫn không sao.
  • Người bệnh cố định ống dẫn lưu chắc chắn vào da bụng và mặc áo bên ngoài bình thường. Khi nằm, ngồi cần chú ý để ống không bị căng hay nằm đè lên ống trong khi ngủ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *