Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

1. Tổng quan về Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

  • Tên khoa học: Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ nhân tạo chính là một bước tiến mới của y học hiện đại trong việc điều trị những tổn thương đĩa đệm vùng cột sống cổ. Mục đích của phương pháp này chính là lấy đi phần đĩa đệm bị tổn thương trầm trọng và thay vào đó là một đĩa đệm nhân tạo có thể giúp người bệnh phục hồi lại chức năng vận động của cột sống cổ. Ngoài ra còn giải phóng vùng tủy sống cũng như các rễ dây thần kinh bị phần nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra chèn ép. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một vật liệu cứng giữa hai hay nhiều đốt sống để giúp giữ vững cột sống và làm giảm mức độ đau mạn tính của cột sống cổ. Có một vài kiểu phẫu thuật cố định đốt sống, sự khác nhau đó phụ thuộc vào các dụng cụ được sử dụng để cố định đốt sống cổ.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Thoát vị đĩa đệm

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh thoát vị đĩa đệm gây chèn ép tủy sống
  • Người bệnh trải qua 6 tháng điều trị bảo tồn không mang lại kết quả khả quan. Thể trạng sức khỏe tốt.
  • Không có biểu hiện loãng xương, nhiễm trùng hay nhuyễn xương.
  • Không có tiền sử dị ứng với kim loại.
  • Các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây chèn ép thần kinh và cột sống không mất vững trên X-quang.

Chống chỉ định:

  • Chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ.
  • Những người bị chứng máu khó đông.
  • Bệnh lý tim mạch.
  • Người bị thoái hóa đốt sống cổ quá nặng
  • Bệnh lý chuyển hóa hoặc bệnh lý xương di truyền.
  • Các bệnh nhân mất vững cột sống cổ, khe khớp liên đốt sống hẹp nhiều, cốt hóa dây chằng dọc sau, hẹp ống sống cổ do chèn ép từ thân đốt sống cổ.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Giúp thay thế đĩa đệm bị hư/hỏng
  • Bệnh nhân phục hồi chiều cao khoảng liên đốt sống
  • Giảm đau cổ do nguyên nhân đĩa đệm và kết hợp với giảm đau/yếu tay
  • Giúp bảo tồn sự vận động của các tầng đốt sống liên quan
  • Cải thiện chức năng sinh hoạt cho bệnh nhân

Nhược điểm:

Nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao và phải thực hiện ở những trung tâm phẫu thuật có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm.

4. Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ – Quy trình thực hiện

  • Bước 1: Bệnh nhân sau khi được chụp X-quang, cắt lớp và các xét nghiệm cần thiết để đánh giá mức độ tổn thương, mức độ thoát vị, thương tổn tủy… sẽ được tiến hành phẫu thuật.
  • Bước 2: Bệnh nhân nằm ngửa, gây mê nội khí quản, các chuyên gia sẽ xác định vị trí đĩa đệm trên X-quang trong mổ, lấy đĩa đệm dưới kính hiển vi phẫu thuật và tạo hình đặt vị trí đĩa đệm nhân tạo, kiểm tra dưới X-quang sau mổ.
  • Bước 3: Dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi giải phẫu, bác sĩ sẽ loại bỏ phần đĩa đệm bị hư, nới rộng khoảng cách 2 đốt sống và làm phẳng một số gai đốt sống, nhánh xương để lấy diện tích cho đĩa đệm nhân tạo.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Sau phẫu thuật, người bệnh thường bị đau khi nuốt. Nếu chịu khó uống nước, nói chuyện, tập nuốt thì sau 4 – 5 ngày đau giảm đi nhiều.

Nẹp cổ thường làm cho người bệnh khó chịu do va chạm vào hàm, vào vai, xương đòn gây đau, người bệnh có cảm giác mỏi và cứng gáy và hai vai. Cảm giác này ngày càng tăng cho đến khi bỏ nẹp cổ và tập cúi ngửa nghiêng cổ vài ngày mới giảm và sau đó khoảng 6 tuần mới có thể hết mỏi và đau nếu tích cực tập luyện.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Nếu xảy ra một số trường hợp không mong muốn như nhiễm trùng vết mổ, tụt mảnh ghép…thì bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân cũng cần nhịn ăn 8 giờ trước khi phẫu thuật.
  • Không nên vận động mạnh, cần có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý.
  • Sử dụng thuốc điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *