Bệnh bướu cổ lâu năm không chữa sẽ gặp phải biến chứng gì?

Có đến 95% bệnh nhân bướu cổ thuộc dạng bướu cổ lành tính. Tuy nhiên, dù là lành tính hay ác tính cũng không nên để bướu cổ lâu năm không được điều trị bởi lẽ biến chứng có thể xảy ra gây hậu quả nặng nề.

Bệnh bướu cổ đa số là không cần phẫu thuật hoặc điều trị phức tạp, tốn kém. Khi bướu cổ còn nhỏ, bệnh nhân ít bị ảnh hưởng về thể chất cũng như thẩm mỹ nên nhiều bệnh nhân lơ là không quan tâm điều trị đến cùng. Qua thời gian dài, mang bệnh bướu cổ lâu năm không được chữa trị kịp thời, lúc này người bệnh chỉ biết than trời vì phải chịu đựng những biến chứng nguy hiểm khó lường.

Các biến chứng dễ gặp phải nếu bị bướu cổ lâu năm không chữa

Nếu mắc bệnh cường giáp, bạn có thể gặp một số biến chứng sau:

  • Biến chứng tim mạch: Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh bướu cổ lâu năm đó là gặp phải vấn đề về tim mạch. Khi đó bệnh nhân phải chịu đựng chứng tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim vì tim không thể cung cấp đủ máu cho cơ thể.
  • Gây hại cho xương: Nếu không được điều trị, bệnh bướu cổ lâu năm còn khiến cho xương trở nên giòn và yếu đi do loãng xương. Nguyên nhân chính là do cơ thể bị rối loạn hormon tuyến giáp khiến cho xương khó hấp thụ được canxi.
  • Gặp vấn đề về mắt: Bệnh nhân dễ dàng bị chứng bướu cổ lồi mắt, nhìn mờ, hoặc tật nhìn đôi cũng như nhạy cảm với ánh sáng. Các vấn đề thị lực này sẽ ngày càng nặng nếu không được điều trị, thậm chí có thể gây mù lòa.
  • Nguy hiểm với chứng thừa thyrotoxic: Biến chứng này thường xảy ra với bệnh nhân bướu cổ cường giáp. Khi thyrotoxic quá dư thừa sẽ dẫn đến tình trạng sốt, mê sảng trong khi mạch tăng nhanh. Khi đó bệnh nhân cần được chăm sóc y tế đặc biệt để đảm bảo an toàn.

Những trường hợp bướu cổ lâu năm nguy hiểm

Suy thận vì để bướu cổ lâu năm không chữa trị

Bệnh nhân N. được phát hiện bướu cổ đa nhân từ lâu. Cho đến khi ngoài 50, bà còn phải chịu đựng thêm căn bệnh cường giáp, tăng huyết áp gây suy thận mãn.

Khi đã bước sang tuổi 57, bà đã phải nhập viện ngay lập tức trong tình trạng tức ngực, vướng và nặng ngực. Tại bệnh viện quận Thủ Đức, bà N. đã được phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Với khối bướu được cắt bỏ nặng đến 550g, bà N. đã thoát khỏi tình trạng tức ngực, khó thở, khàn giọng và tê tay chân sau phẫu thuật.

Vì nhập viện khi khối bướu đã quá lớn và bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh nên rủi ro của ca phẫu thuật này khá cao. Ca mổ này được thực hiện bởi sự phối hợp của 4 chuyên khoa để tiến hành chạy thận cho bệnh nhân cả trước và sau khi mổ.

Bệnh bướu cổ tuy thông thường không liên quan đến suy thận, nhưng trường hợp này bệnh nhân còn bị tăng huyết áp nên khi không chữa trị sẽ dẫn đến suy thận như một hệ lụy nặng nề.

Bà N. không phải là trường hợp hiếm gặp khi lơ là, không chữa trị bướu cổ. Bởi bình thường bướu cổ lành tính không cần can thiệp, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi định kì để phát hiện trường hợp bướu giáp lớn quá nhanh, hoặc nhân giáp kèm theo hạch cổ, hoặc nghi ngờ  bướu cổ gây ung thư,…

Nhiều bệnh nhân bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng, hoặc không có điều kiện thăm khám đều đặn nên khiến cho tim mạch ảnh hưởng, thậm chí còn tăng khả năng suy thận, gây hậu quả khó lường.

Bướu giáp dù lành tính nhưng khi quá to cũng sẽ gây nguy hiểm.

Ngủ ngồi gần 2 năm chỉ vì bị bệnh bướu cổ lâu năm

Cũng như bà N., bệnh nhân này cũng bị bướu cổ đã 50 năm. Bà đã từng phẫu thuật bướu cổ vào năm 1969 nhưng không may khối bướu không được cắt bỏ hoàn toàn mà ngày càng phát triển lớn hơn. Vì vậy mà bệnh nhân bị hành hạ bởi các triệu chứng run tay chân, khàn tiếng, khó nuốt, khó thở. Đặc biệt bà gần như không thở được khi nằm ngủ nên đã phải ngủ ngồi trong suốt hai năm. Có lẽ tình trạng bệnh bướu cổ lâu năm của bệnh nhân này nghiêm trọng đến như vậy cũng do bà có tiền sử hút thuốc lá đến hơn 30 năm.

Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân này được chẩn đoán là suy tim phải và tăng áp động mạch phổi nặng do bướu cổ quá to chèn ép lên khí quản đi kèm với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối bướu.

Lý giải cho việc bệnh nhân bị suy tim, Bác sĩ Bùi Thế Dũng cho biết do bướu cổ quá lớn làm tắc nghẽn đường thở lâu dài gây suy hô hấp mãn tính, tăng CO2 trong máu và giảm oxy. Nếu không kịp thời phẫu thuật tuyến giáp, bệnh nhân có thể tử vong.

Rất may sau ca phẫu thuật thành công bởi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, bệnh nhân đã phục hồi dần chức năng tim phổi, ổn định lại sức khỏe và đã có thể nằm ngủ sau cả 2 năm trời ngủ ngồi.

Bướu cổ lâu năm gây biến chứng về mắt

Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng đã từng tiếp nhận một trường hợp biến chứng do bệnh bướu cổ lâu năm không được phát hiện. Đây lại là một bệnh nhân nữ và chỉ mới 48 tuổi. Cô được đưa đến bệnh viện với triệu chứng chóng mặt, đau đầu, mắt trái lác hoàn toàn và không nhắm được. Bệnh nhân này được chẩn đoán là liệt dây thần kinh số 6 và đang theo dõi u não. 

Qua các xét nghiệm tại khoa Nội tổng hợp, bệnh nhân được xác định là mắc bệnh bướu cổ Basedow biến chứng mắt. Nhưng cũng thật may mắn bởi sau 10 ngày điều trị thì hai mắt đã có thể nhìn rõ như bình thường.

Với những biến chứng khó lường, mọi người không nên bỏ qua việc điều trị bướu cổ dù là bướu lành tính hay ác tính. Thậm chí đã được phẫu thuật vẫn phải kiên trì thăm khám theo lịch định kì mà bác sĩ đề nghị, thường là 6 tháng 1 lần. Bệnh bướu cổ nặng hay nhẹ, điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật là tùy vào mức độ bệnh của mỗi người, chỉ cần đừng để bướu cổ lâu năm không chữa thì bệnh nhân hoàn toàn có thể an tâm vui sống mà không cần lo biến chứng.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *