Can thiệp mạch ngoại vi

1. Tổng quan về Can thiệp mạch ngoại vi

Tên kỹ thuật: Can thiệp mạch ngoại vi

Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Bệnh mạch máu ngoại vi (bệnh mạch máu ngoại biên) là căn bệnh tắc nghẽn mạch máu ngoại vi tại vùng tiểu khung, chi dưới, chi trên do các mảng xơ vữa và huyết khối. Bệnh động mạch ngoại vi thường gặp phổ biến hơn ở người cao tuổi, người hút thuốc lá, người bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ.

Các mạch máu này thường bị hẹp hoặc tắc, nguyên nhân là do bị xơ vữa động mạch, dẫn tới tình trạng thiếu máu cho các cơ quan như thận hay các chi của cơ thể. Nếu không phát hiện sớm để điều trị căn bệnh thì sẽ dẫn đến hoại tử đầu chi, phải tháo khớp hay cắt cụt chân tay, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay thậm chí là tử vong.

Can thiệp mạch ngoại vi thủ thuật tiến hành dưới máy chụp mạch máu số hoá xoá nền DSA nhằm chẩn đoán các bệnh lý bất thường về động mạch ngoại vi bao gồm động mạch chi, động mạch thận, động mạch dưới đòn, động mạch cảnh, động mạch não…và tiến hành điều trị can thiệp các tổn thương hẹp tắc, phình giãn, thông động tĩnh mạch bằng các dụng cụ chuyên biệt.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Áp dụng với bệnh nhân:

  • Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng liên quan đến mạch máu bị tổn thương.
  • Tổn thương hẹp trên 75% đường kính lòng mạch hoặc các túi phình mạch có kích thước phù hợp cho can thiệp, thông động tĩnh mạch được phát hiện bằng các biện pháp chẩn đoán không xâm nhập khác (Siêu âm, MSCT 64, Cộng hưởng từ…)
  • Bệnh nhân có thiếu máu đe doạ chi như đau khi nghỉ, loét chân do thiếu máu, hoại tử.
  • Bệnh nhân trị liệu phục hồi chức năng gắng sức và thuốc không đáp ứng.
  • Bệnh nhân bị giới hạn hoạt động bởi đau chi cách hồi.
  • Đau chân nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân đang bị bệnh nhiễm trùng tiến triển.
  • Bệnh nhân rối loạn đông cầm máu nặng.
  • Bệnh nội khoa nặng (suy thận nặng, suy gan, suy tim tiến triển…).
  • Dị ứng thuốc cản quang hoặc với thuốc chống đông Heparin.
  • Bệnh nhân chống chỉ định với gây mê nội khí quản trong trường hợp can thiệp động mạch não.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Thủ thuật nhẹ nhàng, chỉ cần gây tê tại chỗ.
  • Có thể tiến hành nhiều lần trên các bệnh nhân cao tuổi.
  • Hạn chế xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân.
  • Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng

Nhược điểm:

  • Bệnh nhân có thể mắc một số tai biến.

4. Quy trình thực hiện – Can thiệp mạch ngoại vi

Bước 1: Đặt bệnh nhân lên giường đúng tư thế và tiến hành gây mê.

Bước 2: Mở đường vào động mạch.

  • Dùng kim chọc động mạch để đưa guidewire vào lòng mạch.
  • Đưa sheath vào trong lòng mạch theo guidewire.

Bước 3: Tiến hành thủ thuật

  • Đưa catheter chụp mạch chẩn đoán theo guidewire dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng đến vị trí mạch máu tổn thương.
  • Cài Catheter can thiệp vào vị trí mạch tổn thương.
  • Lái guide wire can thiệp qua vị trí mạch máu bị hẹp tắc.
  • Đưa bóng nong động mạch trượt trên guidewire đến vị trí tổn thương và dùng bơm áp lực bơm bóng nở tối đa.
  • Đưa stent động mạch tới vị trí tổn thương và dùng bơm áp lực bơm cho stent áp sát vào thành mạch.
  • Kiểm tra stent nở tối đa. Trường hợp stent chưa nở hoàn toàn có thể dùng bóng áp lực cao nong lại cho stent nở hoàn toàn.

Bước 4: Kết thúc thủ thuật

  • Chụp kiểm tra lại lần cuối mạch máu.
  • Rút các thiết bị can thiệp.
  • Băng ép cầm máu đường vào động mạch và chuyển bệnh nhân về phòng theo dõi.

Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân đau nhẹ ở vị trí chọc mạch.
  • Bệnh nhân đau ở các chi.

5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Bệnh nhân bị tụ máu, chảy máu tại vị trí chọc động mạch.
  • Bệnh nhân bị tắc mạch hoặc chảy máu tái phát sau can thiệp.
  • Bệnh nhân bị sưng đau vị trí chọc mạch.
  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng vị trí chọc mạch.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân được làm xét nghiệm máu, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh không xâm nhập phục vụ cho điều trị can thiệp.
  • Sau khi can thiệp xong bác sĩ cần theo dõi:
  • Vị trí chọc động mạch.
  • Theo dõi toàn trạng, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
  • Theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nước tiểu.
  • Theo dõi xét nghiệm công thức máu, sinh hoá máu 24h sau thủ thuật.
  • Bệnh nhân cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: bỏ thuốc lá, giảm cân nếu quá cân, kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường máu bằng đo đường máu hàng ngày, điều trị tăng lipid máu và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên bằng các thuốc kháng tiểu cầu.
  • Bệnh nhân cần có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên bằng cách đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Mỗi đợt tập 3 lần một tuần và kéo dài trong 3 tháng. Việc luyện tập thời gian đầu có thể đau và khó chịu, tuy nhiên nếu kiên trì, sẽ dần dần cải thiện đáng kể các triệu chứng và có thể đi lâu hơn mà không bị đau.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *