1. Tổng quan về Nội soi phế quản dưới gây mê
Tên khoa học: Nội soi phế quản dưới gây mê
Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Nội soi phế quản dưới gây mê là thủ thuật thăm khám bên trong cây phế quản nhờ một ống soi. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán, điều trị quan trọng trong chuyên ngành hô hấp.
Vai trò: mô tả tổn thương giải phẫu bên trong của cây phế quản. Thông qua bệnh phẩm lấy được để chẩn đoán: xác định, nguyên nhân, phân biệt, tiên lượng bệnh, ngoài ra còn tiến hành các thủ thuật điều trị.
Nội soi phế quản dưới gây mê được thực hiện ở những người bệnh quá lo lắng, người bệnh ho, kích thích nhiều hoặc trong thủ thuật đòi hỏi phải can thiệp kéo dài.
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
Bệnh lý ác tính
- Chẩn đoán ung thư khí phế quản.
- Phân giai đoạn ung thư phế quản.
- Theo dõi sau điều trị ung thư phế quản.
- Đánh giá những người bệnh có tổn thương ác tính vùng đầu, cổ.
- Đánh giá trong trường hợp có ung thư thực quản.
Khối trung thất.
Nhiễm khuẩn: viêm phổi tái phát hoặc cải thiện chậm, nhiễm trùng ở người bệnh suy giảm miễn dịch, mủ màng phổi, áp xe phổi,…
Các chỉ định khác: xẹp phổi, bệnh phổi kẽ, ho máu, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, hít phải dị vật, chấn thương ngực, tràn dịch màng phổi dịch tiết chưa rõ nguyên nhân, đánh giá người bệnh sau phẫu thuật phổi, xác định chính xác vị trí ống nội khí quản, đánh giá các tổn thương sau đặt nội khí quản hoặc mở khí quản, hẹp khí quản, khàn tiếng do liệt dây thanh, nghi dò khí quản-thực quản hoặc khí phế quản-màng phổi, tràn khí màng phổi kéo dài, ….
Chống chỉ định:
Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim nặng, suy tim nặng, nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực gần đây hoặc không ổn định, tăng huyết áp nhiều không kiểm soát được…
Người bệnh suy hô hấp, BPTNMT nhóm D hoặc đang đợt cấp nặng, hen phế quản chưa được kiểm soát, người bệnh giãn phế nang nhiều kén khí lớn dễ vỡ, người bệnh tràn khí màng phổi chưa được dẫn lưu, người bệnh có tiền sử tràn khí màng phổi trong vòng 1 tháng,…
Có rối loạn về đông máu.
Người bệnh không hợp tác.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – Nội soi phế quản dưới
Ưu điểm:
Nội soi phế quản là thủ thuật giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp bằng ống soi mềm để chẩn đoán các bệnh lý bên trong cây phế quản, từ khí quản đến các phế quản nhỏ. Thủ thuật này cho phép bác sĩ phát hiện các tổn thương trong lòng khí quản, phế quản, đồng thời kết hợp lấy bệnh phẩm ra ngoài thành phế quản, ở nhu mô phổi, tiếp cận tới các tổn thương gần rìa phổi.
Thời gian cho một ca nội soi phế quản dưới gây mê chỉ mất khoảng 5 – 10 phút. Đặc biệt, ống mềm nội soi phế quản còn được trang bị camera, màn hình độ phân giải cao, màu sắc trung thực cùng hệ thống đèn Xenon, dải tần hẹp NBI, giúp các bác sĩ can thiệp dễ dàng ngay cả đối với những vị trí khó tiếp cận nhất của đường thở, quan sát và điều trị tổn thương mà không gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Nhược điểm:
Các tai biến của nội soi phế quản tương đối hiếm gặp và thường là nhẹ. Cần lưu ý rằng tất cả các thủ thuật đều có những nguy cơ hoặc tai biến nhất định do những nguyên nhân đã được biết hoặc không thể dự đoán trước bởi vì cấu trúc giải phẫu học và đáp ứng với thuốc rất khác nhau ở từng cá nhân. Vì thế không thể đảm bảo với bất kỳ thủ thuật nào mà hoàn toàn không gây tai biến.
4. Quy trình thực hiện Nội soi phế quản dưới
Bước 1: Chuẩn bị trước khi bắt đầu thủ thuật
Ống soi phế quản là một ống mềm có gắn camera ở đầu. Ống soi được đưa vào đường hô hấp qua miệng hoặc mũi để đi vào khí quản sau đó ống được đưa vào phổi của bệnh nhân. Khi đưa ống soi qua đường mũi sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ đường hô hấp trên. Nếu đưa ống soi qua đường miệng, bác sĩ có thể sử dụng ống soi to hơn
- Răng giả, hàm giả phải được tháo ra,
- Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch giúp thư giãn. Đôi khi bệnh nhân cũng sẽ được gây mê và ngủ trong quá trình soi,
- Bệnh nhân sẽ được đặt vào tư thế thích hợp. Đầu giường sẽ được nâng cao giúp bệnh nhân có tư thế ngồi. Đầu của bệnh nhân sẽ được đặt ngửa ra sau như đang ngước nhìn trần nhà,
- Bác sĩ sẽ xịt thuốc tê vào miệng và cổ họng của bệnh nhân giúp giảm cảm giác khó chịu, buồn nôn có thể xảy ra khi ống soi được đưa vào. Nếu nội soi phế quản được thực hiện qua đường mũi, một miếng thạch gây tê sẽ được đặt vào một lỗ mũi. Thuốc có vị khó chịu và bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm thấy cổ họng bị tê,
- Bệnh nhân sẽ bị ho khi ống soi phế quản bắt đầu được đưa vào. Khi thuốc tê bắt đầu có tác dụng bệnh nhân sẽ hết ho. Bệnh nhân sẽ không còn cảm giác ở vùng nội soi khi thuốc tê đã được phun đủ.
Bước 2: Thực hiện thủ thuật:
- Thủ thuật sẽ được bắt đầu khi bệnh nhân bị tê hoàn toàn, ống soi sẽ được đưa vào phổi:
- Thông thường trong quá trình thực hiện thủ thuật và một thời gian ngắn sau đó, bệnh nhân cần phải được cung cấp oxy qua một ống được luồn vào mũi hoặc bằng mặt nạ dưỡng khí. Máy theo dõi nhịp tim cũng có thể được sử dụng trong khi thực hiện thủ thuật,
- Bác sĩ có thể bơm nước muối qua ống soi để rửa phổi và lấy mẫu tế bào phổi, dịch phổi và những chất khác trong các phế nang (air sacs). Phần này của thủ thuật được gọi là rửa,
- Đôi khi bác sĩ có thể đưa những bàn chải nhỏ, kim nhỏ hoặc kẹp qua ống soi phế quản để lấy ra những mẫu mô rất nhỏ (sinh thiết) từ phổi của bệnh nhân,
- Bác sĩ cũng có thể đăt một ống stent vào đường dẫn khí.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Thuốc tê tại chỗ (thuốc tê) sẽ được sử dụng để làm dịu và tê các cơ cổ họng. Khi thuốc tê bắt đầu tác dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy chất lỏng đang chảy xuống, dọc theo phía sau cổ họng và bệnh nhân sẽ bị cảm giác muốn ho hoặc mắc nghẹn (gag).
- Khi thuốc tê có tác dụng hoàn toàn, bệnh nhân sẽ cảm thấy có vật gì đè nhẹ hoặc kéo nhẹ khi ống soi đi qua khí quản.
- Khi thuốc tê hết tác dụng, bệnh nhân có thể bị rát cổ họng trong vài ngày. Sau thủ thuật, phản xạ ho sẽ lập lại trong vòng từ 1-2 giờ.
- Khi thủ thuật kết thúc, bệnh nhân có thể bị khàn giọng và đau họng. Những tác dụng này chỉ tạm thời. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cố gắng tạm thời tránh ho và nhổ nước bọt/ đờm vào bồn nước cho đến khi bệnh nhân có thể nuốt bình thường.
- Tác dụng của thuốc tê được phun vào cổ họng bệnh nhân trước thủ thuật có thể tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng nuốt của bệnh nhân cho đến bốn giờ sau khi thực hiện xong thủ thuật. Do đó, bệnh nhân sẽ không được ăn uống cho đến khi có lại phản xạ nuốt.
- Một số bệnh nhân có thể ho ra máu màu nâu đen 1 đến 2 ngày sau nội soi phế quản. Điều này là bình thường
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
Thiếu oxy máu: Nếu có tình trạng suy hô hấp cấp phải ngừng ngay cuộc soi, tăng lưu lượng oxy, dùng các thuốc giãn phế quản qua đường khí dung hoặc tiêm truyền nếu cần.
Chảy máu: Biến chứng chảy máu thường xảy ra khi sinh thiết. Để đề phòng biến chứng ho máu nặng khi làm sinh thiết phế quản và sinh thiết xuyên thành phế quản, nên làm sinh thiết thử lần thứ nhất bấm mảnh nhỏ và nông để xem mức độ chảy máu, nếu không nguy hiểm thì mới sinh thiết thực sự.
Nhiễm khuẩn: Nếu sau soi người bệnh có sốt, ho khạc đờm màu đục thì nên cấy đờm tìm vi khuẩn gây bệnh.
Co thắt thanh phế quản: Biến chứng này thường xảy ra do gây tê không kỹ lưỡng để ức chế cảm thụ kích thích gây nên co thắt phế quản thông qua thần kinh phó giao cảm.
Tràn khí màng phổi: Gặp vào khoảng từ 5% – 5,5% khi sinh thiết xuyên thành phế quản, chải phế quản hoặc ở những người bệnh có giãn phế nang nặng. Nếu tràn khí ít có thể chỉ cần thở oxy, chụp phim theo dõi, nếu tràn khí nhiều phải mở màng phổi dẫn lưu khí.
Các biến chứng và tai biến khác
- Dị ứng với thuốc tê lidocain: làm test lidocain trước soi. Khi phát hiện có dị ứng: tiêm bắp 1 ống dimedrol 10mg, và 1 ống methylprednisolon 40mg (tĩnh mạch).
- Gẫy bàn chải hoặc kìm sinh thiết trong lòng phế quản: dùng kìm sinh thiết khác để gắp đầu gẫy ra ngoài.
7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
Người bệnh nhịn ăn trước soi 6 giờ,
Trường hợp có sinh thiết, mẫu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra, hầu hết các kết quả sẽ được thông báo cho bệnh nhân từ 48 đến 72 giờ, tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ phải đợi thêm vài ngày để kiểm tra thêm.
Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về những vấn đề đặc biệt để có được lịch tiến hành nội soi phế quản phù hợp. Bác sĩ cũng cần biết về các tình trạng dị ứng hoặc phản ứng phụ của bệnh nhân do thuốc mà bệnh nhân đã trải qua.
Nguồn: Vinmec