Vì sao trẻ lại biếng ăn?

Biếng ăn là tình trạng phổ biến, xảy ra nhiều ở trẻ nhỏ, do bé bị giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn dẫn tới không thu nạp đủ chất lượng thức ăn theo nhu cầu cơ thể.

Nếu mẹ để tình trạng biếng ăn kéo dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về tầm vóc của trẻ. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này của trẻ.

1. Vì sao trẻ lại biếng ăn?

Biếng ăn có nhiều mức độ: nhẹ nhất là trẻ ăn ít hơn so với bình thường, sau đó là bé chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn còn nặng hơn là từ chối ăn, sợ, nôn ói khi nhìn thấy thức ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng biếng ăn ở trẻ như:

Khẩu phần ăn thiếu cân đối hoặc ăn dặm quá sớm

Nhiều cha mẹ cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn thiếu cân đối như chỉ ăn thiên lệch một nhóm thực phẩm hoặc ăn không đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm protein, chất béo, tinh bột và khoáng chất.

Việc này khiến trẻ bị thiếu vitamin nhóm B (gồm B1, B2, B6 và B12), làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn; thiếu kẽm và selen khiến trẻ lười ăn, hạn chế hấp thu dinh dưỡng; thiếu chất xơ khiến trẻ bị táo bón, chướng bụng, khó chịu dẫn tới chán ăn hoặc thiếu protein khiến trẻ chậm tăng cân,…

Thay đổi sinh lý hoặc mắc bệnh

Những thay đổi sinh lý của trẻ giữa các giai đoạn biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng,… đều là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.

Trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, sâu răng,… sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu khi ăn uống nên thường bỏ ăn.

Trẻ bị rối loạn chức năng tiêu hóa như loạn khuẩn đường ruột hoặc thiếu men tiêu hóa nên đầy bụng, khó tiêu, hấp thu thức ăn kém dẫn tới biếng ăn và từ đó bé chậm lớn.

Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) hoặc viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản)…thường ăn ít hoặc bỏ ăn vì bé không có cảm giác đói hay muốn ăn.

Biếng ăn ở trẻ có thể gặp khi bé dùng kháng sinh kéo dài, uống viên sắt, uống vitamin A, vitamin D quá liều.

Thói quen cho trẻ ăn của cha mẹ

Tình trạng biếng ăn của con có thể xuất phát từ việc món ăn của bé không được chế biến hấp dẫn hoặc lặp lại một vài món ăn thường xuyên hay nguyên liệu nấu ăn với tần suất quá dày.

Cha mẹ cho trẻ ăn không có giờ giấc cố định hoặc ăn nhiều quà vặt, bánh kẹo trước bữa ăn. Việc này khiến bé không bao giờ cảm thấy đói nên trẻ sẽ ăn ít hoặc không ăn trong các bữa chính.

Cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử,… trong khi ăn khiến bé không tập trung khi ăn, ăn lâu, gây hiện tượng ngang bụng, trẻ không muốn ăn dù chưa ăn được nhiều.

Số lượng thức ăn hoặc bữa ăn chưa hợp lý, quá ít hoặc quá nhiều.

Yếu tố tâm lý

Cha mẹ ép trẻ ăn bằng cách đánh mắng, la hét, buộc trẻ ăn hết định mức. Đôi khi lượng thức ăn cha mẹ yêu cầu là quá mức so với sức ăn của trẻ và hậu quả là trẻ sẽ ngậm thức ăn, nôn ói hoặc chống đối. Về lâu dài tình trạng này sẽ tạo tâm lý sợ ăn và dẫn tới chứng biếng ăn của trẻ.

Cha mẹ ép trẻ ăn sẽ tạo tâm lý sợ ăn và dẫn tới chứng biếng ăn của trẻ.

Trẻ có thể biếng ăn nếu đột ngột thay đổi môi trường, giờ ăn, nơi ăn uống hoặc người cho ăn. Nhất là những trẻ phải xa bố mẹ, ông bà thì sẽ bị thay đổi tâm trạng, hờn dỗi và không muốn ăn.

Bố mẹ cư xử quá lạnh nhạt với trẻ nên bé không ăn để chống đối.

2. Biếng ăn ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ?

Biếng ăn lâu ngày ở trẻ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ bao gồm:

Suy dinh dưỡng

Hậu quả dễ nhận thấy nhất đó là vấn đề suy dinh dưỡng, trẻ không đáp ứng các chỉ số tăng trưởng, thể trạng còi cọc, thấp bé, gầy gò, xanh xao so với các bạn đồng trang lứa.

Thiếu hụt dưỡng chất khiến trẻ bị rối loạn tăng trưởng

Trong giai đoạn phát triển, trẻ cần một lượng lớn nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày.

Khi trẻ không chịu ăn sẽ dẫn đến nguồn dưỡng chất nạp vào cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ, trong đó phải kể đến những chất cơ thể chỉ cần 1 lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, như: thiếu vitamin A khiến khô mắt, khô giác mạc có thể dẫn đến mù lòa, thiếu vitamin B1 có thể gây tê phù; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin D, canxi gây bệnh còi xương, rối loạn trưởng…

Trẻ thiếu hụt dưỡng chất khiến con bị rối loạn tăng trưởng, hoặc phát triển chậm

Trí não trẻ chậm phát triển

Dinh dưỡng là một trong 3 yếu tố quyết định sự phát triển của trẻ. Trẻ biếng ăn sẽ gặp phải nguy cơ thiếu một hoặc nhiều chất quan trọng ảnh hưởng đến sự hoạt động hiệu quả của bộ não như Protein, Omega 3, Omega 6, DHA, Sắt, Taurin, chất béo… là những chất tác động đến sự hoạt động hiệu quả của não bộ.

Suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ rất dễ mắc bệnh: Khi khẩu phần ăn của trẻ không đủ khiến cơ thể trẻ không được cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu, các dưỡng chất này giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Lúc này sức đề kháng của trẻ bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, như: viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi…

Ảnh hưởng đến chỉ số cảm xúc

Chỉ số cảm xúc hay còn gọi là chỉ số EQ ở trẻ càng cao thì càng phát triển tốt các khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, thích ứng nhanh với sự thay đổi môi trường sống. Có thể coi đây chính là nền tảng tốt giúp trẻ hoàn thiện nhân cách, kỹ năng để thành công trong tương lai.

Tuy nhiên trẻ biếng ăn thường có EQ thấp, trẻ có xu hướng thụ động, cáu gắt, khó hòa nhập… lâu dài có thể dẫn đến tự kỷ, học hành kém, mất tập trung và khó thành đạt.

Biếng ăn là vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra và ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng, sức khỏe của trẻ. Phụ huynh nên xác định và khắc phục những nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, đồng thời phối hợp nhiều biện pháp điều trị biếng ăn dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *