Hormone cortisol trong cơ thể tăng cao mất kiểm soát là nguyên nhân gây nhiều vấn đề tiêu cực cho sức khỏe; điển hình như tăng lượng đường huyết, tăng huyết áp, tích tụ chất béo, tăng nguy cơ béo phì, gây căng thẳng,…
Chúng ta nên theo dõi những dấu hiệu trong cơ thể để kiểm soát mức độ cortisol cũng như ngăn chặn chúng tăng cao quá mức.
Tăng cân đột ngột
Mặc dù tăng cân có thể xuất phát từ một chế độ ăn thiếu cân bằng nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy hormone cortisol đang được sản sinh quá mức trong cơ thể. Để xác định rõ ràng hơn có phải do nguyên nhân này hay không thì bạn có thể chú ý, những bộ phận mà chất béo tích tụ nhiều sẽ là phần vai, lưng và ngực. Điểm đáng lưu ý hơn là phần tay và chân không những không thay đổi mà có xu hướng ốm đi rõ rệt.
Da xuất hiện nhiều vấn đề
Khi lượng hormone cortisol trong cơ thể tăng cao, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trên da hơn là những bộ phận khác. Cụ thể, làn da nổi nhiều mụn hơn, xuất hiện nhiều nốt sần, mụn nước trên ngực, bụng, đùi, cơ thể dễ bị bầm tím, lông mọc nhiều hơn trên mặt và khắp cơ thể.
Trầm cảm và thay đổi tâm trạng
Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa mức độ cortisol đối với sự lưu thông máu. Khi cortisol tăng cao sẽ làm giảm lưu lượng máu và glucose vận chuyển lên não. Điều này gây cản trở khả năng hoạt động cũng như tăng lượng tế bào chết trên não. Do đó, khi rỗi loạn hormone cortisol, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp trạng thái lo lắng, căng thẳng ở bản thân; đồng thời tâm trạng thay đổi thất thường và nghiêm trọng hơn là dễ rơi vào trầm cảm.
Suy yếu hệ miễn dịch
Bạn có biết, hormone cortisol cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống miễn dịch của cơ thể? Khi hormone này tăng cao, nhiều tế bào chết đi và khiến hệ thống miễn dịch thay vì tấn công virus lại quay sang tấn công các mô của cơ thể.
Trong trường hợp này, cơ thể bạn sẽ phải đối diện với một số căn bệnh nguy hiểm như hen suyễn, dị ứng, tuy nhiên nếu tình trạng trầm trọng hơn có thể dẫn đến bệnh viêm ruột mãn tính, lupus ban đỏ, hội chứng fibromyalgia…
Mệt mỏi và mất ngủ
Không thể phủ nhận một điều rằng hormone cortisol cũng có lợi ích riêng của nó, chính là giúp bạn tỉnh táo và cung cấp năng lượng tốt hơn, đây là lí do mà hormone này thường sản sinh vào sáng sớm để giúp cơ thể hoạt động hiệu quả.
Nhưng điều đáng nói là khi hormone này tăng cao quá mức và không đúng lúc, tức là vào ban đêm, sẽ gây ra tác dụng ngược chính là làm bạn khó ngủ và mệt mỏi hơn vào ban ngày.
Một số cách hạn chế dư thừa cortisol trong cơ thể
Nếu bạn thấy mình có những dấu hiệu vừa kể trên thì có thể hormone cortisol không được kiểm soát tốt trong cơ thể bạn. Nhưng đừng lo lắng quá vì có một số cách có thể giúp bạn hạn chế sự dư thừa của chúng.
Tập thể dục: Tập thể dục không chỉ giúp bạn có vóc dáng thon gọn mà trong quá trình tập luyện, cơ thể còn sản xuất ra serotonin và dopamine, 2 loại hormone này có tác dụng giảm nguy cơ lo âu hoặc trầm cảm, đồng thời cũng hạn chế cortisol sinh ra nhiều hơn.
Cải thiện giấc ngủ: Nếu cortisol làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, khiến bạn luôn trong trạng thái lờ đờ, uể oải và không thể tập trung thì hãy bắt tay vào việc cải thiện giấc ngủ. Một số phương pháp để bạn ngủ ngon hơn chính là uống trà hoa cúc, trà atiso, trà tâm sen. Đồng thời hạn chế tối đa những tác nhân gây mất ngủ như sử dụng thiết bị điện tử, đèn quá sáng, không gian ồn ào, ăn tối quá trễ…
Hạn chế cà phê: Cà phê chứa caffeine là một sự lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tỉnh táo nhưng chúng đồng thời cũng làm tăng mức cortisol trong máu ít nhất 30% trong vòng 1 giờ và có thể kéo dài trong 18 giờ sau đó. Vì thế, tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc ngừng uống cà phê một thời gian để giảm lượng cortisol tốt hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.