Đặt sonde dạ dày

1. Tổng quan về Đặt sonde dạ dày

  • Tên khoa học: ĐẶT SONDE DẠ DÀY 
  • Tên thường gọi: Đặt ống thông Sonde dạ dày, Đặt ống thông dạ dày
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật: 

Kỹ thuật đặt ống thông Sonde dạ dày được hiểu đơn giản là đặt ống thông vào dạ dày người bệnh để nuôi dưỡng thức ăn, theo dõi bệnh, hút dịch… trong trường hợp người bệnh không có khả năng ăn uống bằng đường miệng.

Có hai đường để đặt ống thông vào dạ dày:

  • Đường từ mũi đến dạ dày thường áp dụng nhiều và có thể giữ ống lại nhiều ngày
  • Đường từ miệng đến dạ dày ít sử dụng hơn vì gây những bất lợi như người bệnh dễ cắn ống, không nói chuyện được, trường hợp này chỉ dùng khi mũi bị tổn thương hay trong trường hợp không cần lưu ống.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ngộ độc thực phẩm

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Để dẫn lưu dịch dạ dày, giúp giảm áp lực trong ống tiêu hóa: trong các trường hợp tắc ruột, liệt ruột cơ năng (viêm tụy cấp…) hoặc sau phẫu thuật đường tiêu hóa
  • Để rửa dạ dày: trong trường hợp ngộ độc cấp hoặc chảy máu
  • Theo dõi tình trạng chảy máu tiêu hóa, sự tái phát của chảy máu dạ dày

Chống chỉ định:

  • Tổn thương ở thực quản: u, dò, bỏng thực quản dạ dày do acid hoặc kiềm mạnh, teo thực quản
  • Nghi thủng dạ dày
  • Áp xe thành họng
  • Tổn thương vùng hàm mặt
  • Bệnh ở thực quản: co thắt, chít hẹp, phình tĩnh mạch, động mạch thực quản.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm

  • Cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng cho người bệnh. 
  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. 
  • ít gây tai biến. 
  • Phù hợp với kinh tế của nhiều người bệnh. 
  • Không phụ thuộc vào cảm quan của người bệnh. 

Nhược điểm:

  • Các enzym đường tiêu hóa bi ức chế, bài tiết dịch tiêu hóa kém. 
  • Người bệnh không có cảm giác ngon miệng. 
  • Dễ bị rối loạn tiêu hóa. 
  • Viêm phổi hít, sặc do vật lạ vào phổi. 
  • Viêm tắc tuyến nước bọt. 
  • Lở loét vùng niêm mạc mũi nơi cố định ống. 

4. Quy trình thực hiện – Đặt sonde dạ dày

Bước 1: Chuẩn bị

Đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (người bệnh tỉnh) hoặc nằm đầu thấp, mặt nghiêng về bên trái (người bệnh hôn mê).

Đo độ dài của ống thông (đo từ cánh mũi tới dái tai vòng xuống mũi ức, khoảng 45- 50 cm là ngang phần đáy dạ dày hoặc từ răng cho đến rốn).

 Bôi trơn đầu ống thông (khoảng 5 cm, không để dầu đọng trong ống làm người bệnh sặc)

 Bước 2: Quy trình đặt sonde dạ dày

Người bệnh há miệng hoặc dùng dụng cụ mở miệng hoặc canun Guedel (người bệnh không tỉnh), luồn ống thông qua miệng. Nếu khó khăn có thể luồn qua mũi theo đường đi của lỗ mũi.

Nhẹ nhàng đưa ống vào miệng, sát má, tránh vòm họng và lưỡi gà, động viên người bệnh nuốt mặc dầu rất khó chịu, trong khi đó người điều dưỡng từ từ đẩy ống và đến khi vạch đánh dấu chạm tới cung răng thì dừng lại. Nếu người bệnh có sặc, ho dữ dội, tái mặt, tím môi thì rút ra và đưa lại.

 Bước 3: Kiểm tra ống thông

Kiểm tra xem ống thông đã vào đúng dạ dày chưa bằng 3 cách: bơm khí khoảng 30 ml và nghe vùng thượng vị thấy tiếng sục của khí qua nước hoặc dùng bơm tiêm hút dịch vị hoặc nhúng đầu ngoài của ống thông vào cốc nước sạch không thấy sủi khí.

Cố định ống thông dạ dày bằng băng dính. Lắp túi dẫn lưu vào đầu ống thông dạ dày

Bước 4: Ghi hồ sơ bệnh án

Ghi hồ sơ bệnh án: loại ống thông, kích cỡ, sự hợp tác của người bệnh trong quá trình làm thủ thuật và phương pháp kiểm tra vị trí của ống thông.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Buồn nôn, suy nhược và chảy máu ở vị trí đặt ống.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Nôn mửa gây sặc dịch dạ dày:
  • Nhịp tim chậm, ngất do kích thích dây X
  • Ho, sặc, tím môi

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Phải chắc chắn ống vào đúng dạ dày mới bơm thức ăn vào.
  • Rút dịch và thử trên giấy quì là cách tốt nhất để xác định vị trí ống vào đúng trong dạ dày.
  • Cho thức ăn vào nhẹ nhàng, tránh bơm mạnh thức ăn vì có thể làm người bệnh nôn ói
  • Khi cho nước hoặc thức ăn, phải cho vào liên tục tránh bọt khí.
  • Săn sóc mũi, miệng hàng ngày trong thời gian đặt ống.
  • Thay ống mỗi 5-7 ngày hoặc thay sớm hơn nếu ống bị bẩn.
  • Mỗi lần thay ống nên thay đổi lỗ mũi.
  • Có thể đặt ống qua miệng nếu người bệnh bị viêm mũi (sổ mũi, chảy máu cam).
  • Cố định ống phải chừa khoảng cách để cử động, tránh chèn ép lên cánh mũi gây hoại tử
  • Theo dõi cẩn thận lần ăn đầu tiên.
  • Theo dõi dịch tồn lưu trong dạ dày cho lần ăn sau, nếu >100ml phải báo bác sĩ.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *