Nội soi Robot cắt đại tràng

1. Tổng quan về Nội soi Robot cắt đại tràng

  • Tên khoa học: Nội soi Robot cắt đại tràng
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật :

Đại tràng hay còn gọi là ruột già là đoạn cuối cùng của đường tiêu hóa. Thức ăn phần lớn được tiêu hóa và hấp thụ ở ruột non, phần bả còn lại sẽ đi qua đại tràng để được hấp thụ nước và tống ra ngoài qua hậu môn. Những bệnh nhân được chẩn đoán có khối u ở đại tràng phát triển lớn làm tắc ruột gây hoại tử đại tràng hoặc ung thư đại tràng sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ đại tràng.

Nội soi Robot cắt đại tràng là kỹ thuật can thiệp ít xâm hại nhất cho phép bác sĩ cắt một phần đại tràng qua những đường mổ nhỏ, chỉ 1,5 cm. Ống kính soi được gắn với camera truyền hình ảnh phóng đại trên màn hình giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi và thực hiện phẫu thuật, các dụng cụ được đưa và qua những lỗ khác để thực hiện phẫu thuật. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể nối ruột với ruột để đi đại tiện qua hậu môn hoặc làm hậu môn nhân tạo.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư đại tràng

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Áp dụng cho các trường hợp tổn thương ác tính ở trực tràng đoạn 1/3 trên hoặc phần thấp đại tràng chậu hông.
  • Viêm túi thừa
  • Tắc đại tràng
  • Viêm ruột
  • Tổn thương đại tràng
  • Ung thư đại tràng

Chống chỉ định:

  • Khối u quá lớn, ung thư đã di căn xa, vào các tạng lân cận, đặc biệt là phúc mạc không có khả năng cắt bỏ.
  • Người bệnh già yếu hoặc có các bệnh nặng phối hợp không thể thực hiện được phương pháp mổ nội soi (ví dụ như suy tim, suy chức năng hô hấp,…)

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Phẫu thuật Nội soi robot kết hợp được sự khéo léo tinh tế của bàn tay con người và sự chính xác rất cao của công nghệ, giúp quá trình phẫu thuật điều trị cho người bệnh đạt được kết quả tối ưu.
  • Robot có 4 cánh tay mô phỏng gần như hoàn hảo các động tác bàn tay con người thu nhỏ, đặc biệt nó có thể xoay tròn để thao tác mà bàn tay người không làm được.
  • Robot phẫu thuật có thể phẫu tích, cắt, khâu vết thương ở những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, giải quyết được những hạn chế của phẫu thuật mổ hở và nội soi cổ điển.
  • An toàn, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng phẫu thuật, giảm đau, ít mất máu, hồi phục nhanh, đảm bảo thẩm mỹ với đường rạch chỉ 1- 2cm.

Nhược điểm:

Kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và tỉ mỉ, chính xác trong từng thao tác.

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh nằm tư thế sản khoa, đặt sonde bàng quang.
  • Vô cảm bằng cách gây mê nội khí quản.

Bước 2: Tiến hành

  • Đặt trocar
  • Do dẫn lưu bạch huyết của đại tràng và trực tràng đi theo các cuống mạch chính do đó trong phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng, cuống mạch nuôi được thắt sát gốc. 
  • Phẫu tích đại tràng từ ngoài vào
  • Phẫu tích đại tràng từ trong ra:
  • Cắt đại tràng xích ma tương ứng với vị trí cắt mạch bằng máy cắt nội soi. 
  • Mổ bụng 7cm ở hố chậu phải để lấy bệnh phẩm và cắt hồi tràng cách góc hồi manh tràng khoảng 10cm tương ứng với đoạn đã thắt mạch. 
  • Lập lại lưu thông tiêu hóa.
  • Hút rửa sạch ổ bụng, cầm máu. 
  • Đóng các lỗ trocar. 

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Có thể đau vết mổ hay đau bụng sau mổ cho đến 1 tuần.
  • Có thể buồn nôn hay nôn sau mổ 1 đến 2 ngày
  • Sinh hoạt bình thường trở lại sau 5 ngày đến 1 tuần lễ.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Đau bụng tăng nhiều hơn và kéo dài
  • Đỏ nơi vết mổ nhiều và lan rộng hơn kèm theo đau.
  • Bụng chướng căng, kèm buồn nôn nôn.
  • Lạnh run và sốt cao hơn 38,5 độ C
  • Dịch chảy ra qua vết mổ nhiều hơn và có mùi hôi.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Robot Da Vinci thế hệ nhất do Hoa Kỳ sản xuất

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Đại tràng cần phải làm sạch phân trước mổ ít nhất 2 ngày. Bệnh nhân chỉ uống sữa ngày 1 và uống nước đường ngày thứ 2. Các biện pháp làm sạch ruột có thể là thụt tháo hay uống dung dịch nước xổ, tùy theo chỉ định bác sĩ.
  • Nhịn ăn và uống hoàn toàn, tắm rửa sạch bằng xà bông tiệt trùng đêm trước mổ. Ngưng các loại thuốc chống đau, kháng viêm, chống đông máu.
  • Báo cho bác sĩ biết nếu chưa sạch ruột (còn đi cầu ra phân) hay bất cứ những khó chịu nào của bạn trước mổ.
  • Bệnh nhân nên tập đi lại ngày đầu sau mổ.
  • Uống nước và ăn lỏng khi bắt đầu thấy đói.
  • Có thể tắm rửa và thay băng mỗi ngày

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *