Phẫu thuật sàn chậu

1. Tổng quan về Phẫu thuật sàn chậu

  • Tên khoa học: Phẫu thuật sàn chậu
  • Tên thường gọi : Phẫu thuật sa tạng chậu
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Sa tạng chậu là sự sa xuống của các tạng chậu do sự suy yếu các cơ và các mô liên kết vùng chậu do chấn thương trực tiếp, tổn thương thần kinh. Các tạng bị sa xuống bao gồm tử cung, bàng quang, trực tràng, ruột non và ruột già, và vòm âm đạo qua khe niệu dục. Trong những trường hợp nặng những thoát vị này có thể vượt qua vết màng trinh và lồi ra ngoài lỗ âm đạo. Hiện nay, phẫu thuật sa tạng chậu có thể được tiến hành bằng phương pháp đa phẫu thuật (giải quyết cùng lúc các tạng bị sa) kết  hợp sử dụng mảnh ghép tổng hợp ghép phục hồi sàn chậu như: Phục hồi thành trước và sau âm đạo, đặt TOT, nội soi cố định sàn chậu, phẫu thuật điều trị túi sa trực tràng, sa bàng quang….

Đối với phương pháp phẫu thuật điều trị túi sa trực tràng (phẫu thuật sa thành sau), bác sĩ sẽ sử dụng mảnh ghép tổng hợp không tan ( polypropylene ) để nâng trực tràng, cố định vào dây chằng cùng gai hoặc cơ nâng hậu môn và nút sàn chậu, may phục hồi cân trực tràng âm đạo bằng chỉ tan hay không tan.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Sa trực tràng

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Sa trực tràng toàn bộ ở người lớn, đoạn ruột sa không bị hoại tử.

Chống chỉ định:

  • Ruột đó hoại tử hay tình trạng người bệnh không cho phép phẫu thuật nội soi.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Cho phép thực hiện những thủ thuật chính xác trong khoang bụng và vùng chậu của bệnh nhân một cách dễ dàng. 
  • Giúp người bệnh có cuộc sống thoải mái hơn.
  • Ít gây đau, phục hồi chức năng của ruột tốt, khả năng trở lại làm việc nhanh hơn và tính thẩm mỹ cao hơn nhiều vì những vết sẹo sẽ nhỏ hơn đáng kể. 

Nhược điểm:

  • Quá trình thực hiện phẫu thuật khá phức tạp nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải là người có tay nghề vững, độ chính xác khi thực hiện phẫu thuật cao.

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật sàn chậu

Bước 1: Chuẩn bị

  • Người bệnh sau khi được thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ sẽ được chuyển đến phòng phẫu thuật.
  • Người bệnh nằm ngửa, đùi hơi thấp, dạng để có thể kiểm tra ruột sa trong khi phẫu thuật.
  • Vô cảm: Gây mê nội khí quản.

Bước 2: Tiến hành

Thì 1: Đặt trocar: Thường đặt 4 trocar      

Thì 2: Thăm dò: Đánh giá thương tổn và các tạng trong ổ bụng. 

Thì 3: Giải phóng trực tràng:

  • Mở bờ phải mạc treo đại tràng xích ma – trực tràng ngay trên ụ nhô. Phẫu tích giải phóng đại tràng xích ma – trực tràng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trái sang phải.      
  •  Phẫu tích bờ trái trực tràng: Từ hố chậu trái đi xuống, mở lá phúc mạc bên trái để lộ ra khoang phía sau trực tràng. 
  •  Phẫu tích mặt trước trực tràng khỏi bàng quang, tuyến tiền liệt, hai túi tinh ở nam (tử cung, âm đạo ở nữ) vừa đủ dưới nếp phúc mạc tiểu khung khoảng 4cm. Kết thúc thì mổ này, trực tràng đã hoàn toàn tự do khỏi phúc mạc và các thành phần treo giữ ở tiểu khung.

Thì 4: Cố định trực tràng: Khâu lớp thanh cơ trực tràng với ụ nhô, cân trước xương cùng 4 mũi chỉ prolene, tránh khâu vào tĩnh mạch chậu. Sau khi cố định cần kiểm tra lại từ phía hậu môn, kéo trực tràng lên đủ cao.

Có thể cố định trực tràng với ụ nhô gián tiếp bằng miếng Ivalon, Teflon. Đặt dẫn lưu tiểu khung qua nội soi nếu cần thiết, rút và đóng các lỗ trocar.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Cảm thấy tê ở vết rạch do dây thần kinh bị cắt.
  • Lạnh do ảnh hưởng của thuốc gây mê.
  • Buồn nôn.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Nếu người bệnh bị sốt cao, đi ngoài ra máu, co giật, chảy máu vết mổ, nhiễm trùng…thì nên ngay lập tức thông báo với y tá bác sĩ.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Người bệnh cần nằm lại bệnh viện một thời gian để phục hồi lại chức năng đường ruột. 
  • Hãy ăn uống các chất dinh dưỡng ở dạng lỏng trước khi chuyển sang thực phẩm rắn như bình thường. Nên uống nhiều nước, sử dụng chất làm mềm phân và ăn nhiều chất xơ trong vài tuần sau phẫu thuật để tránh táo bón và căng thẳng quá mức, có thể dẫn đến tái phát bệnh sa trực tràng. Hầu hết mọi người có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng 4–6 tuần sau khi phẫu thuật.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *