Tổng quan bệnh Nang tụy
Nang tụy (Pancreatic cyst) là những túi chứa chất lỏng phát triển trên hoặc trong tuyến tụy. Nang tụy có nguy hiểm không? Trong thực tế, hầu hết các nang tụy là lành tính, không gây ung thư và cũng không gây triệu chứng. Tuy nhiên, một số nang tụy là ung thư hoặc tiền ung thư.
Có hai loại nang là nang tụy và nang giả tụy. Nang tụy là các nang thật sự, chúng được lót một lớp tế bào đặc biệt chịu trách nhiệm cho chất lỏng tiết ra thành các nang. Nang giả tụy là các nang giả, không chứa các tế bào lót đặc biệt đó. Các nang giả phát triển trong các khoang hoặc khoảng trống của tụy, được bao quanh bởi các mô sợi và không có biểu mô.
Nang tụy thật gồm có hai loại là nang thanh dịch và nang nhầy. Hai loại nang này khác nhau bởi chất lỏng mà chúng chứa bên trong.
- Nang thanh dịch chứa một chất lỏng mỏng ,thường lành tính và hay gặp ở phụ nữ trung niên. Các nang thanh dịch thường xuất hiện ở thân hoặc đuôi tụy, nang thường nhỏ và không gây triệu chứng.
- Nang nhầy chứa chất dịch dày và nhớt hơn nang thanh dịch. Đây là các nang nguy cơ cao chứa các tế nào ung thư. Các nang nhầy được chia thành các nhóm nhỏ hơn như: u nang nhầy chứa mô buồng trứng, u nhú nhầy trong ống tụy,…
Nguyên nhân bệnh Nang tụy
Nguyên nhân gây nang tụy giả:
Nang tụy giả được hình thành do viêm tụy mạn tính hoặc cấp tính, khi các enzyme tiêu hóa của tụy được hoạt hóa sớm và tiêu hóa chính các tế bào tụy.Thành phần chất lỏng bên trong các nang giả là sự hóa lỏng của các mô tụy chết, các tế bào viêm và các enzym tiêu hóa. Các nguyên nhân gây viêm tụy thường là sỏi mật, nghiện rượu lâu ngày, chấn thương vùng bụng hoặc phẫu thuật. Theo các nghiên cứu, sau khi bị viêm tụy cấp có 5-16% bệnh nhân phát triển nang giả tụy,tỉ lệ bệnh nhân viêm tụy mạn phát triển nang tụy giả là từ 20-40%.
Nguyên nhân gây nang tụy thật hiện tại chưa được rõ. Các nghiên cứu chỉ ra, sự xuất hiện của các nang tụy thật thường liên quan đến các bệnh di truyền hiếm gặp như bệnh Von Hippel-Lindau (một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến não, tuyến thượng thận, thận và tuyến tụy) hay bệnh thận đa nang.
Triệu chứng bệnh Nang tụy
Các nang tụy và nang giả tụy thường ít gây triệu chứng, trong thực tế thì các nang tụy thường được phát hiện khi đang siêu âm hoặc chụp cắt lớp vùng bụng vì một bệnh khác.
Các triệu chứng nếu có bao gồm:
- Buồn nôn, nôn, chướng bụng do các nang chèn ép dạ dày hoặc tá tràng.
- Đau bụng dai dẳng, thường lan ra sau lưng do các u nang chèn ép lên các mô xung quanh và các dây thần kinh. Tình trạng đau sẽ tăng lên sau khi ăn uống.
- Sưng vùng bụng trên, sờ thấy khối u ở vùng thượng vị.
- Chán ăn, sụt cân.
- Khi các nang tụy lớn gây tắc nghẽn ống mật có thể gây vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu.
- Gây tăng huyết áp tĩnh mạch cửa.
- Nhiễm trùng nang.
- Các nang giả tụy khi vỡ ra là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng, chúng sẽ gây phá hủy các mô và mạch máu xung quanh, gây nhiễm trùng máu, xuất huyết tràn lan và có thể gây viêm phúc mạc. Khi vỡ nang giả tụy có thể xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao dai dẳng, đau nhiều ở vùng thượng vị và đau lan ra sau lưng, nôn ra máu, ngất không nguyên nhân, tim đập nhanh. Đây là một tình trạng khẩn cấp, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nang tụy
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nang tụy là:
- Người uống nhiều rượu, người bị sỏi mật.
- Người bị chấn thương vùng bụng.
Phòng ngừa bệnh Nang tụy
- Để hạn chế nguy cơ bệnh viêm tụy có thể dẫn đến nang tụy nên hạn chế uống rượu, đặc biệt là khi có tiền sử nghiện rượu hoặc đã từng bị viêm tụy.
- Thực hiện phẫu thuật loại bỏ túi mật, nếu sỏi mật đang gây viêm tụy.
- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, không nên dùng nhiều trà, cà phê, thịt cá nhiều mỡ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng. Tăng cường đạm, rau xanh, hoa quả, protein nạc như nạc thăm lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các thực phẩm giàu Vitamin C và B để hạn chế nguy cơ hình thành sỏi mật.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nang tụy
Nang tụy có thể được chuẩn đoán dựa vào triệu chứng thực thể, xem xét tiền sử bệnh của bệnh nhân như bệnh nhân có bị viêm tụy hay chấn thương vùng bụng hay không và dựa vào kết quả của các kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh như:
- Siêu âm vùng bụng.
- Chụp cắt lớp giúp cung cấp thông tin chi tiết, kích thước, cấu trúc của nang tụy.
- Chụp cộng hưởng từ giúp làm nổi bật các chi tiết của nang tụy, cho biết các thành phần có nguy cơ cao bị ung thư.
- Siêu âm nội soi (EUS): một ống nội soi có đầu dò siêu nhỏ trên đỉnh được đưa vào miệng, qua thực quản, dạ dày vào tá tràng, ở vị trí này có thể thu được hình ảnh chi tiết của tụy, gan và túi mật. Thông qua nội soi, có thể lấy mô hoặc dịch của nang bằng kim mỏng, thủ thuật này gọi là Chọc hút bằng kim (FNA). Các mẫu thu được sẽ đưa đi xét nghiệm, phân tích xem chúng có chứa các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư không.
Các biện pháp điều trị bệnh Nang tụy
Tùy thuộc vào tính chất, kích thước, vị trí, đặc điểm và triệu chứng (nếu có) của nang mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các phương án điều trị có thể là:
- Theo dõi: nếu xác định nang là lành tính, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe có thể để yên mà không cần phẫu thuật,trừ khi chúng phát triển có kích thước lớn và gây nên các triệu chứng. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân có nang tụy đều cần được theo dõi định kỳ. Hằng năm, bệnh nhân sẽ được đánh giá bằng siêu âm nội soi, chọc dò để tầm soát nguy cơ gây ung thư.
- Phẫu thuật:
Nếu nang tụy có kích thước lớn hơn 2cm đã gây ra các triệu chứng ở người trẻ, khỏe mạnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.
Nếu nang tụy kích thước lớn hơn 2cm ở bệnh nhân cao tuổi, kết quả xét nghiệm xác định là ung thư hoặc tiền ung thư, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật tuyến tụy.
Hầu hết các nang tụy giả sẽ tự mất đi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi nang tụy giả có kích thước lớn (lớn hơn 6cm), gây nên các triệu chứng dai dẳng, cản trở tuyến tụy hoặc tuyến mật, các bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật.
Nguồn: Vinmec