1. Tổng quan về Tập tạo thuận thần kinh cơ cảm thụ bản thể (PNF) chi dưới
- Tên khoa học: Tập tạo thuận thần kinh cơ cảm thụ bản thể (PNF) chi dưới
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Tập tạo thuận thần kinh cơ cảm thụ bản thể chi dưới là kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ áp dụng cho người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương. Tập luyện PNF nhằm mục đích hướng đến chức năng mà người bệnh thực hiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- Liệt nửa người
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương
- Hội chứng liệt nửa người (tai biến mạch máu não; viêm, u màng não; u não)
- Liệt hai chi dưới, liệt tứ chi (tổn thương tủy sống, u tủy)
Chống chỉ định:
- Người bệnh trong trạng thái tinh thần không ổn định, không tỉnh táo
- Lực cơ của người bệnh bậc 0,1,2
Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
- Ưu điểm: Phục hồi chức năng
- Nhược điểm: cần kỹ thuật viên theo sát hỗ trợ, không chủ động tự tập 1 mình được
3. Quy trình thực hiện
Tập vận động nâng xương chậu lên trên và về phía trước
- Vị thế người bệnh: nằm nghiêng háng và gối gập từ 70 – 90o, cột sống và lưng ở tư thế trung gian.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở phía sau người bệnh, dưới xương chậu.
- Hai bàn tay kỹ thuật viên đặt chồng lên nhau ở trên mào chậu người bệnh ở ngay phía trước.
- Mệnh lệnh: “Nâng xương chậu”
- Kéo giãn: Xương chậu được kéo ra sau và xuống dưới.
- Đề kháng: Với tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Tập vận động hạ xương chậu về phía sau
- Vị thế người bệnh: nằm nghiêng, háng và gối gấp 70 – 90o, cột sống và lưng ở tư thế trung gian.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở phía sau người bệnh, dưới xương chậu:
- Mệnh lệnh: Hạ xương chậu xuống về phía sau « ngồi lên tay tôi »
- Đề kháng: Với tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Tập vận động gấp, khép và xoay ngoài chi dưới
- Vị thế người bệnh: Nằm ngửa với cẳng chân ở ngoài bàn, háng duỗi.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở bên cạnh ngang với bàn chân người bệnh.
- Bàn tay xa của kỹ thuật viên đặt trên mặt lưng bàn chân người bệnh, bàn tay gần đặt ở mặt trước trong đùi ngay trên khớp gối
- Mệnh lệnh: “Gập gối vào, kéo chân, cong các ngón chân”
- Kéo giãn: Hông duỗi- dạng- xoay trong, gối duỗi, cổ chân gập mặt lòng, nghiêng ngoài, các ngón chân gập.
- Đề kháng:Với tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Tập vận động duỗi, dạng và xoay trong chi dưới
- Vị thế người bệnh: Nằm ngửa cạnh bàn với cẳng chân ở ngoài bàn, háng duỗi.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở bên cạnh, ngang với bàn chân người bệnh:
- Mệnh lệnh: “Duỗi chân, gập các ngón chân xuống”.
- Đề kháng: Với tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Tập vận động gấp, dạng và xoay trong chi dưới
- Vị thế người bệnh: Nằm ngửa, gót chân ở ngoài bàn, háng duỗi, khép, xoay trong.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở bên cạnh ngang với hông người bệnh
- Bàn tay xa của kỹ thuật viên đặt trên mặt lưng bàn chân người bệnh, bàn tay gần đặt ở mặt trước bên ngoài đùi ngay trên khớp gối
- Mệnh lệnh: “Gập gối, nhấc chân”
- Kéo giãn: Háng duỗi- khép- xoay ngoài, gối duỗi, cổ chân gập mặt lòng, nghiêng trong.
- Đề kháng: Với tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Tập vận động duỗi, khép và xoay ngoài chi dưới
- Vị thế người bệnh: Nằm ngửa, gót chân ở ngoài bàn, háng duỗi, khép, xoay trong.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở bên cạnh ngang với hông người bệnh.
- Bàn tay xa của kỹ thuật viên đặt ở mặt lòng bàn chân, bàn tay gần đặt sau bên trong đùi ngay trên khớp gối người bệnh.
- Mệnh lệnh: “Duỗi chân xuống, khép vào trong”.
- Kéo giãn: Háng gấp, dạng, xoay trong với gối gấp, cổ chân gập mặt lưng nghiêng ngoài.
- Đề kháng: Với tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Tập vận động chi dưới bất đối xứng với gối duỗi (Duỗi/dạng/xoay trong và Duỗi/khép/xoay ngoài)
- Vị thế người bệnh: Nằm ngửa, háng và gối duỗi.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở bên cạnh ngang với bàn chân người bệnh.
- Bàn tay xa của kỹ thuật viên đặt trên mặt lưng 2 bàn chân người bệnh, bàn tay gần đỡ phía dưới của đùi.
- Mệnh lệnh: “Đẩy hai chân thẳng”.
- Kéo giãn: Khớp háng chân bên ngoài gấp/dạng/xoay trong; gối gấp, cổ chân gấp mặt lưng, nghiêng ngoài. Khớp háng chân bên trong gấp/khép/xoay ngoài, gối gấp, cổ chân gấp mặt lưng, nghiêng trong, người bệnh các ngón chân duỗi. Thân người bệnh gấp về phía không có kỹ thuật viên.
- Đề kháng: Dùng cả 2 tay đề kháng gấp thân/ gấp bên và xoay hông. Đề kháng gấp gối, gấp mặt lưng cổ chân và duỗi các ngón bằng tay xa.
Tập vận động chi dưới bất đối xứng với gối gấp (Gấp/khép/xoay ngoài và Gấp/dạng/xoay trong)
- Vị thế người bệnh: Nằm ngửa, háng và gối gấp.
- Vị thế kỹ thuật viên: Ở bên cạnh ngang với bàn chân người bệnh.
- Bàn tay xa của kỹ thuật viên đặt ở mặt lòng bên ngoài bàn chân “bên trong” người bệnh, bàn tay gần mặt sau của 2 đùi.
- Mệnh lệnh: “Gấp gối, co về phía ngực”
- Kéo giãn: Khớp háng chân bên ngoài duỗi /khép /xoay ngoài, gối duỗi, cổ chân gấp mặt lòng, nghiêng trong. Khớp háng chân bên trong duỗi/dạng /xoay trong, gối duỗi, cổ chân gấp mặt lòng, nghiêng ngoài, các ngón chân gập. Thân người bệnh gấp về phía kỹ thuật viên.
- Đề kháng: Dùng cả 2 tay đề kháng tất cả các thành phần của mẫu vận động theo hướng ngược chiều cử động.
Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Có sự tiến triển sau khi tập
- Bài tập vừa sức bệnh nhân đáp ứng
Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Đau cơ
- Tập quá sức
- Ngã khi tập
Nguồn: Vinmec