Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease) xảy ra khi dịch axit trong dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống thông giữa miệng và dạ dày được gọi là thực quản. Dung dịch axit này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản của người bệnh.

Có rất nhiều người có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản với các mức độ khác nhau. Từ mức độ nhẹ xảy ra một lần một tuần, hoặc trào ngược axit trung bình đến nặng xảy ra ít nhất từ 2 lần trở lên trong một tuần.

Hầu hết người bệnh có thể kiểm soát sự khó chịu của trào ngược dạ dày thực quản bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc không kê đơn. Nhưng một số người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể cần dùng thuốc mạnh hơn/thuốc kê đơn hoặc phẫu thuật để giảm triệu chứng.

Vậy bệnh trào ngược thực quản dạ dày là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh ra sao?

Nguyên nhân bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Khi nuốt thức ăn, bình thường cơ vòng thực quản dưới (cơ ở dưới cùng của thực quản) sẽ mở ra và cho phép thức ăn, đồ uống đi từ thực quản xuống dạ dày. Sau đó cơ này đóng lại. Tuy nhiên, như cơ vòng thực quản dưới bị yếu hoặc đóng mở bất thường thì sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Dung dịch axit từ dạ dày sẽ làm tổn thương đường niêm mạc của thực quản, dẫn tới viêm. Ngoài ra, có các nguyên nhân khác như thoát vị dạ dày, có áp lực đè lên dạ dày như mang thai hoặc thừa cân.

Triệu chứng bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng), thường là sau khi ăn, tình trạng này có thể nặng hơn vào ban đêm.
  • Đau ngực.
  • Khó nuốt.
  • Thức ăn trong dạ dày bị chua.
  • Cảm giác có khối u chặn ở trong cổ họng.
Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nếu bạn bị trào ngược axit vào ban đêm, người bệnh cũng có thể gặp phải một số tình trạng khác như:

  • Ho mãn tính.
  • Viêm thanh quản.
  • Hen suyễn.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn.

Nếu bị đau ngực, đặc biệt kèm theo khó thở, hoặc đau quai hàm hoặc cánh tay. Đây có thể là triệu chứng của một cơn đau tim, do đó, người bệnh cần đến cơ sở Y tế ngay lập tức.

Đi khám bác sĩ nếu như các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản càng nghiêm trọng hoặc xảy ra  thường xuyên hơn.

Đường lây truyền bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Đối tượng nguy cơ bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản:

  • Béo phì.
  • Đè ép phần trên của dạ dày lên thành của cơ hoành.
  • Mang thai.
  • Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì.
  • Thường xuyên bị đói bụng.

Các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Ăn nhiều quá no hoặc ăn khuya.
  • Ăn một số thực phẩm như thực phẩm nhiều chất béo hoặc chiên, rán nhiều dầu mỡ.
  • Uống một số đồ uống như rượu hoặc cà phê.
  • Sử dụng một số loại thuốc như aspirin.

Phòng ngừa bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Béo phì gây áp lực lên bụng, đẩy dạ dày cao lên và là nguyên nhân khiến axit trào ngược lên thực quản.
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản.
  • Nâng cao đầu giường. Nếu người bệnh thường xuyên bị ợ nóng trong khi cố gắng ngủ, hãy đặt các khối gỗ hoặc xi măng dưới chân giường để phần đầu được nâng lên từ 15cm đến 23cm. Nếu không thể nâng giường lên, người bệnh có thể đặt thêm gối để nâng cơ thể của bạn từ thắt lưng trở lên.
  • Không nằm xuống ngay sau ăn. Đợi ít nhất ba giờ sau khi ăn trước khi nằm hoặc đi ngủ.
  • Ăn thức ăn từ từ và nhai kỹ. Đặt nĩa/đũa/muỗng xuống sau mỗi lần gắp và nhai thức ăn, sau khi nhai hết miếng đó thì mới tiếp tục gắp thêm thức ăn.
  • Tránh thực phẩm và đồ uống gây ra trào ngược. Các tác nhân phổ biến bao gồm thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và caffeine.
  • Tránh quần áo bó sát. Quần áo quá chật gây áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Ngoài hỏi và khám thực thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm sau để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản:

  • Nội soi dạ dày. Bác sĩ sử dụng đặt một ống mỏng được trang bị đèn và camera đưa từ miệng xuống cổ họng của người bệnh, để kiểm tra bên trong thực quản và dạ dày. Thời điểm thực hiện có thể không có bất thường về tình trạng trào ngược nhưng nội soi có thể phát hiện viêm thực quản hoặc các biến chứng khác do bị axit dạ dày làm tổn thương. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy luôn mẫu mô để sinh thiết để tìm các biến chứng khác như bệnh Barrett thực quản.  
  • Xét nghiệm Ambulatory acid (pH): Bằng cách sử dụng một thiết bị theo dõi đặt trong thực quản nhằm thăm dò, xác định khi nào và trong bao lâu, acid dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Trong thời gian đặt thiết bị, ống chỉ nằm tại chỗ và kết nối vào một máy tính nhỏ đeo quanh eo hoặc với một dây đeo qua vai. Hoặc màn hình acid có thể là một clip đặt trong thực quản trong khi nội soi. Đầu dò truyền tín hiệu đến một máy tính nhỏ đeo quanh eo trong khoảng hai ngày.
  • Đo áp lực thực quản (Esophageal manometry): Xét nghiệm này đo các cơn co thắt trong thực quản của bạn khi người bệnh nuốt.
  • Chụp X-quang của hệ thống tiêu hóa trên. X-quang được thực hiện sau khi người bệnh uống một chất lỏng phấn bao phủ và lấp đầy niêm mạc bên trong đường tiêu hóa. Lớp phủ cho phép bác sĩ nhìn thấy hình bóng của thực quản, dạ dày và ruột trên.

Các biện pháp điều trị bệnh Trào ngược dạ dày thực quản

Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên thử điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc không kê đơn trước. Nếu người bệnh không thấy các triệu chứng trong vài tuần, bác sĩ có thể kê đơn thuốc theo toa hoặc phẫu thuật.

Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thuốc không kê đơn gồm:

  • Thuốc trung hòa axit dạ dày như Mylanta, Rolaids và Tums, có thể giúp giảm đau nhanh chóng. Nhưng chỉ sử dụng đơn lẻ thuốc trung hòa axit sẽ không chữa lành được thực quản bị viêm do axit dạ dày. Việc lạm dụng một số thuốc kháng axit có thể gây ra tác dụng phụ, như tiêu chảy hoặc đôi khi là các vấn đề về thận.
  • Thuốc làm giảm sản xuất axit như  thuốc chẹn thụ thể H-2. Thuốc chẹn thụ thể H-2 không hoạt động nhanh như thuốc trung hòa axit, nhưng chúng giúp giảm đau lâu hơn và có thể làm giảm sản xuất axit từ dạ dày đến 12 giờ.
  • Các loại thuốc ngăn chặn sản xuất axit và chữa lành thực quản. Những loại thuốc này – được gọi là thuốc ức chế bơm proton – là chất ức chế axit mạnh hơn thuốc ức chế thụ thể H-2 và tạo điều kiện cho  mô ở thực quản bị tổn thương có thời gian lành lại.

Thuốc kê đơn gồm:

  • Thuốc ức chế thụ thể H-2 có kê đơn. Những loại thuốc nhóm này thường được dung nạp tốt nhưng sử dụng lâu dài có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ thiếu vitamin B-12 và gãy xương.
  • Thuốc ức chế bơm proton có kê đơn (Prescription-strength proton pump inhibitors). Mặc dù thường dung nạp tốt, nhưng nhóm thuốc này có thể gây tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn và thiếu vitamin B-12. Sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông.
  • Thuốc tăng cường cơ thắt thực quản dưới. Baclofen có thể làm giảm GERD bằng cách giảm tần suất thư giãn của cơ thắt thực quản dưới. Tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi hoặc buồn nôn.
  • Thuốc tăng co thắt cơ thực quản dưới.
  • Trào ngược dạ dày thực quản thường có thể được kiểm soát bằng thuốc. Nhưng nếu thuốc không có hiệu quả  hoặc người bệnh muốn tránh tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng lâu dài, bác sĩ có thể khuyên bạn:
  • Phẫu thuật để củng cố cơ vòng thực quản dưới (Fundoplication), phẫu thuật sẽ thắt chặt các cơ vòng thực quản dưới để ngăn chặn trào ngược bằng cách mổ nội soi.
  • Hệ thống LINX (LINX device) là một vòng các hạt từ tính nhỏ được quấn quanh cơ vòng thực quản (LES). Tác dụng của các hạt nam châm được thiết kế nhằm cung cấp thêm lực để giữ cho cơ vòng thực quản yếu luôn được đóng kín. Trong khi nuốt, lực giữa các hạt là vượt qua bởi áp lực cao hơn của lực nuốt và dụng cụ giãn ra để nuốt trôi thức ăn hoặc dịch lỏng như bình thường. Khi thức ăn đi qua cơ vòng thực quản, thiết bị sẽ trở lại trạng thái bình thường. Thiết bị này được cấy bằng phẫu thuật nội soi ít xâm lấn (Minimally invasive surgery).

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *