Tổng quan bệnh Thủy đậu
Thủy đậu là gì?
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster. Thủy đậu tuy là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, thậm chí là tử vong. Bệnh thủy đậu có thể bùng phát thành dịch, thường gặp vào mùa xuân.
Nguyên nhân bệnh Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, qua các hạt nước nhỏ bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chảy mũi. Ngoài ra bệnh còn lây truyền khi tiếp xúc với các bọng nước bị vỡ, hoặc từ các vùng da bị tổn thương của người bệnh.
Đặc biệt hơn, phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh.
Triệu chứng bệnh Thủy đậu
Thủy đậu có các biểu hiện đa dạng theo từng giai đoạn của bệnh.
Ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường biểu hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, đau nhức cơ. Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường không có triệu chứng báo trước.
Ở giai đoạn toàn phát của bệnh, người bệnh thường nhận thấy sự xuất hiện của các “nốt rạ”. Lúc đầu là những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 đến 24 giờ. Sau đó các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, rồi khô đi, bong vảy và tự khỏi hoàn toàn sau 4 đến 5 ngày.
Bên cạnh các triệu chứng đặc trưng của bệnh, bệnh nhân còn có thể đối mặt với biểu hiện của các biến chứng của bệnh như:
- Viêm phổi do thủy đậu là một biến chứng rất nặng và khó điều trị khỏi.
- Viêm não do thủy đậu với các biểu hiện: vật vã, kích thích, co giật, hôn mê. Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động,…
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh.
Không phải chỉ gặp ở trẻ em, bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.
Đường lây truyền bệnh Thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan bằng nhiều cách:
- Lây theo đường hô hấp bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh.
- Lây thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh.
- Lây qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
- Lây từ mẹ sang con khi mẹ mắc thủy đậu trong khi mang thai.
Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.
Phòng ngừa bệnh Thủy đậu
Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu là rất quan trọng.
Hiện tại, cách phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất là chủng ngừa thủy đậu bằng vắc-xin. Chủng ngừa 2 liều với trẻ trên 12 tháng tuổi đến 12 tuổi., liều thứ hai cách liều thứ nhất ít nhất 6 tuần. Nên tiêm chủng liều thứ 2 cho trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.
Các biện pháp phòng ngừa khác cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh để tránh lây lan như sau:
- Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn để tránh lây lan cho các trẻ khác.
- Người chăm sóc khi tiếp xúc với người bệnh cần mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Người bệnh cần được sử dụng các vật dụng cá nhân riêng như khăn mặt, chén, dĩa, cốc,…
- Phụ nữ mang thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mang bệnh thủy đậu.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thủy đậu
Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu chủ yếu được thực hiện dựa trên các triệu chứng lâm sàng đặc trưng như các nốt bọng nước, đóng vảy.
Việc chẩn đoán xác định có thể được thực hiện bằng cách lấy mẫu trên các tổn thương da của người bệnh để làm xét nghiệm.
Các biện pháp điều trị bệnh Thủy đậu
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả.
- Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch.
- Tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo, gây mất thẩm mỹ, nếu đã vỡ dùng dung dịch xanh methylen bôi lên.
- Mặc quần áo mềm, rộng rãi, thoáng mát.
- Sử dụng các thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn nếu sốt cao.
- Có thể sử dụng kháng sinh nếu có biểu hiện nhiễm trùng ở các nốt phỏng hoặc biến chứng như viêm phổi, viêm não màng não.
Nguồn: Vinmec