Viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em

1. Tổng quan bệnh Viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em

Viêm tai giữa mãn tính là tình trạng viêm tại niêm mạc tai giữa trong thời gian dài (hơn 12 tuần). Bệnh nhân bị viêm tai giữa mạn tính rất dễ kèm theo các hệ quả về thủng màng nhĩ, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm.

Hiện nay, viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em đã trở thành một bệnh lý thường gặp. Nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện bệnh sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu đối với sức khỏe của các bé,

2. Nguyên nhân bệnh Viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em

Bệnh viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em do các nguyên nhân sau:

  • Do virus, vi khuẩn hay nấm là tác nhân gây bệnh.
  • Do dịch tiết trong hòm nhĩ xuống họng không được dẫn lưu, dịch nhầy bị ứ đọng lại trong tai giữa, tạo điều kiện vi trùng xâm lấn, gây biến chứng viêm tai giữa.
  • Vòi nhĩ ở trẻ em ngắn, hẹp và nằm ngang hơn so với người lớn nên dễ dàng bị viêm tai giữa hơn.
  • Do chấn thương;
  • Viêm tai giữa mãn tính ở trẻ cũng có thể do cấu trúc xương chũm thông nối, độc tố của vi khuẩn và thể trạng, cơ địa của bệnh nhân.

3. Triệu chứng bệnh Viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em

Bệnh viêm tai giữa mãn tính ở trẻ có các dấu hiệu bệnh sau:

  • Trẻ thường sốt cao, có thể lên tới 39 độ C;
  • Có cảm giác khó chịu, hay quấy khóc;
  • Bỏ bữa, chán ăn, ăn không ngon miệng;
  • Thường xuyên dùng tay dụi hoặc kéo vành tai;
  • Thấy có mủ, dịch chảy từ ống tai ngoài;
  • Có hiện tượng tiêu chảy hoặc nôn ói;
  • Có biểu hiện đau tai, đau đầu, giảm thính lực tạm thời, phản xạ kém với các âm thanh.

4. Đường lây truyền bệnh

Bệnh viêm tai giữa mãn tính ở trẻ nhỏ không lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh

Các đối tượng sau có nguy cơ cao bị viêm tai giữa mãn tính ở trẻ em:

  • Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc bú ít sữa mẹ, có sức đề kháng không tốt;
  • Quá trình tắm, gội cho bé để nước vào tai giữa, không vệ sinh mũi họng để bị viêm hô hấp trên hoặc amidan;
  • Những trẻ có thể trạng sức khỏe không tốt.

6. Phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa bệnh viêm tai giữa mãn tính ở trẻ, có các biện pháp sau:

  • Ở giai đoạn sơ sinh, nên cho trẻ bú sữa mẹ nhiều nhất có thể để tăng sức đề kháng cho trẻ;
  • Giữ vệ sinh tai, họng cho trẻ khi tắm, gội;
  • Giữ môi trường sống quanh trẻ sạch sẽ, khô thoáng;
  • Thường xuyên đưa trẻ đi khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.

7. Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh viêm tai giữa mãn tính ở trẻ, có các biện pháp sau:

  • Căn cứ tiền sử bệnh của trẻ để kiểm tra.
  • Qua quan sát tai ngoài và màng nhĩ bằng kính si tai để kiểm tra các dấu hiệu đỏ, sưng, mủ và dịch.
  • Có thể tiến hành thử nghiệm tympanometry để xác định xem tai giữa có hoạt động đúng hay không bằng cách đặt một thiết bị vào trong ống tai để thay đổi áp suất và làm cho màng nhĩ rung lên.

8. Các biện pháp điều trị bệnh

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ dù ở thể cấp hay mãn tính đều có thể đưa đến những biến chứng thường gặp như: viêm màng não hoặc các di chứng như điếc. Chính vì vậy, khi trẻ có bất kỳ các dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường cần kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Viêm tai giữa mạn tính có chữa được không?

Hiện nay có rất nhiều biện pháp để điều trị viêm tai giữa mãn tính, bao gồm:

  • Sau khi chuẩn đoán lâm sàng và kết luận tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cho rửa tai bằng oxy già pha loãng với nước vô trùng theo tỉ lệ 1/3 thể tích.
  • Sử dụng các dung dịch có chứa Corticosteroid và kháng sinh do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định để nhỏ vào tai.
  • Sử dụng kháng sinh  toàn thân .
  • Trong những trường hợp bệnh nặng, có thể phải phẫu thuật tai – xương chũm để loại bỏ bệnh tích, ngăn ngừa biến chứng hoặc và chỉnh hình tai giữa (màng nhĩ, chuỗi xương con) nhằm phục hồi sức nghe và đề phòng tái phát.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *