Khi bị suy dinh dưỡng cấp độ 2 trẻ biếng ăn, bỏ bữa sẽ khiến cơ thể mệt mỏi thiếu chất và chậm tăng cân. Vì vậy, các mẹ nên biết cách chăm sóc trẻ mắc bệnh, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển.
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng về số lượng, chất lượng hoặc trẻ tăng nhu cầu về tiêu thụ dưỡng chất, nhưng lại không được bổ sung kịp thời. Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ.
Phân loại các cấp độ suy dinh dưỡng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-1981) sử dụng chỉ tiêu cân nặng theo tuổi, dựa vào độ lệch chuẩn (SD) so với quần thể tham khảo NCHS (National Centre of Health Statistics) để phân loại mức độ suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng ở trẻ em được chia ra làm 3 mức độ: Suy dinh dưỡng độ 1, suy dinh dưỡng độ 2, suy dinh dưỡng độ 3. Cách phân loại này nhanh, đơn giản, phổ biến tuy nhiên lại không phân biệt được suy dinh dưỡng cấp tính hay mãn tính, không nêu đủ các thể suy dinh dưỡng nặng.
Trẻ bị suy dinh dưỡng độ 1: Cân nặng còn 70% – 80% cân nặng của trẻ bình thường. Lớp mỡ dưới da bụng mỏng, trẻ vẫn thèm ăn và không có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.
Trẻ bị suy dinh dưỡng độ 2: Cân nặng còn 60% – 70% cân nặng của trẻ bình thường (- 3SD đến – 4SD). Trẻ gầy gò, không có lớp mỡ dưới da, nhất là ở vùng bụng, mông, chi; thường bị rối loạn tiêu hoá từng đợt và có thể biếng ăn.
Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp độ 3 (Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng): Cân nặng của trẻ dưới – 4SD tương đương với cân nặng còn dưới 60% so với mức bình thường. Suy dinh dưỡng nặng tồn tại nhiều cấp độ khác nhau, chủ yếu ở 3 thể: thể phù, thể teo đét và thể phối hợp.
Cần phải làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng cấp độ 2
Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp độ 2 có thể điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc.
Cần cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh đến khi được 18 – 24 tháng mới nên cai sữa. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa: dùng các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi, hoặc dùng sữa đậu nành để thay thế.
Cho trẻ ăn dặm đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, bổ sung dinh dưỡng theo tháng tuổi nhưng số bữa ăn phải tăng lên, thức ăn phải nấu chín kỹ, ăn ngay sau khi nấu.
Trong chế độ ăn, ngoài bột hoặc cháo trẻ cần phải được bổ sung thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh. Cho trẻ ăn thêm hoa quả chín. Ngoài ra, protein, vitamin D và canxi là những dưỡng chất mẹ nên bổ sung nhiều vào thực đơn cho trẻ bị suy dinh dưỡng. Khi cho bé ăn cần cung cấp thêm một lượng nhỏ dầu mỡ vào mỗi bữa ăn giúp chuyển hóa tốt các vitamin quan trọng vào cơ thể của trẻ.
Nếu bé nhà bạn đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp độ 2 tức là biểu hiện ăn ít, khó tiêu hóa, khó hấp thụ dinh dưỡng, giảm cân thì các mẹ có thể áp dụng thử cách lên thực đơn nấu các món ăn cho bé suy dinh dưỡng theo những nguyên tắc cơ bản nêu trên để cải thiện bệnh. Nếu như sau một thời gian vẫn không thấy hiệu quả thì cần đưa bé đến các bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.