Cách làm sữa chua bổ dưỡng từ sữa mẹ

Sữa mẹ có thể được sử dụng để chế biến thành sữa chua giúp đa dạng hóa bữa ăn cho bé. Đây là món ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho hệ tiêu hóa của những bé dưới 2 tuổi.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Do đó, nếu vắt dư sữa thì hãy tận dụng nó để làm món sữa chua ngon lành, bổ dưỡng. Đây là món ăn lành tính, dễ hấp thu và có lợi cho sức khỏe của bé.

Vì sao nên làm sữa chua từ sữa mẹ?

Đơn giản là vì sữa mẹ dễ hấp thu và giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ là nguồn cung cấp canxi, protein và khoáng chất giúp xương, răng, trí não phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, sữa mẹ còn chứa một lượng lớn lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động hiệu quả hơn và tránh được tình trạng táo bón, tiêu chảy.

Không những thế, món sữa chua được làm từ nguồn sữa mẹ có vị ngọt dịu, hơi béo giúp kích thích vị giác và tăng cường cảm giác thèm ăn cho bé. Món ăn này phù hợp với những bé từ 7 tháng tuổi trở lên, khi hệ tiêu hóa đã hoạt động ổn định và bé có thể ăn những món khác ngoài sữa mẹ.

Cách làm sữa chua bổ dưỡng từ sữa mẹ 2

Sữa mẹ là nguồn làm sữa chua giúp cung cấp chất dinh dưỡng và kháng thể.

Sữa mẹ chứa những thành phần dinh dưỡng nào?

Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ phải kể đến là:

  • Chất béo: Thành phần quan trọng giúp cung cấp 50% năng lượng cho bé mỗi ngày. Chất béo trong sữa mẹ gồm có: Triglyceride, axit béo dài (ví dụ như AA và DHA) và axit béo ngắn (ví dụ như MHO). Đặc biệt, AA và DHA là hai axit béo đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển, hoàn thiện trí tuệ của bé những năm đầu đời.
  • Chất đạm: Sữa mẹ giàu protein và là nguồn cung cấp amino axit cho quá trình tăng trưởng cơ và xương của bé. Chất đạm trong sữa mẹ có hai dạng là: WHEY protein và CASEIN protein.
  • Carbohydrate: Sữa mẹ cung cấp lượng lactose dồi dào đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng mỗi ngày của bé. Các loại carbohydrate hỗ trợ hoạt động của não bộ và giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
  • Kháng thể: Mỗi lần bú sữa mẹ cung cấp hàng triệu bạch cầu và globulin miễn dịch giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của bé.
  • Men và hormone: Sữa mẹ cung cấp các loại men tiêu hóa như lipase, amylase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Vitamin và khoáng chất: Sữa mẹ là nguồn cung cấp các khoáng chất như canxi, sắt và selen giúp bé phát triển khung xương khỏe mạnh.
Cách làm sữa chua bổ dưỡng từ sữa mẹ 3

Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển của bé.

Cách làm sữa chua từ sữa mẹ như thế nào?

Để làm sữa chua từ sữa mẹ, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • 300 ml sữa mẹ
  • 1 hộp sữa chua không đường
  • Hũ thủy tinh đã được tiệt trùng

Nếu là sữa mẹ trữ đông thì hãy rã đông cho sữa rồi mới bắt đầu chế biến. Cho sữa mẹ vào nồi hâm ở nhiệt độ 70 độ C để thanh trùng cho đến khi bắt đầu sủi tăm thì tắt bếp. Chờ cho đến khi nhiệt độ sữa giảm xuống còn khoảng 45 độ C thì cho khoảng 1/4 hũ sữa chua vào và khuấy nhẹ. Chia hỗn hợp sữa chua vào hũ thủy nhỏ và đậy kín bằng nắp hoặc niêm phong bằng màng bọc thực phẩm.

Cho hũ đựng sữa chua vào nồi cơm điện và đổ nước nhiệt độ 40 – 45 độ C ngập khoảng 1/3 hũ. Đậy nắp nồi và ủ sữa chua dưới chế độ WARM trong khoảng 4 – 8 giờ. Sữa chua thành phẩm được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể giữ được khoảng 2 ngày.

Cách làm sữa chua bổ dưỡng từ sữa mẹ 4

Sữa chua thành phẩm có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Cần lưu ý điều gì khi làm sữa chua từ sữa mẹ?

Khi làm sữa chua từ sữa mẹ, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Không dùng sữa của người khác để làm sữa chua để tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
  • Không đun sữa mẹ ở nhiệt độ vượt quá 80 độ C để tránh dưỡng chất và kháng thể bị phá hủy.
  • Không dùng sữa mẹ đã vắt ra và bảo quản lâu quá 4 giờ hoặc sữa mẹ đông lạnh được tái sử dụng.
  • Bảo quản sữa chua cái ở nhiệt độ phòng để tránh lợi khuẩn trong sữa chua bị sốc nhiệt khi cho vào nồi gây nên hiện tượng thành phẩm bị tách nước.
  • Không ủ sữa chua ít hơn 4 giờ để tránh thành phẩm bị loãng.
  • Tránh thêm đường vào sữa chua vì chúng gây hại cho răng bé.
  • Cần tiệt trùng dụng cụ chế bế và vật chứa sữa chua.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách làm sữa chua từ sữa mẹ đơn giản và an toàn. Hãy cho bé sử dụng món ăn này thường xuyên để tăng cường hệ tiêu hóa và đa dạng hóa bữa ăn.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *