Vừa qua, giới khoa học Mỹ đã đi đến một bước đột phá mới trong việc điều chế vaccine và trị liệu mầm bệnh Covid-19. Đó chính là việc họ đã phát triển và công bố thành công mô hình 3D cấu trúc nguyên tử của loại protein mà virus corona chủng mới dùng để bám vào và lây bệnh cho con người.
Nguồn thông tin trên được công bố khi mà tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 đã vượt quá 2.000 người. Khoảng 75.000 người là số lượng ca lây nhiễm tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong số đó đa phần là từ Trung Quốc đại lục.
Giải mã protein dằm (spike protein)
Theo cơ quan thông tấn xã AFP, vào ngày 19/2 vừa qua nhóm các nhà khoa học từ đại học Texas và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã công bố dựng thành công mô hình cấu trúc nguyên tử 3D đầu tiên, của loại protein có liên quan với bộ phận trong virus, với nhiệm vụ bám vào tế bào người và truyền bệnh. Bước tiến này được đánh giá vô cùng quan trọng, mang tính đột phá để phát triển vaccine cũng như phương pháp điều trị Covid-19.
Nhóm các nhà khoa học này đã thực hiện nghiên cứu dựa trên bộ mã di truyền của virus corona chủng mới mà Trung Quốc cung cấp. Theo đó mà phát triển nên một phần quan trọng của virus có tên là “protein dằm” (spike protein). Sau đó tiếp tục dùng công nghệ tối tân là kính hiển vi electron đông lạnh (cryogenic electron microscopy) để dựng lại hình ảnh của protein nói trên. Đây là công nghệ đã đoạt được giải Nobel Hóa học năm 2017, với khả năng dùng các chùm electron soi cấu trúc phân tử của vi sinh vật trong nhiệt độ đông lạnh, nhờ đó mà chúng mới có thể duy trì ổn định.
Đây là phần protein có trong màng bọc của virus corona và được nó sử dụng để xâm nhập vào tế bào của vật chủ khi lây nhiễm. Việc xác định được loại protein này vô cùng có ích cho hoạt động phát triển vaccine, kháng thể để chẩn đoán và điều trị Covid-19.
Bản đồ cấu trúc phân tử 3D protein dằm (spike protein) của virus corona chủng mới
Hứa hẹn giúp ích cho việc phát triển vaccine phòng Covid-19
Ông Jason McLellan, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, thực ra spike là một loại kháng nguyên mà nhóm các nhà khoa học muốn đưa vào cơ thể người. Nhờ đó mới dẫn dụ hệ miễn dịch tạo nên kháng thể chống lại nó. Khi virus thật sự tấn công thì hệ miễn dịch đã sẵn sàng chống lại.
Ông cùng cộng sự cũng đã dành nhiều năm nghiên cứu các chủng virus corona khác như SARS và MERS. Nhờ vốn kinh nghiệm ấy mà nhóm đã phát triển nên một kỹ thuật cần thiết giúp giữ cho protein dằm ổn định, để có thể dựng nên mô hình. Cũng theo như công bố, mô hình protein sợi này của các nhà khoa học hiện đang được Viện Y tế Quốc gia Mỹ thử nghiệm và có thể là một phần trong vaccine Covid-19 đang được phát triển. Bởi dựa vào mô hình chúng ta có thể biết được kích thước và vị trí của chuỗi phân tử đường mà virus corona dùng để tránh bị hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện.
Các nhà khoa học Mỹ cũng sẻ gửi mô hình 3D trên đến các nhà khoa học khác trên thế giới, để cùng nhau hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu ở phạm vi toàn cầu. Nó cho chúng ta nhận thức rõ nét về một trong những protein quan trọng nhất của virus này, hiểu được cách virus tìm và xâm nhập vào tế bào. Mô hình hứa hẹn là tiền đề để các chuyên gia phát triển protein mới liên kết với những phần khác của protein dằm và ngăn cản sự hoạt động của chúng. Nhờ đó hỗ trợ chúng ta điều trị cho những người đã nhiễm bệnh.
Ông Jason McLellan (trái) muốn đưa protein dằm vào cơ thể người để dẫn dụ hệ miễn dịch chống lại
Hiện thành quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ đã được đăng trên tạp chí Science. Hy vọng nhờ vào bước đột phá quan trọng này mà chúng ta sẽ sớm phát triển được vaccine cũng như phương pháp điều trị hiệu quả trong tương lai không xa.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.