Thủ phạm gây nên sỏi thận ở trẻ em và cách phòng tránh

Sỏi thận ở trẻ em không phải là bệnh hiếm gặp. Bậc phụ huynh cần phải chủ động giúp bé phòng ngừa bệnh này để tránh những biến chứng về sau.

Triệu chứng bệnh sỏi thận ở trẻ em

Bệnh sỏi thận ở trẻ em không phải là hi hữu. Các báo cáo y tế ghi nhận có những trường hợp bé chỉ mới 3 – 4 tuổi đã có những dấu hiệu của sỏi thận. Bé bỗng một ngày kêu bị đau bụng và mỗi lúc một nặng hơn khiến bé quấy khóc liên tục. Cha mẹ bé thì chỉ nghĩ là bé đang cố gây sự chú ý. Nhưng sau khi thăm khám bệnh viện do nghi bé bị đau dạ dày thì phụ huynh mới “ngã ngửa” vì phát hiện sỏi thận kích thước 2 cm.

Bệnh sỏi thận ở trẻ em có biểu hiện tương tự như đau bụng thông thường.

Giai đoạn đầu của bệnh, phụ huynh thấy trẻ đau và rũ rượi nên có thể nghĩ là bé chỉ bị đau bụng thông thường. Cha mẹ nên để ý và hỏi thăm bé để nhận biết chính xác triệu chứng bệnh để bé không bị sỏi thận hành hạ. Cần cẩn thận nếu bé có những biểu hiện bệnh sỏi thận như sau:

  • Trẻ nói mình bị đau lưng.
  • Chú ý hỏi xem những cơn đau có dữ dội không.
  • Có kèm theo triệu chứng buồn nôn hay sốt không.
  • Đau vùng kín khi tiểu hoặc tiểu ra máu không.

Để biết chính xác bé có bị sỏi thận hay không, bác sĩ thường sử dụng những phương pháp sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Chụp X-quang.
  • Siêu âm.
  • Chụp CT (khuyến nghị không nên dùng vì dễ khiến bé nhiễm xạ).
Chụp X-quang để xác định bé có bị sỏi thận hay không.

Một số bé có thể sẽ gặp khó khăn khi mô tả triệu chứng và thường chỉ nói chung chung là mình bị đau bụng. Những bé quá nhỏ thì phụ huynh có thể cho con chụp X-quang hoặc kiểm tra nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nguyên nhân gây nên sỏi thận ở trẻ em

Chính lối sống không lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hóa bệnh sỏi thận. Có những bé rất hiếu động hay bay nhảy, nghịch ngợm nhưng lại không thích uống nước và có khi cả ngày không uống một lần nào. Ngoài ra, có những cha mẹ thường xuyên tự mua các loại vitamin để cho bé uống vì nghĩ đó là dưỡng chất bổ dưỡng.

Theo ý kiến bác sĩ, không uống đủ nước làm giảm số lần đi tiểu dẫn đến tích tụ nước tiểu cùng cặn bã trong bàng quang. Bên cạnh đó, việc dư thừa vitamin C trong môi trường thuận lợi, nước tiểu ứ đọng có thể kết hợp với axit oxalic làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Hơn thế, những bé hiếu động hay vận động nhiều khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên nê nước sẽ được bài tiết qua mồ hôi, từ đó làm tăng nồng độ các chất có trong nước tiểu. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận ở trẻ em.

Do đó, bậc phụ huynh nên lưu ý quan sát và khuyến khích các bé uống đủ nước mỗi ngày để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Những bé có nguy cơ cao bị sỏi thận

Những trường hợp sau có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận ở trẻ em:

  • Bé thích ăn thịt: Thịt có nhiều axit mà sỏi thận phát triển trong môi trường axit nên những bé ăn nhiều thịt thì nguy cơ mắc sỏi thận cao.
  • Bé uống ít nước: Nếu uống ít nước và đi tiểu bình thường thì nồng độ muối vô cơ trong nước tiểu tăng. Sau thời gian, muối lắng xuống và kết tinh thành sỏi thận hoặc sỏi bàng quang.
  • Thường xuyên uống nước khoáng: Nước khoáng chứa nhiều ion có thể tăng nguy cơ sỏi thận ở các mức độ khác nhau.
  • Thường xuyên ở trong môi trường nhiệt độ cao: Môi trường nóng bức gây thoát nước bằng mồ hôi nhiều khiến cơ thể háo nước. Nếu không bổ sung đủ lượng nước cần thiết thì rất dễ hình thành sỏi tiết niệu.
  • Bé đang điều trị bệnh: Một số bệnh điều trị cần phải dùng nhiều thuốc có thể làm tăng canxi và dễ tạo thành sỏi thận.
Bé ăn nhiều thịt có nguy cơ bị sỏi thận.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến sỏi thận như tắc nghẽn tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu hay ứ nước tiểu cũng có thể dẫn đến bệnh sỏi thận ở trẻ em.

Cách phòng tránh bệnh sỏi thận ở trẻ em

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phụ huynh cần lưu ý cho bé thực hiện những điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận:

  • Uống nhiều nước: Để pha loãng nước tiểu, giảm nồng độ muối và khoáng chất để phòng ngừa sự hình thành của sỏi thận.
  • Ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ: Chất xơ giúp hệ tiêu hóa và bài tiết hoạt động trơn tru hơn, từ đó giúp hạn chế tình trạng ứ đọng chất dẫn đến hình thành các loại sỏi.
  • Không ăn thức ăn chứa quá nhiều canxi: Canxi tốt cho xương nhưng cũng chính là thành phần chính của sỏi thận. Phụ huynh cần kiểm soát lượng canxi bé hấp thụ vào cơ thể để giảm nguy cơ bị sỏi thận.
  • Không ăn thức ăn chứa quá nhiều oxalate: Khoảng 60% sỏi thận là canxi oxalate. Vì vậy, cần tránh để trẻ ăn các thực phẩm giàu oxalate như củ cải, cần tây, đậu, sô-cô-la, dâu tây, rau bina, ớt xanh, nho, thịt cừu…
  • Khuyến khích bé vận động: Tập thể dục giúp canxi trong máu lưu thông dễ dàng và không bị lắng đọng để trở thành sỏi.
Uống nhiều nước để giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.

Sỏi thận ở trẻ em không phải là hi hữu mà thậm chí là ngày càng phổ biến. Phụ huynh cần tìm hiểu về bệnh và có biện pháp chủ động kiểm soát để giúp giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh sỏi thận.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *