Ung thư là căn bệnh quái ác, mối ám ảnh của mọi người, nó đang thách thức trí tuệ của toàn nhân loại. Khi mắc bệnh sẽ là nỗi đau vừa cơ thể vừa tinh thần. Hiện nay, tỉ lệ bệnh mắc mới ngày càng tăng, có xu hướng chưa kiểm soát được và tạo gánh nặng về kinh tế, thời gian cho bản thân cũng như gia đình.
Ai trong chúng ta hãy thử một lần bước chân đến bệnh chuyên khoa Ung bướu sẽ cảm nhận được cảm giác kinh hoàng của người bệnh và người thân phải chịu đựng ra sao? Vì thế, phải luôn có ý thức phòng bệnh từ bây giờ không để quá muộn.
1. Tại sao chúng ta bị bệnh ung thư?
Bệnh ung thư không do một nguyên nhân duy nhất mà do nhiều yếu tố nguy cơ cấu thành theo cơ chế bệnh sinh như sau:
- Cơ thể bị nhiễm độc: qua thức ăn nước uống (nấm mốc, thức ăn bẩn, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, nhiều đường tinh chế, thức ăn chế biến sẵn, rượu bia); đường hô hấp (khói bụi, khí độc, thuốc lá); qua da (hoá mỹ phẩm độc hại).
- Sức đề kháng giảm: stress tâm lý kéo dài, tuổi cao kèm bệnh mạn tính phải uống nhiều loại thuốc, làm việc qúa tải, ăn thiếu chất dinh dưỡng.
- Nhiễm khuẩn: vi trùng, siêu vi trùng.
- Di truyền từ cha mẹ: mẹ sử dụng một số thuốc có hại lúc mang thai, thụ hưởng biến dạng gen từ cha mẹ.
Tuy nhiên, nên nhớ nguyên nhân do di truyền chiếm tỉ lệ rất thấp, phần lớn do cơ thể bị nhiễm độc và sức đề kháng suy giảm.
2. Làm gì để phòng bệnh ung thư:
Thay đổi thói quen ăn uống là việc cần làm ngay:
- Khẩu phần ăn: ưu tiên chọn thực vật chiếm 90% và khoảng 10% là cá, trứng.
- Nên ăn rau, củ, quả tươi sống (tất nhiên phải rau củ sạch, có thể ngâm trong nước sôi vài phút) và ăn rau trái trước khi ăn cơm (ưu tiên gạo lứt hoặc gạo không xay xát kỹ).
- Hạn chế bánh mì trắng, đường tinh chế, thức ăn chế biến sẵn.
- Không ăn thịt đỏ, thịt nướng, mỡ động vật.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có gas.
- Uống đủ nước sạch, có tính kiềm nhẹ càng tốt, mỗi ngày (từ 1 – 2 lít).
3. Thực hiện liệu pháp thanh lọc cơ thể thường xuyên:
Thanh lọc cơ thể dựa vào các cơ quan thải độc chính của cơ thể:
- Phổi – da: thở sâu, xoa bóp
- Thận: tăng độ lọc cầu thận, thải độc qua đường tiểu,
- Gan: tăng chức năng hoá giải độc tố, bắt giữ vi khuẩn, tiết mật của gan,
- Đại tràng: ăn tăng cường chất xơ, tránh táo bón (không để tình trạng đi tiêu không hết phân chớ không chỉ đơn thuần là phân cứng). Mỗi ngày nên đi tiêu 1 hoặc 2 lần là tốt.
Việt Nam có nhiều loại rau, dược liệu tốt có tác dụng tăng cường chức năng thải độc của các cơ quan trên rất hiệu quả.
4. Củng cố sức đề kháng:
- Kiểm soát – làm chủ cảm xúc bằng: thở sâu, thiền định.
- Tập thể dục vừa sức, đều đặn.
- Duy trì cân nặng hợp lý, không để suy kiệt, không thừa cân – béo phì.
- Thường xuyên phơi nắng vào buổi sáng sớm, từ 15 – 20 phút ngày để cơ thể có được đủ vitamin D, tăng tuần hoàn dưới da.
Tóm lại:
Để bệnh ung bướu không tiếp tục tàn phá sức khoẻ và nền kinh tế của nhân loại, chúng ta cần thực hiện:
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh“
“Nam Dược Trị Nam Nhân”
(Thiền sư Tuệ Tĩnh).
Nguồn: Bs Trần Văn Nam