Khi tuyến giáp phát triển thành bướu sẽ tăng lên nhiều cả về cân nặng lẫn kích thước. Vì vậy bướu cổ gây khó thở khiến nhiều bệnh nhân mệt mỏi và lo lắng.
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết ở phía dưới trước cổ, có hình dạng như con bướm. Tuyến giáp nằm ngay dưới da và cơ, tựa lên đường thở (khí quản). Vì vậy mà khi mắc bệnh bướu cổ, tuyến giáp dần phình to lên không chỉ gây mất thẩm mỹ mà bướu cổ gây khó thở cũng rất thường thấy.
Bệnh bướu cổ là gì và vì sao bướu cổ gây khó thở
Tổng quan về bệnh bướu cổ
Bướu cổ là từ thường được dùng để chỉ khối bướu hình thành từ tuyến giáp. Rất nhiều người dù đã mắc bệnh bướu cổ vẫn thắc mắc bướu cổ có mấy loại. Bệnh này được chia thành nhiều loại khác nhau như phình giáp có hạt hay lan tỏa, viêm giáp, ung thư, hay chỉ là bướu lành.Ngoài ra, bướu cổ với mỗi người còn khác nhau ở chỗ có làm thay đổi chức năng tuyến giáp hay không. Nếu có thì sẽ được chia thành 3 loại nữa là suy giáp, bình giáp hoặc cường giáp.
Bướu cổ trước hết sẽ gây chèn ép lên các cơ quan lân cận cũng như mất thẩm mỹ bởi tuyến giáp sẽ ngày càng phình to ra. Bên cạnh đó, khi bướu tuyến giáp đi kèm với rối loạn chức năng nội tiết sẽ còn ảnh hưởng nhiều hơn đến cơ thể bệnh nhân. Điển hình là triệu chứng kiệt sức, sụt hoặc tăng cân, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, rụng tóc, run tay, yếu cơ,…
Những nguyên nhân khiến bướu cổ gây khó thở
Khi nói đến bệnh bướu cổ phình to, nhiều người chỉ lo lắng biến chứng cường giáp hay liệu bướu cổ có chuyển sang ung thư mà không nghĩ đến khả năng bướu lớn lên quá nhanh. Trong khi đây chính là nguyên nhân chính khiến bệnh bướu cổ gây khó thở.
Với người bình thường, bướu giáp chỉ cân nặng khoảng 30 gam. Nhưng khi tuyến giáp phì đại thành bướu cổ, khối lượng tuyến giáp sẽ tăng lên rất nhiều. Nhiều trường hợp nghiêm trọng phải phẫu thuật bởi khối bướu nặng tới 400-500 gam. Cân nặng của khối bướu ngày càng tăng khiến khối bướu tạo áp lực lớn hơn lên khí quản gây khó thở.
Cân nặng và vị trí khối bướu khiến cho người bệnh bướu cổ khó thở.
Mức độ khó thở do bướu cổ gây ra còn phụ thuộc vào vị trí của khối bướu. Nếu khối bướu thòng xuống khoang trung thất nhiều thì dù khối lượng nhẹ vẫn ảnh hưởng đến đường thở. Với khối bướu hướng lên trên hoặc ra trước thì mức độ gây khó thở sẽ giảm đi nhiều.
Bệnh bướu cổ gây khó thở như thế nào?
Triệu chứng khó thở do bướu cổ gây ra trong giai đoạn đầu khá giống bệnh hen phế quản. Khi đó bệnh nhân thở vào chậm và khò khè nhiều. Tình trạng khó thở sẽ nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân gắng sức làm việc nặng.
Triệu chứng này cũng có thể bị nhầm lẫn với các chứng khó thở khác như trường hợp loạn cảm thành họng hoặc viêm họng mạn tính.
Để chắc chắc khó thở là do bướu cổ gây ra, bệnh nhân và bác sĩ có thể dùng đến các phương tiện chẩn đoán hiện đại như siêu âm, X-quang,… Khi đó hình ảnh khí quản bị chèn ép như thế nào sẽ được thể hiện rõ.
Bướu cổ gây khó thở có phải phẫu thuật
Phương pháp điều trị phổ biến nhất khi bướu cổ gây khó thở chính là phẫu thuật. Tùy theo mức độ mà phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn phần tuyến giáp. Với sự tiến bộ trong kỹ thuật mổ cũng như gây mê hồi sức, việc phẫu thuật bướu cổ đa số đều thuận lợi. Phẫu thuật khi bướu cổ gây có thở được chia làm hai loại sau:
- Mổ cấp cứu: Được tiến hành khi bệnh nhân bị khó thở cấp. Thường xảy ra khi ung thư tuyến giáp lan tới khí quản, hay khi bướu giáp thể nang có xuất huyết bên trong tăng kích thước nhanh gây chèn ép nặng nề. Vì là mổ cấp cứu, tiến hành trong tình huống khẩn cấp nên kết quả không tốt như mổ theo chương trình. Phương pháp thường được áp dụng trong phẫu thuật này cũng phức tạp hơn. Bác sĩ sẽ phải mở khí quản để khai thông đường thở. Sau đó cắt toàn bộ tuyến giáp hay phẫu thuật làm sạch với trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn.
- Mổ theo chương trình: Đây là hình thức phẫu thuật có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như có sự tham gia của nhiều chuyên khoa như tim mạch, nội tiết, gây mê hồi sức,… Vì vậy mà mổ theo chương trình thường đem lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân bướu cổ. Theo hình thức phẫu thuật này, phương pháp cắt tuyến giáp kết hợp nạo hạch cổ hai bên và xạ trị Iod 131 hiện đang được áp dụng rất thành công, kể cả với bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Bướu cổ gây khó thở dù đã phẫu thuật
Có hai nguyên nhân có thể gây ra vấn đề hô hấp sau khi phẫu thuật bướu cổ. Một là do cục máu đông quá lớn chèn ép khí quản. Tình trạng này nếu được phát hiện cần phải can thiệp y khoa ngay lập tức. Nguyên nhân còn lại có thể do dây thần kinh thanh quản bị tổn thương. Trường hợp này cũng cần phải phẫu thuật khẩn cấp để mở lại khí quản. Tuy nhiên hai biến chứng này rất hiếm gặp sau phẫu thuật nên bệnh nhân không cần quá lo lắng.
Bướu cổ gây khó thở là tình trạng rất phổ biến, vì vậy mà bệnh nhân không nên lo lắng thái quá. Chỉ cần được điều trị hợp lý, phẫu thuật kịp thời, người bệnh bướu cổ vẫn có cơ hội thoát khỏi tình trạng khó thở và sống khỏe mạnh như người bình thường.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.