1. Bạch cầu là gì?
Bạch cầu là những tế bào có chức năng chống lại các tác nhân lạ đi vào cơ thể. Các tế bào bạch cầu sẽ thực bào các chất lạ hoặc vi khuẩn, khử độc, sản xuất kháng thể, giải phóng các chất truyền tin hóa học, các enzym,… Bạch cầu có nguồn gốc từ các tế bào gốc sinh máu vạn năng trong tủy xương. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, mỗi loại thực hiện một chức năng khác nhau nhưng đều thống nhất trong nhiệm vụ chung là bảo vệ cơ thể.
Dựa vào hình dáng của nhân và sự có mặt hoặc không có mặt của các hạt bào tương trong tế bào, các hạt này chủ yếu là các tiêu thể (lysosome), mà người ta phân loại ra các loại bạch cầu:
- Bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân): là bạch cầu chứa những hạt lớn trong bào tương. Tùy theo sự bắt màu của các hạt trong bào tương, bạch cầu hạt lại chia ra: bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa acid, bạch cầu ưa base.
- Bạch cầu không hạt (bạch cầu đơn nhân): là những bạch cầu không có hạt trong bào tương. Bạch cầu không hạt gồm 2 loại là: bạch cầu mono và bạch cầu lympho.
2. Công dụng của Bạch cầu
Trong nhiệm vụ chung là bảo vệ cơ thể, mỗi loại bạch cầu có một cấu trúc gắn liền với tính năng và nhiệm vụ khác nhau:
- Bạch cầu hạt trung tính: Tạo ra hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn sinh mủ do bạch cầu trung tính có khả năng vận động và thực bào rất mạnh.
- Bạch cầu hạt ưa acid: Chức năng chủ yếu là khử độc các protein và các chất lạ do trong các lysosome chứa các enzyme như oxidase, peroxidase và phosphatase.
- Bạch cầu hạt ưa base: là loại ít gặp nhất trong các loại bạch cầu, đóng vai trò quan trọng trong một số phản ứng dị ứng.
- Bạch cầu lympho: Có hai loại là bạch cầu lympho T và bạch cầu lympho B.
Bạch cầu lympho T : bạch cầu Lympho T sau khi được hoạt hóa sẽ tấn công các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể bằng cách tấn công trực tiếp hoặc giải phóng một chất gọi là lymphokin. Lymphokin sẽ thu hút bạch cầu hạt đến xâm nhập, tấn công kháng nguyên.
Bạch cầu lympho B có vai trò sản xuất ra kháng thể.
- Bạch cầu mono: có kích thước lớn, tại mô liên kết của các cơ quan sẽ phát triển thành các đại thực bào. Các đại thực bào này sẽ ăn các phân tử các phân tử có kích thước lớn, các mô hoại tử, do đó có tác dụng dọn sạch các vùng mô tổn thương. Bên cạnh đó, bạch cầu mono còn đóng vai trò quan trọng trong khởi động quá trình sản xuất kháng thể.
3. Chỉ số WBC là gì?
Chỉ số Wbc (White Blood Cell) là chỉ số thể hiện số lượng bạch cầu trong một thể tích máu. Giá trị này bình thường trong khoảng 4.000- 10.000 tế bào/mm3. Nếu số lượng bạch cầu cao hơn khoảng trên gọi là tình trạng tăng bạch cầu, thấp hơn khoảng trên là tình trạng giảm bạch cầu. Đây là một chỉ số quan trọng, dựa vào chỉ số này tăng hoặc giảm thầy thuốc có thể tiên lượng được tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Nguồn: Vinmec