Dù giới khoa học vẫn chưa có nhiều hiểu biết về chủng virus corona mới, nhưng các bác sĩ tin rằng nó có sức làm tổn thương nhiều cơ quan quan trọng và dẫn đến đau đớn cho bệnh nhân. Để hiểu thêm, chúng ta hãy cùng xem qua một số thông tin về sự tàn phá của loại virus này trong cơ thể.
Tạp chí National Geographic cho rằng, các chủng virus corona gây bệnh SARS, MERS và COVID-19 không giống với những chủng virus corona gây cảm cúm thông thường. Bởi chúng vốn lây nhiễm từ động vật sang người nên có sức tàn phá mạnh hơn hẳn. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu virus corona (CSG) thuộc Ủy ban Quốc tế về phân loại virus (ICTV) thì loại virus chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán có liên hệ với chủng gây dịch SARS năm 2003.
Chủng virus gây SARS khá độc và có tỷ lệ tử vong theo WHO là lên tới 15%. Các nhà khoa học đã dựa trên hiểu biết về SARS, MERS và những nghiên cứu mới về Covid-19 để đưa ra các giải thích về sự tác động của virus corona đối với cơ thể người.
Hai lá phổi “tan hoang”
Hầu hết bệnh nhân Covid-19 đều bắt đầu và kết thúc ở phổi, nguyên nhân là bởi họ virus corona chủ yếu gây nên bệnh đường hô hấp. Quá trình lan truyền sẽ xảy đến khi người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, văng những hạt dịch chứa virus sang người xung quanh. Triệu chứng ban đầu khi mắc Covid-19 cũng giống như cảm cúm thông thường, chúng ta có thể phát sốt, ho, rồi sau đó tiến triển thành viêm phổi hoặc nặng hơn.
WHO nhận thấy sau đợt dịch SARS, phổi bệnh nhân thường bị tấn công theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xâm nhập tế bào, hình thành nên ổ virus; giai đoạn 2 gây rối loạn hệ miễn dịch và giai đoạn 3 gây tổn thương phổi. Tuy nhiên không phải ai cũng cần trải qua cả 3, chỉ có khoảng 25% người mắc SARS bị suy hô hấp (dấu hiệu chính của bệnh nặng). Tương tự, theo các dữ liệu sơ bộ thì Covid-19 gây nên triệu chứng nhẹ trên 82% trường hợp, còn lại là nặng hoặc nguy kịch.
Matthew B.Frieman, giáo sư chuyên về virus của đại học Maryland (Mỹ) quan sát thấy tiến triển của COVID-19 cũng tương tự như SARS. Bệnh nhân những ngày đầu mới nhiễm sẽ bị virus tấn công dồn dập vào tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào cilia bảo vệ tế bào niêm dịch. Mất đi lớp này, đường hô hấp sẽ tràn ngập chất bẩn, dịch lỏng và virus. Quá trình tấn công khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 viêm cả 2 lá phổi, kèm theo đó là các triệu chứng khó thở.
Đây cũng là lúc bắt đầu giai đoạn 2. Khi mà cơ thể phản ứng trước xâm nhập của virus sẽ tăng cường tế bào miễn dịch đến phổi nhằm khắc phục các tổn thương. Nếu hoạt động này diễn ra đúng thì sự viêm sẽ được kiểm soát và chỉ giới hạn ở bộ phận nhiễm virus. Tuy nhiên, có đôi khi tế bào miễn dịch bị kích thích quá mức sẽ không phân biệt virus hay mô khỏe mạnh mà giết tất cả trên đường đi.
Chính hệ miễn dịch khiến người bệnh tổn thương, các chất bẩn cứ tích tụ trong phổi làm tình trạng viêm nặng dần. Đến giai đoạn 3, tổn thương phổi tiếp tục lan rộng và kéo theo tình trạng suy hô hấp. Nếu may mắn không chết thì phổi cũng sẽ chịu tổn thương vĩnh viễn với những lỗ thủng trông như tổ ong. Đó là đặc điểm của SARS nhưng người bệnh COVID-19 cũng tương tự.
Nguy cơ tác động đường tiêu hóa, gan và thận
Một đặc điểm quan trọng trong dịch SARS và MERS là có đến 1/4 người bệnh bị tiêu chảy. Hai chủng virus này có thể xâm nhập vào những tế bào ở ruột non và đại tràng, tạo nên ổ virus và dẫn tới tổn thương (tiêu chảy) cho bệnh nhân. Tuy giới khoa học vẫn chưa xác nhận được chủng virus corona mới gây bệnh Covid-19 có thâm nhập theo kiểu này không, nhưng đã có nghiên cứu phát hiện nó tồn tại trong phân người.
Dấu hiệu này cho thấy đây có thể là nguồn lây lan, dù vẫn chưa chắc chắn. Ngoài ra, khi chủng virus corona gốc động vật tấn công hệ hô hấp thì cũng gây hại đến gan. Các bác sĩ đã thấy được tổn thương gan ở các bệnh nhân mắc SARS, MERS và cả Covid-19. Tuy đa số là nhẹ nhưng nếu tiến triển nặng hơn thì người bệnh sẽ có nguy cơ suy gan cao.
Thường khi mà gan, phổi đã suy thì thận cũng không tránh khỏi khả năng cao là ảnh hưởng. Khoảng 6% người mắc SARS và 25% người mắc MERS có tổn thương thận cấp. Theo các nghiên cứu ban đầu thì bệnh Covid-19 cũng có biểu hiện tương tự. Dù không phải biến chứng hay gặp nhưng suy thận cấp lại có nguy cơ cao, khi 91.7% bệnh nhân SARS mắc phải đã không qua khỏi.
Giáo sư Kar Neng Lai của đại học Hong Kong cho biết, chứng suy thận cấp ở bệnh nhân SARS không hẳn do virus trực tiếp gây nên. Nó có khả năng do một loạt các yếu tố như là huyết áp thấp, nhiễm trùng huyết, thuốc kháng sinh, suy đa phủ tạng do hội chứng bão Cytokine…
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.