Khi thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh đau mắt đỏ hoành hành. Hãy cùng tìm hiểu cách vệ sinh đau mắt đỏ đúng để nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh này mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Đang trong mùa dịch đau mắt đỏ, người bệnh hãy bỏ qua các mẹo chữa bệnh dân gian như xông lá trầu, bỏ qua việc điều trị truyền miệng như tiêm kháng sinh vào mắt; bỏ qua cả việc kết hợp 3 – 4 kháng sinh mỗi ngày… bởi tất cả những cách đó không làm đau mắt đỏ nhanh khỏi. Thay vì đó, hãy tìm phương pháp chữa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất, đơn cử là cách vệ sinh đau mắt đỏ có thể giúp bệnh của bạn được đẩy lùi mà không cần sự can thiệp của bất kỳ loại kháng sinh nào.
Đau mắt đỏ là bệnh gì?
Đau mắt đỏ là bệnh khá phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh xảy ra ở mọi thời điểm trong năm nhưng gia tăng vào dịp hè – thu khi có khí hậu nóng ẩm, vi khuẩn dễ sinh sôi, bùng phát thành dịch đau mắt đỏ.
Nếu đau mắt đỏ không được chữa trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực, sẹo giác mạc, thậm chí là mù lòa. Do đó, ngay khi phát hiện trẻ hoặc thành viên trong gia đình có các biểu hiện đau mắt đỏ (đỏ mắt, cộm mắt như bụi trong mắt, chói mắt, chảy nước mắt, nhiều dử mắt, sốt nhẹ hoặc ngứa họng, ho, hắt hơi), các bà mẹ có thể áp dụng những cách vệ sinh đau mắt đỏ giúp chữa bệnh nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Vệ sinh đau mắt đỏ và những lưu ý để bệnh tự khỏi mà không cần kháng sinh
- Tuyệt đối không dùng tay dụi mắt: Phản ứng thông thường khi bị đau hay ngứa là các bạn sẽ dụi mắt. Thói quen này sẽ khiến vi khuẩn lây từ mắt bị bệnh sang mắt lành. Thay vào đó, bạn có thể đắp một miếng gạc lạnh để làm dịu đi những cơn khó chịu.
- Rửa tay sạch trước khi vệ sinh mắt: Khi vệ sinh mắt bị bệnh, cần rửa tay sạch. Việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch diệt khuẩn sẽ là cách hạn chế tốt nhất việc virus đau mắt đỏ lây lan.
- Không dùng chung khăn mặt: Nên rửa mặt thường xuyên bằng nước sạch sau đó lau khô bằng khăn dùng riêng. Một ngày nên thay khăn và giặt khăn bằng xà phòng, phơi khô trong nắng. Tránh dùng chung khăn mặt để hạn chế lây lan bệnh.
- Vệ sinh chăn, gối sạch sẽ: Vệ sinh gối, chăn sạch sẽ để hạn chế virus đau mắt đỏ lây sang cho người thân trong gia đình.
- Dùng khăn ấm đắp lên vùng bị đau: Những cơn đau khó chịu bởi chứng đau mắt đỏ có thể được đẩy lùi bằng cách đắp khăn ấm lên vùng mắt bị đau.
- Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể: Tăng cường ăn uống các dưỡng chất cần thiết để nâng cao sức đề kháng. Bạn có thể tìm hiểu các loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và vitamin thiết yếu cho mắt.
- Dùng thuốc nhỏ mắt một cách khoa học: Bạn có thể rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Nếu bị đau chỉ một bên mắt, cần chăm sóc cẩn thận để không làm lây bệnh sang mắt lành. Bạn nên nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay dử và nước mắt chảy ra trong quá trình vệ sinh mắt.
Khi thấy bệnh trở nên nặng hơn, bạn hãy nhanh chóng tới ngay bệnh viện có chuyên khoa mắt để được bác sĩ thăm khám kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.