Sốt kèm đau mắt đỏ là triệu chứng thường thấy của bệnh đau mắt đỏ, bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, vì vậy cần có cách chữa bệnh hữu hiệu để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây đau mắt đỏ giảm thị lực là virus Adenovirus hoặc vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường xảy ra từ mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết có độ ẩm không khí cao, khi giao mùa hay môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát. Do đó, người nhà và bệnh nhân cần trang bị kiến thức để nhận biết và chữa trị đau mắt đỏ hiệu quả để kịp thời ứng phó khi bệnh diễn ra.
Cách nhận biết bệnh đau mắt đỏ
Khi đau mắt đỏ, người bệnh sẽ có biểu hiện chính là mắt đỏ và có ghèn. Thông thường, bệnh nhân sẽ đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai và cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm như có cát, mắt nhiều ghèn… Ghèn mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.
Trong một vài trường hợp, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai, sốt kèm đau mắt đỏ,… Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển biến nặng, mắt người bệnh có thể bị sưng đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc…
Cách xử lý sốt kèm đau mắt đỏ nhanh và hiệu quả nhất
Nguyên tắc cốt lõi khi xử lý đau mắt đỏ là vệ sinh mắt thường xuyên bằng cách rửa mắt. Khi rửa, cần dùng gạc hứng nước dưới đuôi mắt, không để nước từ mắt chảy dính xuống giường, đệm sẽ dễ lây bệnh cho người khác. Rửa sạch hai mắt xong, nên dùng gạc sạch lau khô dử mắt và rửa tay bằng xà phòng thật sạch rồi mới nhỏ thuốc. Việc rửa mắt sẽ dễ hơn nếu có người hỗ trợ, vì đây là bước quan trọng nhất trong chăm sóc người bị viêm kết mạc, giảm tiết dử, dính mắt do dử, sốt và đau mắt đỏ.
Rửa mắt đúng cách sẽ giúp bệnh cải thiện nhanh chóng.
Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau ngày từ 3 – 4 ngày, mắt sẽ không còn tiết dử, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt. Đại đa số bệnh nhân chỉ cần thực hiện rửa mắt mỗi ngày, thì sau 7 – 10 ngày là khỏi bệnh mà không phải dùng thêm loại thuốc nào. Trong trường hợp bị đau mắt đỏ dị ứng, tránh dụi mắt và thay vào đó nên đắp một miếng gạc lạnh để làm dịu. Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý, điều trị cách ly và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nhãn khoa. Sau 5 – 7 ngày, nếu bệnh không thuyên giảm cần được tái khám, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác trong thời gian bị bệnh.
Ngoài ra, khi có triệu chứng sốt kèm đau mắt đỏ cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng để nhanh hết bệnh hơn; uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc nên đeo khẩu trang. Trong nhà, nếu có người đang mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh trong và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần. Nếu nhiều người trong gia đình bị đau mắt đỏ thì mỗi người cần dùng riêng một chai thuốc nhỏ, việc dùng chung một chai thuốc sẽ khiến bệnh diễn tiến nặng thêm. Trước khi chăm sóc cho người bệnh, cần vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ. Việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch diệt khuẩn đem lại hiệu quả tốt trong việc hạn chế virus đau mắt đỏ lây lan cho người khác.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.