Tổng quan bệnh Barrett thực quản
Barrett thực quản là một chứng bệnh thuộc về đường tiêu hóa, thường gặp ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày trong thời gian dài, dẫn tới kích thích niêm mạc trong lòng thực quản, nếu xảy ra trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến các tế bào lót phần dưới của thực quản, dẫn tới ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Bệnh Barrett thực quản thường được chẩn đoán ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease – GERD), đây là bệnh tái phát mạn tính của việc trào axit từ dạ dày đi lên thực quản dưới. Tuy nhiên chỉ tỷ lệ nhỏ những người bị GERD sẽ phát triển Barrett thực quản.
Vậy bệnh Barrett thực quản có nguy hiểm không?
Bệnh Barrett thực quản có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản. Mặc dù rủi ro là nhỏ, nhưng điều quan trọng người bệnh cần tái khám thường xuyên các tế bào tiền ung thư (Tế bào loạn sản). Nếu các tế bào tiền ung thư được phát hiện, việc điều trị sớm có thể ngăn ngừa ung thư thực quản tiến triển nặng hơn nữa.
Nguyên nhân bệnh Barrett thực quản
Nguyên nhân chính xác của bệnh Barrett thực quản hiện nay chưa được biết đến. Hầu hết những người bị Barrett thực quản đều đã mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản trong một thời gian dài.
Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thức ăn ở trong dạ dày bị trào ngược vào thực quản, làm tổn thương mô thực quản. Khi thực quản cố gắng tự chữa lành, nhưng màu sắc và thành phần của tế bào lót thay đổi ở vùng tấp thực quản do bị tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần với axit dạ dày.
Tuy nhiên, một số người bệnh được chẩn đoán Barrett thực quản nhưng chưa bao giờ có triệu chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit, đối với các trường hợp này các nhà nghiên cứu chưa phát hiện được nguyên nhân gây ra bệnh.
Triệu chứng bệnh Barrett thực quản
Những biểu hiện của Barrett thực quản như sau:
- Người bệnh có triệu chứng ợ nóng thường xuyên.
- Cảm giác khó nuốt khi ăn.
- Đau ngực.
- Tuy nhiên, nhiều người bệnh bị Barrett thực quản không có triệu chứng mà chỉ tình cờ phát hiện khi khám bệnh khác.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Nếu người bệnh gặp khó chịu hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày do triệu chứng ợ nóng và trào ngược axit trong hơn năm năm, thì người bệnh hãy đi khám để phát hiện có nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản hay không. Người bệnh nên đi khám ngay lập tức nếu:
- Đau ngực, có thể là triệu chứng của một cơn đau tim.
- Khó nuốt.
- Là nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu trông giống như bã cà phê.
- Đại tiện phân có màu đen, có mùi hôi hoặc có máu đỏ tươi.
Đường lây truyền bệnh Barrett thực quản
Bệnh Barrett thực quản không lây truyền từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Barrett thực quản
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh Barrett thực quản bao gồm:
- Chứng ợ nóng mãn tính và trào ngược axit.
- Tuổi tác. Bệnh Barrett thực quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
- Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh Barrett thực quản hơn nữ giới.
- Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người thuộc chủng tộc khác.
- Thừa cân. Mỡ cơ thể quanh bụng làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản.
- Hiện tại hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá.
c bệnh Barrett thực quản
Hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo các biện pháp hạn chế mắc chứng Barrett thực quản như sau:
- Sử dụng thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tái khám đúng lịch hẹn để có thể theo dõi được sự tiến triển của bệnh. Khi sử dụng thuốc phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Do cân nặng chính là một trong những yếu tố gây chứng Barrett thực quản; người bệnh nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để hạn chế tình trạng ợ nóng, ợ hơi.
- Hạn chế ăn các đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Sau khi ăn không nên nằm ngay, mà đợi ít nhất 3 tiếng sau thì mới được nằm xuống, Đối với những người bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ nên kê cao gối để hạn chế trào axit và thức ăn lên thực quản.
- Thường xuyên tập thể thao và đều đặn.
- Chế độ ăn hợp lý và bồi bổ cơ thể từ đó nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh tật.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Barrett thực quản
Các bác sĩ thường chỉ định nội soi để xác định chẩn đoán bệnh Barrett thực quản. Một nội soi gồm ống có đèn được trang bị camera đưa từ miệng xuống thực quản, từ đó hình ảnh Barrett thực quản sẽ được chiếu trên màn hình máy tính và bác sĩ sẽ thấy được các dấu hiệu thay đổi mô thực quản. Bình thường mô thực quản có màu hồng nhạt và bóng, nhưng trong bệnh Barrett thực quản, mô có màu màu đỏ và mượt. Đồng thời, bác sĩ sẽ lấy mô thực quản và đưa đi sinh thiết để xác định mức độ thay đổi của mô thực quản.
Xác định mức độ thay đổi mô.
Bác sĩ chuyên ngành về bệnh lý học sẽ xác định mức độ loạn sản của các tế bào thực quản của người bệnh. Do rất khó để chẩn đoán chứng loạn sản ở thực quản, tốt nhất nên có hai bác sĩ chuyên ngành về bệnh lý học đọc kết quả, mô của người bệnh sẽ được phân loại như sau:
- Không có loạn sản, nếu có Barrett thực quản nhưng không làm thay đổi mô tế bào.
- Loạn sản mức độ thấp, nếu các tế bào thực quản bị biến đổi thành tế bào tiền ung thư nhỏ.
- Loạn sản bậc cao, nếu các tế bào cho thấy thay đổi nhiều. Chứng loạn sản bậc cao được cho là bước cuối cùng trước khi các tế bào chuyển thành ung thư thực quản.
Sàng lọc Barrett thực quản.
Đại học Hệ Tiêu hóa Hoa Kỳ (American College of Gastroenterology) cho biết, việc khám sàng lọc được khuyến nghị cho những người đàn ông có triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease – GERD) ít nhất 1 tuần 1 lần mà không đáp ứng với điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton và có ít nhất hai yếu tố nguy cơ sau:
- Trên 50 tuổi.
- Người da trắng.
- Có nhiều mỡ ở bụng.
- Là người hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc lá.
- Có tiền sử gia đình mắc Barrett thực quản hoặc ung thư thực quản.
Mặc dù nữ giới có ít khả năng mắc bệnh Barrett thực quản hơn, nhưng nếu có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ kể trên, nữ giới vẫn nên đi khám sàng lọc tương tự như nam giới.
Các biện pháp điều trị bệnh Barrett thực quản
Điều trị bệnh Barrett thực quản phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng bất thường của tế bào tại thực quản và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Không loạn sản. Bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp như sau:
- Nội soi định kỳ để theo dõi sự tiến triển các tế bào trong thực quản. Nếu sinh thiết cho thấy không có loạn sản, thì người bệnh được khuyến cáo nên đi nội soi sau 6 tháng và sau đó thì cứ sau ba năm nếu như không gì thay đổi.
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc và thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn có lựa chọn thực hiện phẫu thuật để thắt chặt cơ thắt kiểm soát dòng chảy của axit dạ dày lên thực quản.
Loạn sản mức độ thấp
Đối với chứng loạn sản mức độ thấp, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh sau 6 tháng quay lại tái khám, và các lần sau cứ từ 6 đến 12 tháng tiếp tục tái khám. Phương pháp ưu tiên để điều trị giai đoạn này bao gồm:
- Sử dụng máy nội soi để loại bỏ các tế bào bị tổn thương.
- Cắt bỏ u bằng sóng cao tần (Radiofrequency ablation) bằng cách sử dụng nhiệt để loại bỏ mô thực quản bất thường. Biện pháp này có thể được thực hiện ngay sau khi cắt bỏ mô bằng biện pháp nội soi.
- Nếu viêm thực quản nặng thì ban đầu sẽ được nội soi, sau 3-4 tháng tiếp tục nội soi để điều trị giảm axit dạ dày.
Loạn sản bậc cao
Chứng loạn sản bậc cao thường được cho là tiền thân của ung thư thực quản. Vì vậy, bác sĩ có thể cắt bỏ nội soi hoặc cắt u bằng sóng cao tần (Radiofrequency ablation). Các lựa chọn khác để điều trị bao gồm:
- Liệu pháp quang đông (Cryotherapy), sử dụng máy nội soi để áp chất lỏng hoặc khí lạnh lên các tế bào bất thường trong thực quản, sau đó tế bào này được làm ấm lên, rồi tiếp tục đông lạnh một lần nữa. Chu kỳ cứ lặp đi lặp lại như vậy để phá hủy các tế bào bất thường.
- Quang động liệu pháp (Photodynamic therapy) là sự kết hợp một dược phẩm được gọi là chất gây cảm quang (photosensitizer) với một loại ánh sáng thích hợp để diệt các tế bào ung thư.
Nguồn: Vinmec