Mỡ máu là một bệnh lý liên quan mật thiết đến các thói quen sống hàng ngày. Bệnh mỡ máu thường khó phát hiện trong thời gian đầu. Chúng ta có thể được bác sĩ chẩn đoán bị máu nhiễm mỡ hay không sau khi có kết quả xét nghiệm máu.
Vậy mỡ máu và bệnh mỡ máu là thế nào? Yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị mỡ máu?
Mỡ máu là gì?
Mỡ máu là tên gọi thông thường của lipid máu, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó thành phần quan trọng nhất là cholesterol.
Nhiều người vẫn nghĩ cholesterol là thành phần xấu trong cơ thể, là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh. Thực tế, cholesterol rất quan trọng với cơ thể, góp mặt trong nhiều bộ phận như cấu trúc màng tế bào, tiền chất tạo vitamin D và một số hormon, giúp chúng ta phát triển và hoạt động khỏe mạnh. Chúng chỉ trở nên có hại khi có sự rối loạn giữa các loại cholesterol, mà bệnh lý điển hình gây ra là xơ vữa động mạch.
Vì là chất mỡ không hòa tan trong nước, cholesterol và các chất mỡ như triglyceride phải kết hợp với chất dễ tan trong nước là lipoprotein để dễ di chuyển trong máu. Vì vậy, khi xét nghiệm lượng mỡ máu ngoài tổng số Cholesterol, người ta còn phân tích cholesterol theo các loại Lipoprotein, trong đó có 2 loại quan trọng đó là LDL (lipoprotein tỉ trọng thấp) “cholesterol xấu” và HDL (Lipoprotein tỉ trọng cao) “cholesterol tốt”. Mỡ máu tăng cao khi loại xấu tăng và loại tốt giảm, gây ra nhiều loại bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não…
Một thành phần quan trọng khác của mỡ máu đó là triglycerid, còn được gọi là chất béo trung tính, đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất. Nhưng nếu chỉ số tăng cao sẽ gây xơ vữa mạch. Tăng triglycerid thường gặp ở người bị béo phì, lười vận động, đái tháo đường, uống nhiều rượu bia và hút nhiều thuốc lá.
Những người bị tăng chỉ số này thường kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol có hại LDL và giảm cholesterol có lợi HDL.
Bệnh mỡ máu là gì?
Bệnh mỡ máu (hay còn được gọi máu nhiễm mỡ hoặc rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn cho phép do các nguyên nhân khác nhau dẫn tới rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.
Các chỉ số bình thường của các thành phần mỡ có trong máu:
- Cholesterol toàn phần: < 5.2 mmol/L.
- LDL – Cholesterol: < 3.3 mmol/L.
- Triglyceride: < 2.2 mmol/L.
- HDL – Cholesterol: > 1.3 mmol/L.
Các chỉ số trên ở mức bình thường, các xét nghiệm cho kết quả cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, Triglyceride cao hơn chứng tỏ bạn đang có biểu hiện bệnh mỡ máu. Tuỳ vào mức độ tăng cao của các chất trên mà biểu hiện tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trong khi đó, HDL – Cholesterol là một Cholesterol tốt cho sức khỏe giúp tăng đào thải LDL – Cholesterol (gây hại cho sức khỏe), khi HDL – cholesterol tăng là một dấu hiệu tốt.
Ngày nay theo khuyến cáo của hội tim mạch Hoa Kỳ (ACC) xét nghiệm các chỉ số lipid máu là một trong các chỉ số đánh giá nguy cơ tim mạch, kiểm soát mỡ máu và điều trị rối loạn lipid máu làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh mỡ máu
Đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh rối loạn mỡ máu?
Rối loạn mỡ máu là tình trạng cực kì phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn mỡ máu, chẳng hạn như:
- Tiểu đường: đường huyết cao góp phần làm tăng LDL – cholesterol và giảm HDL-cholesterol. Đường huyết cao cũng làm tổn hại niêm mạc mạch máu.
- Gia đình có người thân bị bệnh tim mạch trước tuổi 50 tuổi ở nam hay 60 tuổi ở nữ.
- Bệnh sử gia đình liên quan đến mỡ trong máu.
- Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành (ví dụ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, béo phì).
- Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng: ăn nhiều chất béo bão hòa từ các sản phẩm động vật và chất béo trans có trong bánh quy.
- Béo phì.
- Chu vi vòng eo lớn: nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu bạn là đàn ông và có chu vi vòng eo trên 102 cm hoặc phụ nữ có vòng eo ít nhất 89 cm.
- Ít tập thể dục.
- Hút thuốc lá gây tổn thương các thành mạch máu, gây tích tụ mỡ thành mạch.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rối loạn mỡ máu?
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để chẩn đoán rối loạn mỡ máu, giúp kiểm tra mức cholesterol và thường gồm các thông số:
- Cholesterol toàn phần.
- LDL- cholesterol.
- HDL -cholesterol.
- Triglycerides.
Để đo chính xác nhất, bạn không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước) trong 9-12 giờ trước khi bác sĩ lấy các mẫu máu.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, bạn nên chủ động đi thăm khám sức khỏe định kì, kiểm tra các chỉ số cơ thể bao gồm cả mỡ máu để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời.
Nguồn Tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.