Thông thường, nhiễm độc thuỷ ngân sẽ tích tụ dần theo thời gian. Tuy nhiên, tình trạng cấp tính vẫn có thể xảy ra nếu bạn tiếp xúc với một lượng lớn thuỷ ngân này. Hiểu biết các dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân là một trong những kiến thức bạn cần trang bị để có biện pháp phòng ngừa nhiễm độc thuỷ ngân cho bản thân và gia đình.
Thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân ít độc nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Thủy ngân giải phóng từ chất thải có chứa thủy ngân tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật…) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người.
Triệu chứng và dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân cảnh báo sớm
Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng thần kinh như: hồi hộp hoặc lo lắng, phiền muộn; cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng; tê bì; vấn đề về trí nhớ; run tay chân và cơ thể.
Khi mức độ thủy ngân trong cơ thể tăng lên, nhiều dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân sẽ xuất hiện, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ phơi nhiễm của mỗi người. Người lớn bị nhiễm độc thủy ngân có thể gặp các triệu chứng như: yếu cơ; có vị kim loại trong miệng; buồn nôn và ói mửa; thiếu kỹ năng vận động hoặc phối hợp, khó đi lại hoặc đứng thẳng; không có cảm giác ở tay, mặt hoặc các khu vực khác, thay đổi về thị giác, thính giác hoặc lời nói; khó thở.
Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, run rẩy tay chân, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi…
Những người có biểu hiện nhiễm độc thủy ngân nhẹcó triệu chứng đầu tiên là sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.
Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sớm ở trẻ em. Trẻ bị nhiễm độc thủy ngân dễ xuất hiện các triệu chứng: kĩ năng vận động suy giảm; gặp vấn đề về suy nghĩ, nói năng hoặc nhận thức; khó khăn khi phối hợp tay và mắt
Biến chứng lâu dài khi bị ngộ độc thủy ngân
Phơi nhiễm với mức thủy ngân cao có thể khiến người dân tăng nguy cơ mắc các biến chứng lâu dài bao gồm:
Tổn thương thần kinh: Nồng độ thủy ngân cao trong máu có thể khiến nạn nhân bị tổn thương thần kinh lâu dài. Những ảnh hưởng này rõ rệt hơn ở trẻ em đang phát triển. Ngộ độc thủy ngân có thể làm rối loạn trí thông minh, phản xạ chậm, tê liệt kỹ năng vận động, gặp vấn đề với bộ nhớ và sự tập trung.
Rối loạn khả năng sinh sản: Ngộ độc thủy ngân có thể làm giảm số lượng tinh trùng hoặc giảm khả năng sinh sản. Nó cũng gây ra các vấn đề cho thai nhi như dị dạng, tăng nguy cơ sẩy thai, giảm kích thước của trẻ khi sinh.
Gây hại tim mạch: Thủy ngân thúc đẩy sự tích tụ các gốc tự do trong cơ thể, dẫn đến tổn thương tế bào. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch như đau tim và bệnh mạch vành.
Những người ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc, xuất hiện triệu chứng khi bị nhiễm độc thủy ngân sau nhiều ngày đến nhiều tuần dễ bị suy nhược thần kinh, giảm thính giác, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong.
Thông thường, tình trạng nhiễm độc thuỷ ngân sẽ tích tụ dần theo thời gian. Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của bất cứ triệu chứng nào có thể là dấu hiệu của tình trạng ngộ độc cấp tính. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân bị ngộ độc thuỷ ngân, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Khi người dân nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đi khám tại các bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều trị nhiễm độc thủy ngân thế nào?
Điều trị ban đầu nhiễm độc thủy ngân tương tự những nhiễm độc khác, phải nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn.
Với tình trạng thủy ngân tiếp xúc qua da, cần phải loại thải chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm. Ngộ độc do nuốt, không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt do không có tác dụng hấp phụ kim loại. Trường hợp nhiễm độc thuỷ ngân vô cơ cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, nên đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp. Khi có triệu chứng toàn thân là chỉ điểm có sự chuyển đổi thuỷ ngân hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể, phải được dùng thuốc giải độc đặc hiệu ngay.
Vì các ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe do phơi nhiễm thủy ngân, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong việc sử dụng các vật dụng chứa thủy ngân như nhiệt kế, pin, cá biển…
Nhiễm độc thủy ngân có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, do đó, nếu cảm thấy bản thân mắc các dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân sau khi tiếp xúc với thuỷ ngân hoặc hít phải hơi thuỷ ngân trong các đám cháy thuỷ ngân thì điều quan trọng là bạn cần phải chia sẻ tình trạng bản thân với bác sĩ để đảm bảo nồng độ thủy ngân trong máu của bạn trở về phạm vi an toàn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.