Hạ đường huyết sau khi tập thể dục nghe có vẻ ngạc nhiên, kỳ thực điều này hoàn toàn có thể xảy ra với những ai có thói quen tập luyện thiếu khoa học, nhất là ở người bệnh tiểu đường.
Tập luyện có nhiều lợi ích đối với bệnh nhân tiểu đường, tuy nhiên đây cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng hạ đường huyết. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tập luyện không trở thành mối “đe dọa” với sức khỏe?
Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị hạ đường huyết sau khi tập thể dục?
Tập thể dục có tác động tích cực đối với sức khỏe của người bệnh tiểu đường như giúp cải thiện chức năng insulin, giúp cơ thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu, phòng tránh các biến chứng tiểu đường. Thế nhưng, một số trường hợp tập luyện chưa khoa học như tập trong tình trạng “chiếc bụng” rỗng, tập các bài tập nặng vận động quá sức,… rất dễ dẫn đến tình trạng hạ (tụt) đường huyết.
Thông thường, hạ đường huyết sau khi tập thể dục sẽ có các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, đi loạng choạng, vã mồ hôi, tim đập nhanh,…
Tập luyện thể dục an toàn cho người bệnh tiểu đường
Như vậy, thực chất tập luyện có nhiều lợi ích đối với việc kiểm soát bệnh nhưng việc tập luyện thiếu khoa học chính là nguyên nhân dẫn đến tụt đường huyết. Vậy, người bệnh tiểu đường nên tập luyện thế nào để phòng tránh tình trạng hạ đường huyết?
Theo các chuyên gia, người bệnh tiểu đường nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho việc tập luyện. Thời điểm tập tốt nhất là buổi sáng hoặc chiều. Các bài tập phù hợp cần phải nhẹ nhàng, tránh vận động quá sức: đi dạo, chạy bộ, quần vợt, bóng rổ, bơi lội, đạp xe,…
Người bệnh tiểu đường trước khi tập luyện cần phải đo chỉ số đường huyết. Tốt nhất, bạn có thể tham khảo ý kiến về chỉ số đường huyết an toàn trong khi tập luyện. Nếu lượng đường huyết đo được trước bước tập là 70 – 100 mg/dl (3.9 – 5.6 mmol/l), bạn nên ăn một bữa nhẹ. Sau khi tập luyện, cơ thể phải tiêu hao rất nhiều năng lượng, do vậy, bạn cung cấp lại năng lượng bằng việc ăn uống. Để giữ mức đường huyết ở ngưỡng an toàn, những ai tập luyện trên 60 phút cần có bữa ăn trước và sau khi tập. Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống nước trước, trong và sau khi tập luyện. Hạ đường huyết sẽ nguy hiểm hơn trong tình trạng cơ thể thiếu nước.
Khi bị hạ đường huyết, bạn nên ngậm một ít kẹo ngọt hoặc một cốc trà gừng cũng có thể giúp ích trong trường hợp này. Do vậy, khi tập luyện, bạn đừng quên mang theo một ít kẹo để ngậm nhé! Ngoài ra, bạn nên tập luyện cùng bạn bè hoặc người thân để có thể giúp đỡ trong trường hợp bị tụt đường huyết.
Chế độ ăn uống để phòng tránh hạ đường huyết sau khi tập luyện
Thay vì ăn 3 bữa chính, bạn có thể chia ra thành nhiều bữa nhỏ, đảm bảo lượng tinh bột và cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn (tinh bột protein, các chất béo lành mạnh từ cá, dầu oliu, bơ, các loại hạt, vitamin, rau xanh, trái cây,…). Bạn cần ghi nhớ kỹ phải ăn một bữa nhẹ trong vòng 30 phút sau tập thể dục.
Tóm lại, bên cạnh việc tập luyện khoa học để phòng tránh tình trạng hạ đường huyết sau khi tập thể dục, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tiểu đường chữa hạ đường huyết một cách hiệu quả cũng như kiểm soát tốt căn bệnh của mình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.