Vitamin K là gì? Những công dụng to lớn mà loại vitamin này đem đến cho sức khỏe con người mà bạn chưa biết đến. Những đối tượng nào cần bổ sung và bổ sung với hàm lượng bao nhiêu, như thế nào?
Chúng ta thường nghe nói về việc cần thiết phải bổ sung vitamin K cho cơ thể. Thực chất vấn đề này như thế nào, mời các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Vitamin K là gì?
Vitamin K là một loại vitamin tan trong dầu, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Bởi lẽ, đây là thành phần không thể thiếu trong việc tổng hợp các yếu tố đông máu II, VII, IX và X. Thiếu vitamin K sẽ dẫn đến tình trạng máu không thể đông, từ đó dẫn đến xuất huyết nặng, thậm chí tử vong.
Vitamin K được chia thành 2 loại: Vitamin K tự nhiên và vitamin K nhân tạo.
- Vitamin K tự nhiên có 2 loại: Vitamin K1 (phylloquinone) và vitamin K2 (menaquinone), trong đó, vitamin K1 có nhiều trong thực phẩm tự nhiên và vitamin K2 được tạo ra bởi các vi khuẩn đường ruột.
- Vitamin K nhân tạo gồm 3 loại K3, K4 và K5, trong đó vitamin K3 (menadione) được sử dụng làm thuốc tuy nhiên lại có nhiều độc tính đối với cơ thể.
Tác dụng của vitamin K
Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng của cơ thể cũng như tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Một số tác dụng cụ thể có thể kể tới như:
- Vitamin K giúp duy trì hoạt động của hệ thống đông máu, giúp ngăn ngừa những vấn đề về đông máu ở trẻ sơ sinh cũng như điều trị tình trạng xuất huyết ở người lớn.
- Vitamin K giúp bảo vệ tim mạch bằng cách tăng cường chức năng của các tế bào nội mô mạch máu, giúp chống xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.
- Vitamin K2 kích hoạt protein osteocalcin, giúp tăng khả năng hấp thu canxi vào xương từ đó tăng cường sự phát triển khung xương đối với trẻ em và phòng tránh loãng xương, mất xương đối với người trung niên và cao tuổi.
- Vitamin K giúp điều trị các vấn đề về da như: mụn trứng cá, mụn bọc, vết sẹo, rạn da, bầm tím, hỗ trợ giảm đáng kể tình trạng suy giãn tĩnh mạch trên da.
- Vitamin K còn được sử dụng nhiều trong phẫu thuật để giảm sưng và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương.
Khi nào cần bổ sung vitamin K?
Cần phải bổ sung vitamin K thường xuyên đối với những đối tượng có nguy cơ thiếu hụt cao như:
- Người mắc các bệnh đường ruột: Do khó khăn trong việc hấp thu vitamin K cũng như những loại vitamin khác. Gặp trong: hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, rò rỉ ruột hoặc người phẫu thuật cắt đoạn ruột.
- Người ăn kiêng: thức ăn hàng ngày là nguồn bổ sung vitamin K chủ yếu cho cơ thể. Việc ăn uống kiêng khem dẫn đến nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin K
- Những trường hợp bỏng nặng.
- Những người thường xuyên dùng thuốc kháng sinh, chống đông, thuốc hạ mỡ máu.
- Những người mắc bệnh gan, mật, nhạy cảm với gluten.
Hàm lượng vitamin K cần thiết cho cơ thể
Lượng Vitamin K cần thiết cung cấp cho cơ thể mỗi ngày phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi. Theo khuyến cáo của Viện Y khoa Hoa Kỳ, lượng vitamin K cần bổ sung hàng ngày như sau:
- Trẻ 0 – 6 tháng: 2.0 mcg/ngày.
- Trẻ 7 – 12 tháng: 2.5 mcg/ngày.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 30 mcg/ ngày.
- Trẻ 4 – 8 tuổi: 55 mcg/ngày.
- Trẻ 9 – 13 tuổi: 60 mcg/ngày.
- Thanh thiếu niên 14 – 18 tuổi: 75 mcg/ngày.
- Người trưởng thành: 90 mcg/ ngày.
Tùy thuộc vào nhu cầu khuyến nghị theo từng độ tuổi để có kế hoạch bổ sung vitamin K cho phù hợp. Bởi lẽ, việc cung cấp thiếu hoặc thừa đều gây nên những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người.
Ảnh hưởng sức khỏe do thiếu vitamin K
Việc cung cấp thiếu so với nhu cầu vitamin K cần thiết có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sau:
- Xuất huyết: đây là ảnh hưởng nặng nề nhất, thiếu vitamin K có thể gây xuất huyết cả trong và ngoài cơ thể, nếu không được xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Bệnh về tim mạch, điển hình là xơ vữa động mạch và đột quỵ.
- Ung thư: Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân ung thư, việc bổ sung thiếu vitamin K trong một thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt,…
- Loãng xương ở người cao tuổi, những người trên 40 tuổi.
- Đối với trẻ sơ sinh, thiếu vitamin K là nguyên nhân chủ yếu gây nên xuất huyết não, khuyết tật về xương, mũi, tay, chân, thần kinh,… Do đó, trẻ sơ sinh cần được tiêm 1 mũi vitamin K ngay sau khi trẻ ra đời.
Thừa vitamin K có nguy hiểm không?
Vitamin K là một vitamin tan trong dầu, do đó, lượng dư thừa thường không được đào thải ra ngoài mà tích trữ trong các cơ quan của cơ thể. Việc tích trữ quá nhiều vitamin K trong cơ thể so với nhu cầu cần thiết gây ra những ảnh hưởng sau:
- Gây bệnh vàng da huyết tán: thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm trong thời gian dài.
- Gan to, khó thở, tăng tiết mồ hôi.
- Giảm vận động.
- Đỏ da, sưng mí mắt.
- Đối với trẻ nhỏ, việc cung cấp quá nhiều vitamin K có thể gây nên tan máu, vàng da, bại não,… Do đó cần hết sức cẩn trọng trong việc bổ sung vitamin K cho trẻ.
Bổ sung vitamin K bằng cách nào?
Có nhiều cách để bổ sung vitamin K cho cơ thể. Trong đó, cách đơn giản nhất là bổ sung vitamin K thông qua thực phẩm.
Rau củ là những thực phẩm chứa hàm lượng vitamin rất lớn, bao gồm cả vitamin K. Bạn nên sử dụng rau củ trong khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo cung cấp cho cơ thể lượng vitamin cần thiết.
Một số loại rau củ chứa hàm lượng vitamin K nhiều có thể kể đến như: bắp cải, cải xoăn, cải bỏ xôi, húng quế, súp lơ xanh, cà rốt,…
Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung vitamin K thông qua các loại viên uống đơn lẻ hoặc kết hợp với các vitamin khác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và liều lượng cần thiết, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về vai trò, tác dụng của vitamin K đối với cơ thể. Hi vọng bài biết trên đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc liên quan đến loại vitamin quan trọng này. Chúc bạn luôn dồi dào sức khỏe!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.