Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt rất hay thường gặp vào những lúc trở mùa. Thế nên, chúng ta cần có ý thức phòng lây đau mắt đỏ, kể cả vào lúc có dịch hay không.
Khi có người bệnh đau mắt đỏ chúng ta phải làm sao?
Người mắc đau mắt đỏ nên được lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất là 2 lần mỗi ngày bằng khăn giấy ướt hoặc bông. Khi lau xong hãy vứt bỏ ngay và không dùng lại. Trước và sau khi vệ sinh cho mắt thì chúng ta cần lưu ý rửa tay cho thật sạch bằng xà bông hoặc dung dịch diệt khuẩn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý không được tra vào mắt đang lành thuốc nhỏ mắt của người nhiễm khuẩn. Đồng thời cũng cần giữ cho đôi mắt tránh khỏi khói bụi khi ra đường bằng cách đeo kính mát.
Trong trường hợp người bị đau mắt đỏ là trẻ em thì phụ huynh nên cho bé nghỉ học, tránh đưa con đến những nơi đông người trong thời gian mắc bệnh. Thường trẻ con sẽ đau mắt đỏ 1 bên trước, bởi trẻ vẫn còn chưa thể chủ động chăm sóc cho mình nên bố mẹ và người nhà cần lưu ý coi sóc bé cẩn thận, để tránh cho bé lây nhiễm bệnh cho bên mắt còn lại. Khi vệ sinh mắt cho bé hãy đặt bé nằm nghiêng 1 bên rồi nhỏ mắt, sau đó dùng gạc lau ghèn, dử và nước mắt chảy ra ngay (người lớn cũng nên làm tương tự). Khi con mắc bệnh phụ huynh cũng nên cho bé ngủ riêng và tránh ôm bé.
Người mắc đau mắt đỏ cần được nghỉ ngơi, cách ly và thăm khám, uống thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị đau mắt đỏ hiệu quả. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt hay sử dụng các bài thuốc truyền miệng.
Làm sao để phòng lây đau mắt đỏ?
Đau mắt đỏ là một bệnh rất dễ lây nhưng lại rất lành tính và ít để lại di chứng. Tuy nhiên cũng không vì thế mà chúng ta chủ quan, không xét đến những khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt do các triệu chứng đau mắt đỏ mang lại. Ngoài ra, nếu không được coi sóc tốt bệnh cũng có nguy cơ dẫn đến các di chứng không đáng có. Vậy chúng ta phải phòng lây đau mắt đỏ như thế nào?
Phòng lây đau mắt đỏ khi không có dịch:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân thường xuyên, hay rửa tay bằng xà bông và nước sạch.
- Không dùng chung khăn, gối, chậu rửa.
- Khăn mặt cần được giặt sạch bằng xà bông trong nước sạch. Giặt xong phơi khăn ngoài nắng mỗi ngày.
- Không lấy tay dụi mắt.
Phòng lây đau mắt đỏ khi đang có dịch: Ngoài các biện pháp kể trên thì chúng ta cần lưu ý thêm những điều sau đây.
- Rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 0.9% ít nhất 3 lần mỗi ngày vào sáng, trưa và tối.
- Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt và đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân để phòng lây đau mắt đỏ.
- Hạn chế hết mức đến những nơi đông người, nhất là những nơi chứa nhiều mầm bệnh như bệnh viện, trường học…
- Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không nên đi bơi.
Mầm bệnh đau mắt đỏ vẫn có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày, và người bệnh đã hồi phục vẫn có thể là nguồn lây nhiễm sau 1 tuần khỏi bệnh. Thế nên cách phòng lây đau mắt đỏ tốt nhất chính là triệt để thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh và cách ly với bệnh nhân.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.