Tổng quan bệnh Hở van động mạch chủ
Quả tim được ví như một cái bơm tống máu đi nuôi cơ thể. Cấu tạo của tim gồm có hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Nhĩ phải được ngăn cách với thất phải bởi van ba lá, nhĩ trái ngăn cách với thất trái bởi van hai lá. Trong một chu chuyển tim, máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất rồi được tống ra động mạch chủ qua van động mạch chủ và động mạch phổi qua van động mạch phổi. Bệnh lí van tim về lâu dài sẽ gây thay đổi huyết động và dẫn tới suy tim. Bài này sẽ đề cập tới bệnh lí hở van động mạch chủ.
Bình thường sau khi dòng máu được bơm ra động mạch chủ, van động mạch chủ sẽ đóng lại để ngăn không cho máu chảy ngược về buồng tim. Hở van động mạch chủ là tình trạng van đóng không kín làm máu dội ngược về thất trái, hậu quả làm giảm cung lượng tim và quá tải thể tích thất trái. Hở van động mạch chủ gồm hai loại hở chủ cấp và hở chủ mạn tính.
Nguyên nhân bệnh Hở van động mạch chủ
Nguyên nhân hở van động mạch chủ khác nhau tùy từng loại.
Hở van động mạch chủ cấp tính
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Lóc tách động mạch chủ.
- Chấn thương làm tổn thương các lá van: sau chấn thương gia tốc hoặc chấn thương ngực.
- Sau can thiệp thủ thuật: biến chứng của thay van động mạch chủ qua da (TAVI).
Hở van động mạch chủ mạn tính
- Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân phổ biến nhất của hở van động mạch chủ là tổn thương van hậu thấp (thấp tim).
- Ở các nước phát triển, các nguyên nhân thường gặp là: giãn gốc động mạch chủ, bệnh van động mạch chủ hai lá van, vôi hóa van.
- Ngoài ra có thể gặp hở chủ ở bệnh nhân có bệnh lí di truyền như: hội chứng Marfan, hội chứng Ehler-Danlos,…
Triệu chứng bệnh Hở van động mạch chủ
Hở van động mạch chủ cấp
- Hở chủ cấp thường biểu hiện bằng suy tim cấp trên lâm sàng. Các biểu hiện gồm có: khó thở mức độ nhiều, phù phổi cấp có thể sốc tim. Ngoài ra bệnh nhân còn có các biểu hiện của nguyên nhân gây ra: đau ngực dữ dội nếu nguyên nhân là lóc tách động mạch chủ, dấu hiệu nhiễm khuẩn trong viêm nội tâm mạc.
Hở van động mạch chủ mạn tính
- Thường không gây triệu chứng trong một thời gian dài, cho đến khi chức năng tim giảm đi. Bệnh nhân thường đi khám khi có các dấu hiệu:
- Khó thở, khó thở khi gắng sức, có cơn khó thở về đêm.
- Đau ngực do giảm tưới máu mạch vành, dù mạch vành của bệnh nhân bình thường. Đau ngực có thể xảy ra vào ban đêm khi nhịp tim chậm hơn, huyết áp giảm đi, thể tích dòng hở tăng lên do càng gây giảm tưới máu mạch vành.
- Phù chân.
- Khám có thể thấy tiếng thổi tâm trương ở ổ van động mạch chủ, ổ Ert- Botkin.
- Mạch nảy mạnh chìm sâu (gọi là mạch Corrigan).
- Chênh lệch lớn giữa huyết áp tâm thu và tâm trương.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hở van động mạch chủ
- Tuổi cao.
- Bênh lí tim bẩm sinh, van động mạch chủ hai lá van.
- Tăng huyết áp.
- Tiền sử thấp khớp.
- Có bệnh di truyền: hội chứng Marfan, hội chứng Ehler-Danlos,…
Phòng ngừa bệnh Hở van động mạch chủ
Kiểm soát huyết áp bằng cách:
- Tăng cường tập thể dục: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Chế độ ăn giảm muối, nhiều rau xanh, hạn chế mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật.
- Dùng thuốc đều đặn.
Ngoài ra cần điều trị triệt để các nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng do liên cầu vì chúng có thể gây thấp tim dẫn đến các tổn thương van hậu thấp.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hở van động mạch chủ
- Siêu âm doppler tim: là biện pháp đơn giản, không xâm lấn nhưng là thăm dò chủ yếu để quyết định thái độ điều trị. Dựa trên siêu âm tim có thể xác định được nguyên nhân của hở van động mạch chủ, mức độ hở chủ, chức năng tim từ đó quyết định điều trị nội khoa hay là phẫu thuật thay van.
- Điện tâm đồ: ít có giá trị chẩn đoán hở chủ nhưng có thể phát hiện được các rối loạn nhịp tim.
- X-quang ngực: ít khi dùng để chẩn đoán, có thể phát hiện được một vài dấu hiệu gián tiếp tùy từng trường hợp như trung thất rộng trong trường hợp lóc tách động mạch chủ, bóng tim to khi có suy tim.
Các biện pháp điều trị bệnh Hở van động mạch chủ
Hở van động mạch chủ cấp: nếu hở chủ cấp gây suy tim cấp thông thường cần phải phẫu thuật cấp cứu.
Hở van động mạch chủ mạn tính:
- Nội khoa: điều trị suy tim bằng các thuốc chẹn beta giao cảm (metoprolol, bisoprolol..), ức chế men chuyển/ức chế thụ thể (lisinopril, captopril, valsartal, losartan..), lợi tiểu kháng aldosterone (spironolactone..).
- Phẫu thuật.
Nguồn: Vinmec