Tổng quan bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Hội chứng Sudeck là gì?
Hội chứng Sudeck (Sudeck Syndrome) còn được gọi bằng nhiều tên khác như “hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ”, “hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ”, “hội chứng vai tay” hay “hội chứng teo Sudeck”.
Đây là một bệnh hiếm gặp, xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi từ 40 đến 60, xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Bệnh gồm một nhóm các triệu chứng điển hình gồm đau bỏng, sưng nề chi, những rối loạn dưỡng trên da như teo da, tăng tiết mồ hôi kèm theo những dấu hiệu rối loạn vận mạch. Hội chứng Sudeck có thể xảy ra ở tất cả các chi, tuy nhiên bàn tay và khớp vai là khu vực thường bị ảnh hưởng nhất.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Cơ chế hội chứng Sudeck: khi có các kích thích đau thường xuyên, mạn tính từ khu vực ngoại vi, phản xạ thần kinh giao cảm ở khu vực tủy sống có thể bị rối loạn. Do vùng thần kinh giao cảm này rối loạn nên sẽ gây ra các rối loạn giao cảm ở khu vực ngoại vi.
Hội chứng Sudeck thường xảy ra sau một nguyên nhân có tính kích hoạt, các nguyên nhân này thường là:
- Chấn thương vùng vai, tay, cổ; các bệnh lý vùng khớp vai; thoái hóa cột sống cổ.
- Chấn thương khớp gối hoặc sau phẫu thuật khớp gối dưới nội soi.
- Sau khi thực hiện các phẫu thuật.
- Hội chứng ống cổ tay, bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, ung thư vú.
- Sử dụng các thuốc điều trị lao, các thuốc nhóm barbiturat.
Ví dụ như khi bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay, dây thần kinh ở ống cổ tay bị chèn ép, khi nào sự chèn ép này chưa được điều trị triệt để thì các kích thích đau vẫn được truyền về tủy sống. Vùng sừng bên tủy sống là trung tâm thần kinh giao cảm có thể gây ra các rối loạn phản xạ thần kinh giao cảm theo cung phản xạ tủy sống. Kết quả là chi bên có hội chứng ống cổ tay sẽ mắc hội chứng Sudeck (hội chứng vai-tay).
Nếu bệnh nhân bị gãy đầu dưới xương quay hoặc gãy xương cẳng tay đoạn 1/3 dưới mà không được điều trị, nắn chỉnh tốt, gây liền lệch trục. Tư thế liền lệch trục sẽ gây chèn ép bó mạch thần kinh vùng cổ tay, kích thích đau mạn tính, là yếu tố kích hoạt hội chứng Sudeck.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 2/3 số bệnh nhân mắc hội chứng Sudeck có các nguyên nhân kích hoạt, chỉ 1/3 số bệnh nhân không phát hiện được nguyên nhân kích hoạt.
Triệu chứng bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Hội chứng Sudeck thường diễn biến qua các giai đoạn sau:
- Sau một nguyên nhân kích hoạt sẽ có hiện tượng đau và sưng tấy, chi bị bệnh đau, mức độ đau nhiều, liên tục, tăng về đêm và khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Một thời gian ngắn sau, ở chi bị bệnh xuất hiện dấu hiệu sưng tấy, phù căng, đỏ và nóng, da bóng nhẵn, sờ vào có cảm giác mạch đập nhanh.
- Sau từ 1-2 tuần kể từ lúc xuất hiện triệu chứng bệnh, tình trạng đau vẫn tiếp tục, lúc tăng lúc giảm, phù giảm dần. Da ở phần chi bị bệnh trở nên dày, tím, dính, phần gân, bao khớp co kéo lại làm chi hạn chế vận động. Dần dần, các cơ của chi bị teo, làm giảm vận động của chi bệnh so với chi lành.
- Hình ảnh X-quang cho thấy tình trạng xương mất canxi, siêu âm Doppler thấy có hiện tượng tăng tốc độ tuần hoàn tại chỗ.
Nếu hội chứng Sudeck xảy ra ở chi trên được gọi là “hội chứng đau loạn dưỡng chi trên” hoặc “hội chứng vai-tay”. Giai đoạn đau, sưng tấy có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Bàn tay và một phần cẳng tay có các triệu chứng đau nhiều, khó vận động, phù lan tỏa, da căng bóng, sờ vào thấy nóng và có cảm giác mạch đập. Khớp và cơ dần cứng lại, khó vận động. Sau một thời gian sẽ chuyển sang giai đoạn teo, khi đó bàn tay teo lại, da mỏng, nhẵn, ngón tay khó duỗi ra, cổ tay gập, vai gần như bất động. Nếu không được điều trị kịp thời thì những tổn thương trên có thể không hồi phục.
Nếu hội chứng Sudeck xảy ra ở chi dưới gọi là “Hội chứng đau loạn dưỡng chi dưới”:
Ở bàn chân có hai thể, đó là: thể bàn chân đau đơn thuần và thể bàn chân đau và phù. Ở đau bàn chân đơn thuần, bàn chân bị đau, bại không đi được, hình ảnh X-quang là loãng xương rải rác. Ở thể bàn chân đau và phù, ngoài triệu chứng bàn chân đau bại không đi được, bàn chân còn bị phù to, da căng, đỏ nóng, chụp X-quang thấy hình ảnh loãng xương toàn bộ.
Ở khớp gối, các tổn thương thường gặp là: sưng tấy, tràn dịch khớp gối, teo cẳng chân, cứng khớp gối, teo cơ đùi.
Ở khớp háng các thương tổn là đau, hạn chế vận động, loãng xương.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:
- Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay.
- Người bị chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống cổ, chấn thương vùng vai.
- Người từng chấn thương vùng cổ tay, chấn thương xương cẳng tay đoạn 1/3 dưới.
- Người đã bị đột quỵ não, nhất là trong 1-6 tháng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết, đái tháo đường, các bệnh tim mạch.
Phòng ngừa bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Để phòng tránh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ) cần lưu ý:
- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời một số bệnh như: đái tháo đường, gút, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, viêm màng ngoài tim, lao phổi, viêm phế quản, ung thư phế quản, cường giáp, Parkinson, u não,…
- Tăng cường vận động để tránh loãng xương, teo cơ.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, thông tin từ bệnh án, bệnh không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán, thay vào đó bác sĩ có thể chỉ định:
- Chụp xương giúp phát hiện sự bào mòn các đầu xương hoặc các bất thường về lưu lượng máu.
- Chụp MRI giúp quan sát, phát hiện các bất thường bên trong cơ thể, đặc biệt là sự thay đổi của các mô.
- Chụp X-quang nhằm xác định tình trạng mất khoáng chất trong xương, thường được chỉ định ở giai đoạn sau của bệnh.
- Kiểm tra mồ hôi giúp kiểm tra xem có hiện tượng mồ hôi ở một bên cơ thể nhiều hơn bên còn lại không.
- Kiểm tra nhiệt độ nhằm kiểm tra nhiệt độ hoặc lưu lượng máu ở vị trí bị chấn thương so với các vị trí khác của cơ thể.
Hội chứng Sudeck cần phân biệt với các bệnh khác như: hội chứng cổ cánh tay khác, bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, gút.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)
Để điều trị hội chứng Sudeck cần phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực, kết hợp điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu để giảm triệu chứng bệnh, giúp bệnh nhân sớm hồi phục.
Điều trị bằng thuốc
- Sử dụng thuốc chống viêm nhóm nonsteroid (NSAIDS) đường uống hoặc đường tiêm.
- Có thể sử dụng corticoid liều cao một thời gian ngắn sau đó giảm liều và ngừng thuốc. Không được dùng kéo dài vì có nguy cơ gây tăng rối loạn dinh dưỡng và loãng xương.
- Dùng các thuốc phong bế gốc chi để làm giảm các triệu chứng rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay, giúp giảm đau, giảm phù nề, tím đỏ bàn tay. Các thuốc phong bế hạch sao và đám rối thần kinh cánh tay giúp giảm đau và giảm rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay.
Vật lý trị liệu
Có thể dùng các phương pháp sau:
- Ngâm bàn tay vào nước lạnh 1-2 phút/ lần, 1-2 lần/ ngày giúp giảm đau, phù nề, đỏ, loạn dưỡng bàn tay.
- Lúc ngủ và nghỉ nên kê tay cao hơn tim để giảm phù nề. Dùng dây vòng qua cổ để treo tay để giảm đau nhức, phù tay.
- Các phương pháp điều trị nhiệt nóng như sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng, paraffin, bức xạ hồng ngoại,… có thể áp dụng vào vùng vai và cột sống cổ.
- Các biện pháp giảm đau bằng dòng điện như điện xung, điện xung dòng TENS, điện di Novocain 2%,…
- Khi triệu chứng bệnh ở bàn tay thuyển giảm, cần tích cực phục hồi chức năng khớp vai. Có thể sử dụng các bài tập phục hồi chức năng để gây giãn khớp, chống dính khớp.
Điều trị can thiệp
Trong trường hợp bệnh nặng, điều trị nội khoa thất bại, có thể sử dụng các biện pháp sau:
- Phẫu thuật phong bế và triệt hạch giao cảm cổ.
- Phẫu thuật mổ bỏ hạch giao cảm cổ bằng nội soi hoặc mổ hở.
Nguồn: Vinmec