Ngộ độc thực phẩm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người nếu không được điều trị kịp thời. Với hệ tiêu hóa non nớt, trẻ em chính là đối tượng dễ bị ngộ độc nên bạn cần xử lý đúng cách khi bé bị ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ thường xảy ra khi trẻ ăn nhầm thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn lạ dẫn đến việc bé bị ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra ở các bếp ăn tập thể, các hàng quán, thế nhưng, nhiều trường hợp lại từ chính những bếp ăn gia đình. Và nạn nhân có thể là bất cứ ai, từ người già đến trẻ nhỏ. Đặc biệt với hệ tiêu hóa chưa thành thục như người lớn, trẻ em là đối tượng dễ bị ngộ độc.
Dấu hiệu khi bé bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Bé bị ngộ độc thực phẩm thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu).
Trường hợp bé bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước; mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
Bên cạnh đó, bé bị ngộ độc thực phẩm sẽ bị sốt cao, khoảng 39-40oC. Và triệu chứng cuối cùng là đau đầu. Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, có thể do độc tố, có thể do trẻ nôn trớ nhiều dẫn đến đau đầu. Một số người thường kèm theo bị đau bụng do nhu động ruột hoạt động quá mức để tống các chất độc ra khỏi cơ thể. Các biểu hiện này thường xuất hiện sau ăn 30 phút. Cũng có những trường hợp xuất hiện sau 24 giờ sau ăn.
Cách xử lý khi bé bị ngộ độc thực phẩm
Gây nôn và chú ý tình trạng nôn
Khi bé bị ngộ độc thực phẩm, cần gây nôn cho trẻ để loại bỏ bớt thực phẩm gây ngộ độc. Khi trẻ bị nôn, nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc.
Cần lưu ý, những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều em bé đang ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi trẻ nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngưng ăn một giờ, sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau bốn giờ mà trẻ không nôn ói nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn.
Bù nước và chất điện giải cho bé
Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Bé bị ngộ độc thực phẩm nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Nhiều trường hợp thấy con đi ngoài quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha cốc oresol 200ml bắt con uống bằng hết khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, không thể bù đắp nổi tình trạng thiếu nước.
Cho trẻ ăn thức ăn mềm
Tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Trẻ lớn cho ăn cháo, cơm, súp nghiền để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường. Trẻ đang còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, tăng lượng sữa so với trước khi trẻ ốm. Thông thường trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ
Theo dõi nhiệt độ cho bé
Bé bị ngộ độc thực phẩm cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu.
Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế
Khi bé bị ngộ độc thực phẩm có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì ngay lúc này bố mẹ phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
Cách chăm sóc sau khi bé bị ngộ độc thực phẩm
Khi chăm sóc bé bị ngộ độc thực phẩm cũng nên lưu ý đến một số thực phẩm cần tránh để không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của trẻ như: Các loại thực phẩm khó tiêu hóa như đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, các loại rau củ quả chưa được nấu chín, … Bơ, sữa cũng là thực phẩm cần tránh trong giai đoạn này, bởi cơ thể đang duy trì trạng thái chống lại các độc tố nên sẽ khó dung nạp được lactose, dẫn đến chứng đầy bụng, khó tiêu.
Những thức uống như nước ngọt có ga không tốt cho quá trình phục hồi của trẻ. Vì những loại thức uống này kích thích sự bài tiết nước tiểu, từ đó dẫn đến tình trạng mất nước càng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, các loại nước ngọt có ga cũng chứa một lượng đường đáng kể, không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, cơ thể trẻ thường rất yếu, đặc biệt là đường tiêu hóa. Chính vì thế, chúng ta cần cho trẻ ăn cháo, súp loãng hay các thực phẩm mềm, lỏng để dễ tiêu hóa. Thức ăn trước khi ăn cũng cần được làm ấm để trẻ dễ nuốt hơn.
Đường ruột lúc này tuy yếu, nhưng trẻ vẫn cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để có năng lượng, phục hồi sức khỏe. Do đó, chúng ta cần cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Việc kiêng đạm không những không giúp đường ruột của trẻ khỏe hơn mà còn khiến cơ thể trẻ kiệt quệ do thiếu dinh dưỡng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.