Nhịp tim chậm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm là gì?

Bình thường quả tim có một bộ máy phát nhịp giúp nó hoạt động đều đặn và nhịp nhàng. Hệ thống phát nhịp và dẫn nhịp của quả tim gồm có nút xoang, nút nhĩ thất, bó His và mạng lưới Purkinje. Nút xoang làm chủ nhịp, phát xung động từ 60-100 lần một phút, xung động được dẫn truyền qua nút nhĩ thất đến bó His và mạng lưới Purkinje rồi lan tỏa ra toàn bộ quả tim, kết quả là làm tim co bóp. Một số tình trạng sinh lí và bệnh lí của hệ thống phát nhịp hoặc tác động đến hệ thống phát nhịp làm nhịp tim chậm lại, có thể gây ảnh hưởng tới huyết động trong những trường hợp nguy hiểm.

Nhịp tim chậm là bao nhiêu?

Ở người trưởng thành, nút xoang phát xung nhịp từ 60-100 lần một phút, do vậy nhịp tim bình thường cũng dao động trong khoảng đó. Nhịp tim dưới 60 lần được gọi là nhịp chậm. Ở trẻ em và trẻ sơ sinh, nhịp tim thay đổi theo tuổi. Trẻ càng bé nhịp tim càng nhanh, ví dụ trẻ sơ sinh nhịp tim bình thường từ 120-160 lần một phút. Do đó được gọi là nhịp tim chậm ở trẻ sơ sinh khi tần số tim dưới 100 lần một phút.

Nhịp tim chậm có ảnh hưởng gì?

Nhịp tim chậm có thể là sinh lí như ở những vận động viên, những người tập luyện thể thao nhưng cũng có thể là bệnh lí. Nhịp tim chậm sẽ làm giảm cung lượng tim, giảm tưới máu não và các cơ quan dẫn đến giảm khả năng gắng sức, mệt mỏi, suy tim, có thể ngất và đột tử.

Nguyên nhân bệnh Nhịp tim chậm

Có rất nhiều nguyên nhân gây nhịp chậm:

  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Bệnh cơ tim không do thiếu máu.
  • Bệnh lí tim bẩm sinh.
  • Thoái hóa hệ dẫn truyền.
  • Nhồi máu cơ tim cấp.
  • Viêm cơ tim.
  • Cường phế vị.
  • Do một số thuốc: digoxin, chẹn beta giao cảm…
  • Ngộ độc một số loại cây cỏ, thảo dược.
  • Rối loạn chuyển hóa: toan máu, tăng hạ kali máu, suy giáp, giảm thân nhiệt, giảm oxy máu…

Triệu chứng bệnh Nhịp tim chậm

  • Mệt mỏi khi gắng sức.
  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Ngất, thỉu.
  • Khó thở.
  • Đau ngực: có thể do bệnh mạch vành gây nhịp chậm, cũng có thể nhịp chậm do nguyên nhân khác gây giảm tưới máu mạch vành gây đau ngực.

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Tuổi cao.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Hút thuốc lá.
  • Nghiện rượu.
  • Sử dụng một số thuốc dài ngày mà không kiểm tra: digoxin, chẹn beta giao cảm, các thuốc chống loạn nhịp tim…

Phòng ngừa bệnh Nhịp tim chậm

  • Bỏ thuốc lá.
  • Kiểm soát huyết áp, đường máu.
  • Chế độ ăn lành mạnh: giảm muối, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, ăn nhiều rau xanh hoa quả.
  • Tập luyện thể dục đều đặn; ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Nhịp tim chậm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhịp tim chậm

  • Điện tâm đồ: là phương tiện đơn giản, dễ thực hiện và bắt buộc phải làm đầu tiên. Trên điện tim có thể xác định được tần số tim, các dấu hiệu của bệnh tim thiếu máu, block nhĩ thất, dấu hiệu ngộ độc digoxin…
  • Holter điện tim: theo dõi điện tim trong 24 giờ, để xác định các bất thường nhịp tim, chẩn đoán hội chứng suy nút xoang, các rối loạn về dẫn truyền.
  • Siêu âm tim: có thể chẩn đoán được một số nguyên nhân như bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Nhịp tim chậm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh Nhịp tim chậm

Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà có thể cần phải điều trị cấp cứu, đặt máy tạo nhịp tạm thời, máy tạo nhịp vĩnh viễn.

  • Nhịp chậm gây rối loạn huyết động: cần phải dùng thuốc cấp cứu như atropine, adrenalin, dopamine tùy trường hợp. Sau đó cần phải đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu.
  • Điều chỉnh các rối loạn điện giải, thăng bằng kiềm toan,…
  • Nhịp chậm mãn tính, khi đã xuất hiện triệu chứng liên quan đến nhịp chậm, điều trị thường cần phải cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Có thể lựa chọn máy tạo nhịp một buồng, hai buồng với các cài đặt tạo nhịp khác nhau. Một số trường hợp kèm theo suy tim nặng, có thể cấy máy tái đồng bộ tim (CRT) khi đủ chỉ định: chức năng tim dưới 35%, QRS trên 130ms,…
  • Điều trị nội khoa bằng theophylline có thể dùng trong một số trường hợp nghi ngờ về chẩn đoán, khi các dấu hiệu liên quan đến nhịp chậm chưa rõ ràng.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *