Tổng quan bệnh Sốt rét
Bệnh sốt rét là gì?
Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt.
Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Mỗi năm có khoảng 515 triệu người mắc bệnh, từ 1 đến 3 triệu người tử vong – đa số là trẻ em ở khu vực phía nam sa mạc Sahara và châu Phi. Sốt rét thường đi kèm với đói nghèo, lạc hậu và là một cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế.
Mọi người đều có thể nhiễm bệnh sốt rét. Khả năng miễn dịch với sốt rét không đầy đủ và ngắn do vậy có thể bị tái nhiễm ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét.
Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Đối với hầu hết các ca bệnh nặng phải có chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%.
Bệnh sốt rét ở trẻ em gây mất máu và gây tổn thương não trực tiếp do sốt rét thể não. Những trẻ sống sót do sốt rét thể não có nguy cơ bị suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh.
Nguyên nhân bệnh Sốt rét
Tác nhân gây bệnh: ký sinh trùng sốt rét thuộc chi Plasmodium (ngành Apicomplexa). Ở người, bệnh sốt rét gây ra bởi 5 loài: Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale, Plasmodium vivax và Plasmodium knowlesi.
Nguy hiểm hơn cả là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Hai loài còn lại (Plasmodium ovale, Plasmodium malariae) cũng gây bệnh nhưng ít tử vong hơn. Riêng loài Plasmodium knowlesi, phổ biến ở Đông Nam Á, gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể gây bệnh nặng ở người.
Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở môi trường bên ngoài, chỉ tồn tại trong máu người và trong cơ thể muỗi truyền bệnh.
Trung gian truyền bệnh: muỗi Anopheles.
Trên thế giới có khoảng 422 loài Anopheles nhưng chỉ có khoảng 70 loài truyền bệnh sốt rét, trong đó khoảng 40 loài là muỗi truyền bệnh chính. Ở Việt Nam có 15 loài Anopheles truyền bệnh, trong đó có 3 loài truyền bệnh chính là Anopheles minimus, Anopheles dirus và Anopheles epiroticus.
Muỗi Anopheles minimus phân bố ở vùng rừng núi toàn quốc có độ cao dưới 1000 mét, phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa. Muỗi Anopheles dirus phân bố ở vùng rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam, phát triển mạnh vào giữa mùa mưa. Muỗi Anopheles epiroticus phân bố ở vùng ven biển nước lợ Nam Bộ.
Bệnh sốt rét phát triển quanh năm, các tỉnh rừng núi phía Bắc sốt rét phát triển cao nhất vào đầu và cuối mùa mưa. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sốt rét phát triển cao trong suốt mùa mưa.
Sau khi muỗi truyền bệnh đốt và hút máu người bệnh có giao bào, giao bào đực và cái sẽ kết hợp trong dạ dày muỗi thành noãn. Noãn chui qua thành dạ dày và tạo thành kén ở mặt ngoài dạ dày, tại đây ký sinh trùng phát triển tạo thành hàng nghìn ký sinh trùng non gọi là thoa trùng. Khi kén vỡ giải phóng thoa trùng, thoa trùng di chuyển lên tập trung trong tuyến nước bọt của muỗi. Ở nhiệt độ môi trường từ 20-300C, sau 10 ngày, ký sinh trùng hoàn thành chu kỳ phát triển hữu tính trong cơ thể muỗi và có thể truyền bệnh đến khi muỗi chết. Ở nhiệt độ này, muỗi có thể sống được khoảng 4 tuần.
Ổ chứa: người là ổ chứa duy nhất của ký sinh trùng sốt rét.
Thời kỳ lây truyền:
Thời gian từ cơn sốt đầu tiên đến khi xuất hiện giao bào trong máu là 2-3 ngày đối với Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và từ 7-10 ngày với Plasmodium falciparum. Bệnh nhân còn là nguồn lây khi còn giao bào trong máu.
Những bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị không triệt để có thể là nguồn lây cho muỗi tới trên 3 năm đối với Plasmodium malariae, 2 năm đối với Plasmodium vivax và 1 năm đối với Plasmodium falciparum.
Máu dự trữ nhiễm ký sinh trùng sốt rét có thể truyền bệnh trong ít nhất 1 tháng.
Triệu chứng bệnh Sốt rét
Thời gian ủ bệnh kể từ khi bị muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt đến khi có các biểu hiện lâm sàng tuỳ thuộc loại ký sinh trùng: nhiễm Plasmodium falciparum từ 9 – 14 ngày, trung bình 12 ngày, nhiễm Plasmodium vivax từ 12 – 17 ngày, trung bình 14 ngày, nhiễm Plasmodium malariae từ 20 ngày đến nhiều tháng, nhiễm Plasmodium ovale từ 11 ngày đến 10 tháng. Nhiễm sốt rét do truyền máu thì thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng ký sinh trùng trong máu truyền vào nhưng nói chung thời gian ủ bệnh ngắn trong khoảng vài ngày.
Theo cơ sở phân loại bệnh sốt rét của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh sốt rét ở Việt Nam được phân chia theo 2 mức độ lâm sàng:
- Sốt rét thông thường hoặc sốt rét chưa có biến chứng.
- Sốt rét ác tính hoặc sốt rét có biến chứng.
Dấu hiệu bệnh sốt rét khác nhau tùy theo thể lâm sàng.
Dấu hiệu sốt rét thông thường:
- Cơn sốt sơ nhiễm: cơn sốt đầu tiên thường không điển hình, sốt cao liên tục trong vài ngày.
- Cơn sốt điển hình: một cơn sốt rét điển hình lần lượt qua 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn rét run: rét run toàn thân, môi tái, nổi da gà. Giai đoạn rét run kéo dài khoảng 30 phút – 2 giờ.
Giai đoạn sốt nóng: rét run giảm, bệnh nhân thấy nóng dần, thân nhiệt có thể tới 400C – 410C, mặt đỏ, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, khát nước, có thể hơi đau tức vùng gan lách. Giai đoạn sốt nóng kéo dài khoảng 1-3 giờ.
Giai đoạn vã mồ hôi: thân nhiệt giảm nhanh, vã mồ hôi, khát nước, giảm nhức đầu, mạch bình thường, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.
- Cơn sốt thể cụt: sốt không thành cơn, chỉ thấy rét run, kéo dài khoảng 1-2 giờ. Thể sốt này hay gặp ở những bệnh nhân đã nhiễm sốt rét nhiều năm.
- Thể ký sinh trùng lạnh (người lành mang trùng): xét nghiệm máu có ký sinh trùng nhưng không bị sốt, vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Thể này thường gặp ở vùng sốt rét lưu hành nặng.
- Chu kỳ của cơn sốt khác nhau tùy loại ký sinh trùng.
Sốt do Plasmodium falciparum: sốt hàng ngày, tính chất cơn sốt nặng, hay gây sốt rét ác tính và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Sốt do Plasmodium vivax: thường sốt cách nhật (cách 1 ngày sốt 1 cơn).
Sốt do Plasmodium malariae và Plasmodium ovale: sốt cách nhật hoặc sốt 3 ngày 1 cơn.
Dấu hiệu sốt rét ác tính:
Thể não (chiếm 80-95% sốt rét ác tính):
- Dấu hiệu tiền ác tính nổi bật là có rối loạn ý thức (li bì hoặc vật vã, mê sảng, nói nhảm), sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều.
- Hội chứng tâm thần: hôn mê đột ngột hoặc từ từ, hôn mê sâu dần. Co giật kiểu động kinh. Rối loạn cơ vòng, đồng tử dãn.
- Các dấu hiệu khác: rối loạn hô hấp hoặc suy hô hấp do phù não. Huyết áp giảm do mất nước, hoặc tăng huyết áp do phù não. Nôn và tiêu chảy.
- Có thể gặp suy thận, tiểu ít hoặc vô niệu, urê huyết cao, tiểu huyết sắc tố do tán huyết ồ ạt.
- Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não từ 20 – 50%.
Thể tiểu huyết sắc tố:
- Là thể diễn biến nặng do tán huyết ồ ạt, trụy tim mạch, suy thận.
- Sốt thành cơn dữ dội, nôn khan hoặc dịch màu vàng, đau lưng. Vàng da, niêm mạc do tán huyết. Tiểu ra huyết sắc tố, nước tiểu màu đỏ nâu sau đó chuyển sang màu cà phê hoặc màu nước vối đặc, lượng nước tiểu giảm dần thậm chí dẫn đến vô niệu. Thiếu máu và thiếu oxy cấp. Hồng cầu và huyết sắc tố giảm mạnh.
Thể giá lạnh
Toàn thân lạnh, huyết áp tụt, da xanh tái, ra nhiều mồ hôi, đau đầu.
Thể phổi
Khó thở, thở nhanh, tím tái, có thể khạc ra bọt màu hồng. Đáy phổi có nhiều ran ẩm, ran ngáy.
Thể gan mật
Vàng da vàng mắt, buồn nôn và nôn. Phân màu vàng, nước tiểu màu vàng có nhiều muối mật. Hôn mê.
Thể tiêu hóa
Đau bụng, nôn, tiêu chảy cấp, hạ thân nhiệt.
Sốt rét ở phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai mắc bệnh sốt rét dễ bị sốt rét ác tính hoặc sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Sốt rét bẩm sinh (hiếm gặp)
Mẹ mang thai nhiễm sốt rét và có tổn thương tế bào nhau thai ngăn cách giữa máu mẹ và con. Bệnh xuất hiện sớm ngay sau sinh, trẻ quấy khóc, sốt, vàng da, gan lách to.
Sốt rét ở trẻ em
Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ mắc sốt rét do không còn miễn dịch từ mẹ và huyết sắc tố F. Trẻ mắc bệnh sốt rét thường sốt cao liên tục hoặc dao động, nôn, tiêu chảy, bụng chướng, gan lách to, có dấu hiệu màng não và co giật. Tỷ lệ tử vong cao.
Đường lây truyền bệnh Sốt rét
Bệnh sốt rét có lây không?
Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu. Có 4 phương thức lây truyền bao gồm:
- Do muỗi truyền: là phương thức chủ yếu.
- Do truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét.
- Do mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương (hiếm gặp).
- Do tiêm chích: dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét.
Đối tượng nguy cơ bệnh Sốt rét
Các yếu tố nguy cơ của bệnh sốt rét bao gồm:
- Trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội thấp.
- Các phong tục tập quán lạc hậu, tập quán canh tác làm nương rẫy và ngủ qua đêm trên nương rẫy, trong rừng.
- Dân di cư tự do vào vùng sốt rét.
Phòng ngừa bệnh Sốt rét
- Tuyên truyền giáo dục phòng chống sốt rét, khi bị sốt người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Ngủ màn kể cả ở nhà, nương rẫy hoặc ngủ trong rừng.
- Phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất:
Diệt muỗi bằng phun tồn lưu mặt trong tường vách và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi mỗi năm một lần vào trước mùa mưa.
Xoa kem xua muỗi.
Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài vào buổi tối.
Hạn chế bọ gậy: khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước.
- Uống thuốc dự phòng: các nước sốt rét lưu hành nặng có chủ trương uống thuốc dự phòng cho những người vào vùng sốt rét ngắn ngày, phụ nữ có thai ở vùng sốt rét, người mới đến định cư tại vùng sốt rét. Ở nước ta hiện nay, do bệnh sốt rét đã giảm mạnh nên không uống thuốc dự phòng mà chỉ cấp thuốc cho các đối tượng trên để tự điều trị khi đã mắc bệnh sốt rét.
- An toàn truyền máu, đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc đã sống trong vùng sốt rét.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Sốt rét
Chẩn đoán bệnh sốt rét bằng các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
Ca bệnh lâm sàng: bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng điển hình hoặc sốt không điển hình mà không được xét nghiệm máu hoặc kết quả xét nghiệm âm tính nhưng có 4 đặc điểm sau:
- Hiện đang sốt (trên 37,50C) hoặc có sốt trong 3 ngày gần đây.
- Không giải thích được nguyên nhân gây sốt khác.
- Đang ở hoặc qua lại vùng sốt rét trong vòng 9 tháng trở lại.
- Điều trị bằng thuốc sốt rét có đáp ứng tốt trong vòng 3 ngày.
Ca bệnh xác định mắc sốt rét: bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét dương tính trong máu được khẳng định qua xét nghiệm máu.
Phương pháp xét nghiệm:
- Phương pháp nhuộm Giemsa: lam máu nhuộm Giemsa được soi dưới kính hiển vi quang học. Phương pháp này được coi là tiêu chuẩn vàng để tìm ký sinh trùng sốt rét.
- Phương pháp nhuộm nhanh AO (Acridine Orange) soi kính hiển vi huỳnh quang.
- Phương pháp QBC (Quantative Buffy Coat) soi kính hiển vi huỳnh quang.
- Các test chẩn đoán nhanh (rapid diagnostic test) dựa trên phương pháp miễn dịch sắc ký phát hiện kháng nguyên ký sinh trùng sốt rét trong máu.
- Phương pháp sinh học phân tử (polymerase chain reaction – PCR): có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có thể phát hiện 1 ký sinh trùng/mm3 máu, chẩn đoán được sốt rét tái phát hay sốt rét tái nhiễm.
- Phương pháp phát hiện kháng thể kháng ký sinh trùng sốt rét: phương pháp huỳnh quang gián tiếp (indirect fluorescent antibody test – IFAT) và phương pháp miễn dịch gắn men (enzyme-linked-immunosorbent assay – ELISA) đều phát hiện kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân sốt rét.
Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự:
- Phân biệt sốt rét sơ nhiễm với thương hàn, sốt mò, sốt xuất huyết Dengue độ I, nhiễm siêu vi đường hô hấp trên (siêu vi cúm, Adenovirus).
- Phân biệt sốt rét tái phát với nhiễm khuẩn huyết, viêm đường tiết niệu, viêm đường mật, áp xe gan.
Các biện pháp điều trị bệnh Sốt rét
Nguyên tắc điều trị:
- Chẩn đoán sớm, điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế tử vong và làm giảm lây lan.
- Điều trị cắt cơn kết hợp với điều trị chống lây lan (diệt giao bào) và điều trị chống tái phát (diệt thể ngủ trong gan với Plasmodium vivax, Plasmodium ovale).
Điều trị sốt rét thông thường.
Điều trị cắt cơn sốt:
Nhiễm Plasmodium vivax:
- Chloroquine tổng liều 25mg/kg cân nặng chia 3 ngày điều trị: ngày 1 và ngày 2 uống 10 mg/kg cân nặng, ngày 3 uống 5 mg/kg cân nặng.
- Hoặc artesunat tổng liều 16 mg/kg cân nặng chia làm 7 ngày điều trị: ngày 1 uống 4 mg/kg cân nặng, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 uống 2 mg/kg cân nặng (không dùng artesunat cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu trừ trường hợp sốt rét ác tính).
- Hoặc Quinin sulfat liều 30 mg/kg/24 giờ chia 3 lần uống trong ngày, điều trị trong 7 ngày.
Nhiễm Plasmodium falciparum:
- Thuốc phối hợp có dẫn xuất artemisinin: thuốc viên Arterakine hoặc CV artecan (40mg dihydroartemisinin + 320mg piperaquine phosphat).
- Liều dùng:
Dưới 3 tuổi: ngày đầu 1 viên, hai ngày sau mỗi ngày 1/2 viên.
Từ 3 đến dưới 8 tuổi: ngày đầu 2 viên, hai ngày sau mỗi ngày 1 viên.
Từ 8 đến dưới 15 tuổi: ngày đầu 3 viên, hai ngày sau mỗi ngày 1,5 viên.
Từ 15 tuổi trở lên: ngày đầu 4 viên, hai ngày sau mỗi ngày 2 viên.
Không dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
Điều trị chống tái phát và chống lây lan:
- Primaquine viên 13,2mg chứa 7,5mg bazơ.
- Liều dùng: 0,5mg bazơ/kg cân nặng/ 24 giờ.
Với Plasmodium falciparum điều trị 1 ngày.
Với Plasmodium vivax điều trị 10 ngày liên tục.
- Không dùng primaquine cho trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh gan và người thiếu men G6PD.
Điều trị sốt rét ác tính:
- Artesunat tiêm tĩnh mạch.
Liều dùng: giờ đầu 2,4 mg/kg cân nặng, 24 giờ sau tiêm nhắc lại 1,2 mg/kg cân nặng, sau đó mỗi ngày tiêm 1 liều 1,2 mg/kg cân nặng cho đến khi bệnh nhân có thể uống được thì chuyển sang thuốc uống cho đủ 7 ngày.
- Chú ý điều trị triệu chứng và biến chứng tuỳ thể sốt rét biến chứng.
Nguồn: Vinmec