Tổng quan bệnh Suy thận cấp
Thận là một cơ quan trong hệ tiết niệu, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng:
- Chức năng chính của thận là lọc máu và các chất thải. Trong quá trình tạo ra nước tiểu, thận sẽ bài tiết được các chất thải như acid uric, urê và ammoniac… và chỉ giữ lại protein, các tế bào máu.
- Chức năng kiểm soát và điều hòa thể tích máu: thận có vai trò quan trọng trong kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể bằng cách sản xuất nước tiểu. Khi chúng ta uống nhiều nước thì lượng nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại.
- Thận giúp duy trì độ pH của dịch ngoại bào, điều hòa nồng độ các ion có trong máu.
- Chức năng sản xuất nhiều hóc môn cần thiết cho cơ thể như renin, calcitriol và erythropoietin.
Thận làm việc 24 giờ mỗi ngày để loại bỏ lượng nước dư thừa và các chất thải trong cơ thể. Thận khỏe mạnh có thể lọc lượng máu tương đương 300 lần lượng máu trong cơ thể mỗi ngày.
Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể là nguyên nhân ngoài thận hoặc tại thận, làm suy sụp hoặc mất chức năng tạm thời, cấp tính của cả hai thận, do ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận.
Biểu hiện lâm sàng là thiểu niệu hoặc vô niệu xảy ra cấp tính, tiếp theo là tăng nitơ phiprotein trong máu, rối loạn cân bằng nước và điện giải, rối loạn cân bằng kiềm –toan, phù và tăng huyết áp. Suy thận cấp có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.
Nguyên nhân bệnh Suy thận cấp
Suy thận cấp được chia thành 3 nhóm nguyên nhân:
- Nguyên nhân suy thận cấp trước thận.
Suy thận cấp trước thận là nguyên nhân thường gặp, chiếm 50 – 60% các nguyên nhân gây suy thận cấp. Bao gồm:
- Giảm thể tích tuần hoàn do:
- Xuất huyết.
- Mất dịch qua đường tiêu hóa: ói, tiêu chảy…
- Mất dịch qua thận: thuốc lợi tiểu, đái tháo đường (lợi tiểu thẩm thấu), đái tháo nhạt, suy thượng thận…
- Mất nước qua khoang thứ ba: bỏng, viêm tụy, viêm phúc mạc, giảm albumin nặng…
- Mất qua da: bỏng, đổ mồ hôi, tăng thân nhiệt.
- Lượng nhập giảm: ăn uống ít, rối lọan tâm thần.
- Giãn mạch hệ thống trong sốc (sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng).
- Bệnh mạch máu lớn gồm kẹp động mạch chủ khi phẫu thuật, phình tách động mạch chủ, huyết khối tắc mạch, tắc hoặc hẹp động tĩnh mạch thận.
- Nguyên nhân suy thận tại thận.
- Bệnh cầu thận nguyên phát, nguyên nhân suy thận cấp có thể là biến chứng của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu.
- Bệnh cầu thận thứ phát: Viêm cầu thận lupus trong đợt tiến triển cấp tính. Hội chứng Goodpasture…
- Các nguyên nhân gây viêm ống kẽ thận cấp tính: Truyền nhầm nhóm máu ABO, nhiễm độc, hóa chất…
- Chấn thương thận.
- Tắc mạch thận do xơ vữa động mạch, huyết khối…
- Nguyên nhân suy thận cấp sau thận.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu:
- Sỏi bể thận, sỏi niệu quản.
- Khối u chèn ép: u bàng quang, u niệu quản.
- Nguyên nhân do viêm xơ, chít hẹp đường tiết niệu.
Triệu chứng bệnh Suy thận cấp
Dấu hiệu suy thận cấp tiến triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi đầu:
Đây là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Diễn biến dài ngắn tùy theo từng nguyên nhân.
- Giai đoạn đái ít, vô niệu:
Vô niệu có thể diễn biến từ từ, bệnh nhân có thể đái ít dần rồi vô niệu nhưng nguyên nhân vô niệu, có thể xảy ra đột ngột, nhất là trong trường hợp ngộ độc hoặc do các nguyên nhân cơ giới.
- Nước tiểu < 500ml/ 24giờ (thiểu niệu), < 100ml/24giờ (vô niệu).
- Rối loạn nước, điện giải và thăng bằng toan kiềm, phù tùy mức độ, phụ thuộc lượng nước đưa vào, có thể phù toàn thân, tràn dịch đa màng.
- Tăng huyết áp, tràn dịch màng tim gây ép tim cấp, tăng kali máu gây loạn nhịp tim và ngừng tim.
- Hội chứng tăng urê máu như: khó thở, buồn nôn, hôn mê, co giật, xuất huyết.
- Giai đoạn tiểu trở lại:
Số lượng nước tiểu tăng nhanh dần có trường hợp tiểu 4 – 5 lít/ ngày hoặc hơn, kéo dài 5 – 7 ngày. Urê, Creatinin máu giảm dần, Urê và Creatinin niệu tăng dần, suy thận chuyển sang giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn hồi phục:
- Khối lượng nước tiểu dần trở về bình thường.
- Các rối loạn về sinh hóa dần trở về bình thường.
Tuy nhiên, khả năng cô đặc nước tiểu của ống thận tốn rất nhiều thời gian có khi tới hàng năm mới hồi phục hoàn toàn, mức lọc cầu thận hồi phục nhanh hơn. Thường sang tháng thứ hai đã có thể bình thường, sự hồi phục nhanh, chậm tùy thuộc vào từng nguyên nhân, chế độ điều trị trung bình khoảng 4 tuần.
Đối tượng nguy cơ bệnh Suy thận cấp
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh suy thận cấp, tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:
- Những người lớn tuổi.
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Bệnh tim mạch.
- Bệnh lý ở gan, thận.
- Bệnh lý mạch máu.
Phòng ngừa bệnh Suy thận cấp
- Chế độ ăn uống ít protein nhằm ngăn ngừa được những biến chứng của bệnh.
- Hạn chế những thực phẩm như sôcôla, một số loại trái cây hay những quả hạch chứa nhiều kali ra khỏi khẩu phần ăn uống hàng ngày.
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của các bác sĩ.
- Theo dõi về cân nặng và lượng nước bạn uống vào cũng như lượng nước tiểu ra trong hàng ngày.
- Báo với các bác sĩ nếu bạn bị nhiễm chất độc hóa học/những loại thuốc nào khác.
- Cần cho các bác sĩ được biết về tất cả những loại thuốc mọi người đang sử dụng, kể cả những loại thuốc không được kê đơn.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Suy thận cấp
Triệu chứng lâm sàng:
- Mức lọc cầu thận giảm đột ngột: thể tích nước tiểu < 0,5ml/kg/giờ trong 6 giờ.
- Thể lâm sàng: dựa vào thể tích nước tiểu.
- Thể thiểu niệu: nước tiểu < 400ml/ngày (<200ml/12 giờ).
- Thể vô niệu: nước tiểu < 200ml/ngày (< 100ml/12 giờ).
- Thể bảo tồn nước tiểu: lượng nước tiểu trên 400ml/ngày. Tiên lượng tốt hơn 2 thể trên.
Triệu chứng cận lâm sàng:
- Xét nghiệm chẩn đoán xác định: ure, creatinine máu.
Xét nghiệm khác: để đánh giá biến chứng và độ nặng, tìm nguyên nhân.
- Huyết học: tìm thiếu máu, nhiễm trùng…
- Sinh hóa: kali, creatinin, ure huyết tương tăng, khí máu động mạch có toan chuyển hóa (pH giảm < 7,30, HCO3 giảm), calci máu, CPK, myoglobulin.
- Nước tiểu: protein, điện giải, ure, creatinin niệu, áp lực thẩm thấu niệu, tế bào, các trụ.
- Miễn dịch: kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng màng đáy cầu thận, pANCA.
- Chẩn đoán hình ảnh: tìm nguyên nhân.
- Xquang hệ tiết niệu có và không chuẩn bị, siêu âm hệ tiết niệu: sỏi, dãn bể thận cấp,…
- CT scan ổ bụng, chụp phóng xạ hạt nhân thận, cộng hưởng từ chụp mạch thận.
Các biện pháp điều trị bệnh Suy thận cấp
Nguyên tắc chung trong điều trị suy thận cấp:
- Nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân gây suy thận cấp nếu có (tuỳ từng nhóm nguyên nhân mà có biện pháp điều trị phù hợp).
- Điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn, trong đó quan trọng nhất là phục hồi lại lượng máu và dịch, duy trì huyết áp tâm thu 100 – 120mmHg.
- Phục hồi lại dòng nước tiểu.
- Điều chỉnh các rối loạn nội môi do suy thận cấp gây ra.
- Điều trị triệu chứng phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
- Chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Điều trị cụ thể:
- Điều trị suy thận cấp trước thận:
Mất máu: cầm máu, truyền hồng cầu, bù thể tích tuần hoàn thêm bằng NaCl 0,9%, dịch cao phân tử.
Mất dịch: bù dịch muối đẳng trương, cao phân tử, albumin tuỳ theo huyết áp, xét nghiệm Hb, albumin huyết tương.
Chống sốc, duy trì huyết áp.
- Điều trị suy thận cấp tại thận.
Dùng lợi tiểu quai cẩn thận, khi đã bù đủ nước và ở thể thiểu niệu.
Tránh thuốc độc thận và điều chỉnh liều các thuốc được bài tiết qua thận tùy theo độ lọc cầu thận(kháng viêm Non-steroid, aminoglycoside, thuốc cản quang…).
- Điều trị suy thận cấp sau thận: Loại bỏ nguyên nhân tắc nghẽn.
- Điều trị hỗ trợ, biến chứng.
- Kiểm soát cân bằng nước và đảm bảo huyết động.
- Kiểm soát thăng bằng kiềm toan, điện giải.
- Chế độ ăn ít đạm.
- Kháng sinh chống nhiễm khuẩn: tránh kháng sinh độc với thận, điều chỉnh liều theo độ thanh thải creatinin.
- Điều trị thận nhân tạo:
- Chỉ định lọc máu cấp cứu:
- Nếu tăng kali máu không đáp ứng các biện pháp điều trị nội khoa (K+ máu > 6.5 mmol/l).
- Khi có biểu hiện toan máu chuyển hoá rõ pH< 7.2.
- Thừa dịch nặng gây phù phổi cấp hoặc dọa phù phổi cấp.
- Các phương pháp lọc máu:
- Thẩm phân phúc mạc cấp.
- Lọc máu cấp ngắt quãng.
- Lọc máu liên tục.
Nguồn: Vinmec