Tổng quan bệnh Tắc ống phóng tinh
Tắc ống phóng tinh tuy là hiện tượng hiếm gặp nhưng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Theo thống kê, có khoảng 1-3% các trường hợp vô sinh bế tắc là do tắc ống phóng tinh.
Vậy tắc ống phóng tinh là gì?
Tắc ống phóng tinh (tên tiếng Anh là Ejaculatory duct obstruction-EDO) là một thuật ngữ y học miêu tả tình trạng tắc nghẽn ở một hoặc cả hai bên ống phóng tinh khiến dòng chảy của tinh trùng bị chặn lại. Ống phóng tinh được tạo nên từ sự hợp lưu của ống túi tinh và bóng tinh (bóng tinh là phần giãn của đoạn cuối ống dẫn tinh, túi tinh là những cấu trúc dạng thuỳ nằm bên cạnh bóng tinh), xuyên qua tuyến tiền liệt và tận cùng ở niệu đạo tiền liệt.
Nguyên nhân bệnh Tắc ống phóng tinh
Nguyên nhân gây ra hiện tượng tắc ống phóng tinh có thể là bẩm sinh hoặc thứ phát (xuất hiện về sau trong quá trình trưởng thành):
- Tắc bẩm sinh: thường là bế tắc do sự tồn tại của nang ống Mueller hay nang xoang niệu dục-ống phóng tinh. Các nang này nằm tại vùng giữa của tuyến tiền liệt, giữa hai ống phóng tinh. Khi nang Mueller đẩy và chèn ép ống phóng tinh sang hai bên sẽ khiến chúng bị tắc.
- Tắc thứ phát: hay còn gọi là tắc thể hậu viêm, tắc thể không nang. Tắc hậu viêm của ống phóng tinh thường phát sinh sau khi bị viêm tuyến tiền liệt-niệu đạo cấp, bán cấp hay mãn tính.
Triệu chứng bệnh Tắc ống phóng tinh
Nếu cả hai bên ống phóng tinh đều bị tắc, bệnh nhân sẽ bị vô sinh vì không có tinh trùng trong tinh dịch. Những người này có thể có rất ít lượng tinh dịch hoặc không có một chút tinh dịch nào.
Bên cạnh đó, một số trường hợp tắc ống phóng tinh có thể gây nên hiện tượng đau vùng xương chậu, đặc biệt là sau khi xuất tinh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Tắc ống phóng tinh
Những người có nguy cơ cao bị tắc ống phóng tinh là những người đàn ông có tiền sử viêm tuyến tiền liệt-niệu đạo cấp, bán cấp hay mãn tính.
Phòng ngừa bệnh Tắc ống phóng tinh
Để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ bị tắc ống phóng tinh, người đàn ông có thể thực hiện một số cách sau:
- Có thói quen sinh hoạt lành mạnh: tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, củ, quả.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Không lạm dụng sức khoẻ, không thủ dâm quá nhiều.
- Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, tránh để bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường sinh dục.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tắc ống phóng tinh
Để chẩn đoán chính xác tắc ống phóng tinh, các bác sĩ cần tổng hợp thông tin từ nhiều phương pháp khác nhau. Các biện pháp được dùng để chẩn đoán tắc ống phóng tinh bao gồm:
- Dựa trên lâm sàng: Các bác sĩ sẽ thăm khám cơ quan sinh dục và kết hợp với phần bệnh sử liên quan đến dấu hiệu của viêm nhiễm như:
- Tình trạng xuất tinh máu.
- Viêm niệu đạo.
- Viêm tiền liệt tuyến.
- Tiền sử phẫu thuật bìu.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: đây là một trong những xét nghiệm cơ bản và không thể thiếu trong khám vô sinh nam. Phương pháp này giúp kiểm tra số lượng và chất lượng tinh trùng có trong tinh dịch. Qua đó cung cấp thông tin cho bác sĩ về tình trạng của người bệnh.
- Xét nghiệm hormone sinh dục.
- Sinh thiết tinh hoàn.
- Siêu âm bìu.
- Siêu âm qua ngả trực tràng.
Các biện pháp điều trị bệnh Tắc ống phóng tinh
Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất được dùng để điều trị tắc ống phóng tinh là cắt đốt nội soi ống phóng tinh. Đây là một phẫu thuật nội soi đơn giản, an toàn và hiệu quả. Phẫu thuật này giúp bệnh nhân có tinh trùng trở lại trong tinh dịch ở 65-70% các trường hợp và giúp có thai tự nhiên 20-30%.
Với phương pháp này, các trường hợp tắc ống phóng tinh do nang có tiên lượng tốt hơn các trường hợp tắc không do nang (tắc hậu viêm). Điều này được giải thích là việc xẻ trần nang giúp thoát lưu dịch, dẫn đến giảm chèn ép lên các ống phóng tinh. Trong khi đó, tắc ống phóng tinh do sẹo hậu viêm, ngoài lý do sẹo hẹp lan rộng còn có lý do khó cắt được hết chỗ tắc do sẹo để giải phóng hai lỗ ống phóng tinh.
Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật là xuất tinh ngược dòng do tổn thương cổ bàng quang, ngược dòng nước tiểu vào trong các túi tinh- ống dẫn tinh, tổn thương trực tràng, tiểu không kiểm soát do tổn thương cơ vòng vân niệu đạo, tổn thương niệu đạo, rối loạn cương dương.
Nguồn: Vinmec