Tổng quan bệnh Tắc ruột sơ sinh
Tắc ruột (tiếng Anh là bowel obstruction hoặc intestinal obstruction) là một thuật ngữ y khoa chỉ sự đình trệ của ống tiêu hoá khiến thức ăn bị tắc nghẽn tại đường ruột. Điều này dẫn đến các loại thức ăn, hơi hoặc các chất lỏng khác không thể đi qua ruột non hoặc ruột già.
Tắc ruột sơ sinh là hội chứng cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh do tắc ruột gây nên. Đường ống tiêu hoá của trẻ có thể có một vài dị tật do chưa phát triển đầy đủ những ngày đầu sau khi sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, hội chứng tắc ruột sơ sinh sẽ dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng, bệnh nhi có thể tử vong.
Nguyên nhân bệnh Tắc ruột sơ sinh
Nguyên nhân tắc ruột sơ sinh bao gồm:
- Phì đại tràng bẩm sinh (bệnh Hirschsprung).
- Liệt hồi tràng do phân su ( Meconium ileus).
- Lồng ruột (intussusceptions).
- Viêm ruột.
- Viêm túi thừa (tình trạng các túi nhỏ phồng lên ở đường tiêu hoá bị viêm nhiễm).
- Xoắn đại tràng.
Trong số các nguyên nhân kể trên, nguyên nhân chủ yếu trong đa số các trường hợp tắc ruột sơ sinh là lồng ruột. Lồng ruột là trạng thái bệnh lý khi một đoạn ruột chui lồng vào đoạn ruột tiếp theo khiến đường ruột bị bịt nút và thắt nghẹt. Lồng ruột tự phát là nguyên nhân gây tắc ruột thường gặp ở bệnh nhi dưới hai tuổi, đa số là kiểu lồng hồi – đại tràng.
Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột đến nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có một số giả thuyết cho rằng lồng ruột xảy ra là do kích thước ruột có sự mất cân đối, do quá sản tế bào lympho, do polip đại tràng, hoặc do viêm đường hô hấp trên hay bệnh viêm đường ruột do virus (adenovirus, enterovirus, cytomegalovirus, rotavirus).
Đường lây truyền bệnh Tắc ruột sơ sinh
Do nguyên nhân chính dẫn tới tắc ruột sơ sinh là do lồng ruột nên các triệu chứng nổi bật thường gặp ở tắc ruột sơ sinh thường liên quan mật thiết tới bệnh này, bao gồm:
Triệu chứng cơ năng:
- Đau bụng: khởi phát một cách đột ngột, dữ dội và quặn theo từng cơn. Dấu hiệu nhận biết có thể thông qua việc bệnh nhi khóc thét đột ngột, kéo đầu gối vào ngực khi khóc, ưỡn người, xoắn vặn. Đau bụng có thể diễn ra từng cơn kéo dài 4-5 phút và cách nhau 10-20 phút. Khoảng thời gian giữa các cơn đau sẽ ngày càng ngắn đi khiến bệnh nhi yếu dần và lả người, nằm lịm đi, vã mồ hôi. Triệu chứng này thường gặp ở 75% số ca bệnh.
- Nôn mửa: triệu chứng này bắt gặp trong 60% các trường hợp tắc ruột sơ sinh. Biểu hiện lúc đầu là nôn ra thức ăn do phản xạ. Về sau, khi tắc ruột tiến triển thì chất nôn kèm theo dịch có mật.
- Phân trộn lẫn với chất nhầy và máu: đây là triệu chứng rất thường gặp. Có khoảng 2/3 bệnh nhi đi cầu phân nhầy máu nhìn bề ngoài giống như “thạch nho”. Khi bệnh nhi có dấu hiệu đại tiện ra máu là lồng ruột đã xảy ra được một khoảng thời gian, có thể là một đến hai ngày. Tuy nhiên, đi ngoài ra máu cũng có thể xuất hiện sớm trong khoảng 12 giờ, do lồng ruột quá chặt.
Cần lưu ý là đại tiện ra máu cũng xảy ra ở nhiều trường hợp khác và thường dễ lầm tưởng bệnh nhi bị bệnh lỵ nên nếu tự ý cho uống thuốc chữa lỵ sẽ làm bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn. Do đó nên đến các cơ sở y tế để có sự tư vấn từ bác sĩ, tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Triệu chứng thực thể:
- Sờ thấy khối lồng: khối lồng thường có dạng hình khúc dồi, thay đổi theo vị trí và diễn tiến của lồng ruột, có thể sờ thấy trong 70-85% các trường hợp. Khi lên cơn đau, khối lồng có thể tăng kích cỡ và mật độ chắc hơn. Đa số các trường hợp nằm dọc góc trên bên phải vùng bụng hay ở thượng vị. Phần bụng còn lại thường sẽ bị trướng, mềm và không đau. Nếu sờ vào 1/4 bụng dưới sẽ thấy trống, không nắn thấy ruột.
- Thăm trực tràng bằng ngón tay: thường có chất nhầy và máu kèm theo găng. Nếu khối lồng sa xuống trực tràng, việc thăm trực tràng có thể sờ thấy khối lồng.
Không phải tất cả các triệu chứng trên đều xuất hiện ở bệnh nhi tắc ruột sơ sinh.Một số trẻ có dấu hiệu đau không rõ ràng hoặc không tiêu phân máu. Nếu phát hiện trễ sau 24-48 giờ thì trẻ thường rất yếu và bệnh rất dễ nhầm với viêm màng não. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ tắc ruột sơ sinh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Tắc ruột sơ sinh
- Tắc ruột sơ sinh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 3-12 tháng tuổi.
- Tỷ lệ mắc bệnh ở các bé nam cao hơn nữ từ 2-4 lần.
- Đa số gặp ở trẻ béo tốt, bụ bẫm, ít xảy ra ở trẻ bị suy dinh dưỡng.
- Trẻ sinh non cũng có nguy cơ tắc ruột cao do hệ tiêu hoá chưa phát triển toàn diện.
Phòng ngừa bệnh Tắc ruột sơ sinh
Tắc ruột sơ sinh có thể được hạn chế bằng một số cách sau:
Trước khi sinh:
- Người mẹ cần tiêm phòng đầy đủ trước khi có ý định mang thai.
- Trong quá trình mang thai cần nghỉ ngơi và vận động hợp lý, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh tiếp xúc với môi trường độc hại.
Sau khi sinh:
- Trường hợp trẻ sinh non thì bố mẹ cần chú ý chăm sóc hệ tiêu hoá của trẻ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ để ngăn chặn tình trạng tắc ruột, tránh chất béo và các thực phẩm khó tiêu hoá.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tắc ruột sơ sinh
Việc chẩn đoán tắc ruột sơ sinh dựa trên các yếu tố lâm sàng đôi khi gặp khó khăn vì không phải bệnh nhi nào cũng có đầy đủ các triệu chứng kể trên. Do đó, các bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau để hỗ trợ chẩn đoán tắc ruột sơ sinh:
Chụp X-quang
- Chụp X-quang bụng: Phương pháp này có thể đánh giá mức độ tắc ruột phía trên chỗ lồng.
- Chụp đại tràng với thụt baryt: Ở các bệnh nhi nghi ngờ lồng ruột, chụp đại tràng với thụt barium có thể giúp xác định chẩn đoán. Đặc biệt giúp chẩn đoán lồng hồi-đại tràng, hồi-manh tràng, đại-đại tràng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không giúp ích trong việc chẩn đoán lồng ở ruột non.
- Trong đa số các trường hợp, chụp đại tràng với thụt barium vừa là quá trình chẩn đoán vừa là quá trình điều trị giúp tháo lồng mà không cần phẫu thuật. Liệu pháp này có hiệu quả cao ở trẻ em nhưng ít được sử dụng ở người lớn.
- Chụp đại tràng bằng bơm khí: Phương pháp này đã được phổ biến ở nhiều trung tâm, cho kết quả tương đương với dùng barium. Dùng để chẩn đoán và tháo lồng.
Siêu âm
Phương pháp này được xem là tin cậy và rất chính xác trong việc chẩn đoán lồng ruột (độ nhạy 98-100%). Siêu âm ưu thế hơn chụp X-quang vì ít xâm hại hơn.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng cho người lớn, tuy nhiên vẫn có thể áp dụng cho trẻ nhỏ. Cắt lớp vi tính có thể giúp xác định nguyên nhân và hình thái của lồng ruột. Trên đó có thể thấy hình ảnh của tắc ruột non với các quai ruột phía trên chỗ lồng bị dãn có mực nước-hơi, các quai ruột phía dưới chỗ lồng thì xẹp.
Các biện pháp điều trị bệnh Tắc ruột sơ sinh
Điều trị tắc ruột sơ sinh thường được coi là một tình trạng cấp cứu y tế. Để tránh tình trạng mất nước nghiêm trọng cũng như ngăn ngừa lây nhiễm có thể xảy ra khi một phần của ruột đã bị hoại tử do thiếu máu thì việc chăm sóc y tế khẩn cấp là cần thiết.
Khi trẻ được đưa đến cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ xử trí tắc ruột sơ sinh bằng cách:
- Truyền dịch cho trẻ thông qua một đường truyền tĩnh mạch.
- Đặt ống thông qua mũi của trẻ vào dạ dày để giúp ruột giải nén.
Sau đó, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể dùng một trong các phương pháp sau để điều trị tắc ruột sơ sinh:
Tháo lồng không phẫu thuật:
Tháo lồng sẽ được chỉ định trên các trường hợp không có biến chứng. Các chống chỉ định là tắc ruột nặng trên phim X-quang, viêm phúc mạc, bệnh nhi quá yếu hoặc trong tình trạng sốc. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả với tỉ lệ thành công khoảng 50-90%. Các phương pháp tháo lồng có thể được sử dụng là:
- Tháo lồng bằng barium.
- Tháo lồng bằng khí.
- Tháo lồng bằng dung dịch như nước, nước muối sinh lý, dung dịch Ringer hoặc dung dịch Hartmann.
Tháo lồng bằng phẫu thuật:
Phương pháp này được sử dụng để can thiệp nếu tháo lồng không thành công hoặc có chống chỉ định tháo lồng. Trong trường hợp ruột đã có hoại tử hoặc không thể tháo lồng bằng tay thì phải cắt bỏ đoạn ruột và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: Vinmec