Các phụ huynh cần trang bị những kiến thức nhất định về bệnh sởi ở trẻ em để phòng ngừa và điều trị kịp thời khi con em mình mắc phải.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm do vi rus gây ra và thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những bé có sức đề kháng yếu. Vậy làm sao để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em và cách điều trị hiệu quả như thế nào?
1. Bệnh sởi ở trẻ em: nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết
Nguyên nhân gây bệnh sởi là do một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae. Chúng có hình cầu với đường kính trung bình từ 120 – 150nm, đặc biệt chúng dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời, thuốc khử trùng và môi trường nhiệt độ trên 55 độ C.
Bệnh sởi rất dễ lây lan, có đến khoảng 90% những người tiếp xúc với cá thể mắc bệnh sẽ bị nhiễm nếu chưa được chích ngừa vắc xin phòng bệnh. Vi rus sởi trú ngụ trong cổ họng, mũi bệnh nhân. Vì vậy, khi hắt hơi, ho, nói chuyện, xì mũi, vi rus sởi có trong nước bọt, các dịch cổ họng của người bệnh sẽ theo đường không khí xâm nhập vào cơ thể của người khỏe mạnh. Hoặc nếu tiếp xúc với vật dụng chứa vi rus sởi rồi đưa tay lên mũi, miệng, trẻ cũng sẽ dễ dàng bị nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh là từ 1 – 2 tuần, khi phát bệnh, trẻ sẽ có những triệu chứng dễ nhận biết như: Khởi phát với dấu hiệu sốt cao, nóng sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện các nốt ban nổi trên da, sờ có cảm giác nổi cục hình thành đầu tiên ở sau tai. Chúng nhanh chóng lan ra mặt rồi bắt đầu xuống ngực, bụng và toàn thân. Khi ban sởi lặn sẽ để lại những vết thâm xấu xí trên da. Ngoài những vết ban, khi trẻ bị sởi cũng xuất các triệu chứng như chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, đôi khi bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đờm tiêu hóa.
2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em sau nhiễm sởi, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ…Chính vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên của bệnh, các phụ huynh cần tiến hành điều trị cho con em mình ngay, chớ chủ quan và để lâu.
3. Cách chăm sóc trẻ em bị sởi tại nhà
Khi trẻ bị sởi, mẹ cần cách ly ngay bé với các trẻ khỏe mạnh khác. Đồng thời, vì bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao nên phụ huynh cũng cần đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo. Các thành viên trong gia đình có trẻ mắc bệnh cần tích cực giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh.
Ngoài ra, trong thời gian điều trị mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ. Vì trẻ bị lên sởi thường rất nhạy cảm với ánh sáng, nhất là khi mắt đang bị đau nhức và ra ghèn gỉ. Nên kéo rèm cửa để chắn sáng nhưng vẫn đảm bảo phòng nghỉ của trẻ được thông thoáng.
Các mẹ cũng cần lưu ý là không nên kiêng nước cho bé lúc này. Vì nếu cha mẹ không tắm rửa cho trẻ mỗi ngày thì da bé rất dễ bị viêm, thậm chí bội nhiễm rất nguy hiểm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.