Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là viêm kết mạc là một căn bệnh khá phổ biến và rất dễ bị lây nhiễm. Chúng ta cần phải dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh để điều trị hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra các triệu chứng của đau mắt đỏ trong đó có đau mắt đỏ ngứa và cách phòng bệnh, chữa trị hiệu quả.
1. Đau mắt đỏ là bệnh gì? Đau mắt đỏ ngứa không?
Đau mắt đỏ thông thường là do bệnh nhân bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn hoặc do phản ứng dị ứng. Tuy đau mắt đỏ sẽ gây kích thích mắt nhưng rất ít trường hợp tác động đến thị lực. Bởi vì đau mắt đỏ có khả năng lây nhiễm cao trong khoảng tầm 2 tuần từ khi bị bệnh cho nên việc phát hiện và chữa trị sớm vô cùng quan trọng.
Các biểu hiện của đau mắt đỏ gồm có: mắt đỏ một bên hoặc là cả 2 bên; đau mắt đỏ ngứa, ngứa một bên hoặc cả hai bên; một bên hoặc cả 2 bên mắt bị rỉ dịch; chảy nhiều nước mắt. Bệnh đau mắt đỏ khiến cho bạn cảm thấy như mắt của bạn có một vật gì đó không thể lấy ra được. Khi bạn tỉnh giấc có thể mắt của bạn bị dính chặt vào nhau do dử mắt.
Khi bị viêm kết mạc thông thường sẽ bị cả 2 bên mắt nhưng cũng có trường hợp bệnh chỉ xuất hiện ở 1 bên mắt rồi lây qua bên còn lại sau khoảng 1 đến 2 ngày. Đau mắt đỏ có thể không cân xứng, một bên mắt sẽ bị nặng hơn.
2. Phòng bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
Cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng lây lan bệnh đau mắt đỏ là vệ sinh sạch sẽ. Khi đã phát hiện ra các dấu hiệu bị đau mắt đỏ thì bạn cần thực hiện theo trình tự các bước sau:
– Tuyệt đối không lấy tay dụi mắt.
– Rửa tay thật kỹ càng và thường xuyên bằng nước ấm, điều này vô cùng quan trọng.
– Lau rửa dịch dử mắt sạch sẽ 2 lần một ngày bằng khăn giấy hay cotton ẩm, rồi vứt ngay.
– Giặt sạch sẽ ga giường, vỏ gối, khăn tắm bằng nước tẩy và ấm.
– Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa.
– Rửa tay sạch sẽ sau khi tra thuốc mắt.
– Tránh tuyệt đối không tra thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn vào mắt lành.
3. Thái độ xử trí và điều trị đau mắt đỏ ngứa
Có chế độ nghỉ ngơi, tránh không tiếp xúc gần gũi với những người xung quanh, dùng đồ dùng cá nhân riêng. Khi có triệu chứng của bệnh nên đi khám ngay, để được chẩn đoán xác định, điều trị đúng cách và kịp thời. Thực hiện khám bệnh cần thiết để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh nguy hiểm, nguy cơ giảm hoặc mất thị lực như viêm màng bồ đào, bệnh thiên đầu thống.
Bổ sung vitamin C theo đường uống hoặc uống nước cam, nước chanh.
Sử dụng thuốc tra mắt dạng nước:
– Dùng nước mắt nhân tạo, dinh dưỡng kết – giác mạc, tra mắt từ 8 tới 10 lần trong một ngày.
– Sử dụng kháng sinh tra tại mắt như một số loại như chloramphenicol 0,4%, tobramycine 0,3 %, tần suất từ 2 đến 4 lần trong một ngày.
Chú ý thận trọng khi điều trị đau mắt đỏ ngứa theo các phương pháp phản khoa học như chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không. Tất cả các phương pháp này đều dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt và gây bỏng mắt do sức nóng, làm cho tính chất bệnh thêm phức tạp, khó điều trị hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.