Triệu chứng đau mắt hột và những điều cần biết

Bệnh đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn gây ra. Bệnh phát triển thành dịch có thể gây mù mắt. Cần theo dõi những triệu chứng đau mắt hột để điều trị kịp thời. 

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt hột?

Nguyên nhân làm đau mắt hột là do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh đau mắt hột có thể lây lan một cách dễ dàng qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt, mũi hoặc cổ họng của người bị nhiễm bệnh. Vật dụng cá nhân, thuốc nhỏ mắt và các loại côn trùng đều có thể là đường truyền bệnh.

Bệnh đau mắt hột nguy hiểm như thế nào?

Bệnh đau mắt hột là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính đến nay có hơn 6 triệu người bị mù do bệnh đau mắt hột. Trong số đó, tỷ lệ bị đau mắt hột ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể là 60% hoặc hơn.

Đau mắt hột được xem là một bệnh khá nguy hiểm trong số những bệnh về mắt. Thứ nhất, đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra nên rất dễ lây lan nếu chúng ta dùng chung khăn mặt, khẩu trang,… Bên cạnh đó, bệnh thường tiến triển rất âm thầm, triệu chứng đau mắt hột kín đáo. Vì vậy, khi phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn nên mắt đã bị những biến chứng không thể hồi phục được.

Khi đã khỏi bệnh, những hột đã hình thành sẽ để lại sẹo trên kết mạc hoặc ở vùng rìa giác mạc. Sau đó, mạch máu thường phát triển qua vùng rìa và xâm lấn vào giác mạc che lấp giác mạc, tạo thành màng khói hoặc sẹo đục làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Triệu chứng đau mắt hột là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng đau mắt hột chủ yếu trong giai đoạn đầu của bệnh bao gồm:

  • Ngứa nhẹ, kích thích mắt và mí như có hạt bụi trong mắt.
  • Chảy nước mắt chứa chất nhầy hoặc mủ.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng đau mắt hột có thể là:

  • Mí mắt sưng, nhìn mờ.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đau mắt.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm trùng mắt nhưng bệnh thường tiến triển chậm và các triệu chứng đau đớn không xuất hiện mà chỉ bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn trưởng thành.

Vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây bệnh đau mắt hột.

Tiến triển của bệnh đau mắt hột

Ở thể nhẹ của đau mắt hột tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp mô biểu mô kết mạc. Giai đoạn này bạn có thể không gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đau mắt hột nào hoặc chỉ bị ngứa mắt, mỏi mắt, đôi khi mắt chảy nước.

Ở thể nặng tổn thương thâm nhập xuống cả những lớp bên dưới của kết mạc mắt, có thể gây biến chứng như sẹo giác mạc, đặc biệt là lông quặm sẽ gây loạn dưỡng giác mạc và gây sẹo giác mạc, khiến thị lực suy giảm.

Trong khoảng 5 – 12 ngày sau khi vi khuẩn xâm nhập vào mắt, mí và màng của mắt sẽ bị viêm. Nếu để lâu không chữa trị sẽ thành các vết thẹo trong mí và mắt. Khi mí mắt sưng có thể làm lông mi quặm vào trong, cọ xát vào tròng mắt tạo thêm vết thẹo, làm mờ mắt hay mù mắt.

Tất cả các dấu hiệu của bệnh đau mắt hột ở mi mắt trên thường nghiêm trọng hơn so với mi dưới. Ngoài ra các mô tuyến nhờn ở mí mắt, bao gồm cả tuyến nước mắt, cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng này có thể khiến mắt bị khô và làm cho bệnh đau mắt hột càng trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị bệnh đau mắt hột

Việc điều trị bệnh đau mắt hột phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này:

  • Trong giai đoạn đầu mới xuất hiện các triệu chứng đau mắt hột, có thể chỉ cần thuốc để điều trị tình trạng nhiễm trùng. Dùng thuốc mỡ Tetracyclin 1% tra mắt vào ban đêm trong 5 – 10 ngày, kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Uống kèm theo một trong các thuốc sau: Tetracyclin, Erythromycin, Doxycyclin… trong 3-4 tuần. Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt hột, hay thuốc mỡ tra mắt đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Trường hợp mắt hột có biến chứng: sẹo giác mạc toàn bộ, lông quặm… cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được sử dụng để điều chỉnh mí mắt bị biến dạng, tổn thương lông mi ở người lớn tuổi.

Thuốc mỡ Tetracyclin 1% trị đau mắt hột.

Phòng ngừa bệnh đau mắt hột

Vì vi khuẩn gây bệnh đau mắt hột rất dễ lây lan nên để phòng ngừa bệnh đau mắt hột  bạn cần:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh cơ thể hàng ngày.
  • Giữ vệ sinh đôi mắt, rửa mặt bằng nước sạch, không dùng chung khăn với người mắc bệnh, không để tay bẩn chạm vào mắt.
  • Tạo nguồn cung cấp nước sạch, không nhiễm khuẩn.
  • Vệ sinh đường phố, và môi trường sống xung quanh thường xuyên.
  • Điều trị tích cực cho những người bị bệnh mắt hột và gia đình khi có các triệu chứng đau mắt hột. 
  • Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin A, C vào bữa ăn hàng ngày như bí đỏ, gấc… giúp tăng cường sức đề kháng cho đôi mắt.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *