Tổng quan bệnh Ung thư xương
Ung thư xương là bệnh hiếm gặp trong các loại ung thư. Bệnh tiến triển từ từ, triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường đến viện ở giai đoạn muộn. Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng lứa. Nam gặp nhiều hơn nữ.
Ung thư xương là ung thư liên kết từ 3 loại tế bào: tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương. Bệnh thường biểu hiện ở vị trí xương chày, xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay.
Ung thư xương có thể nguyên phát hoặc do di căn từ nơi khác đến (chủ yếu từ vú, phổi..).
Nguyên nhân bệnh Ung thư xương
- Ung thư xương thứ phát: Đa số ung thư xương là ung thư thứ phát do di căn từ vị trí khác của cơ thể. (vú, phổi, tuyến giáp…).
- Ung thư xương nguyên phát: chưa rõ nguyên nhân. Một số trường hợp ung thư xương có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc tiền sử phơi nhiễm phóng xạ trừ trước.
Triệu chứng bệnh Ung thư xương
Biểu hiện ung thư xương phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Ung thư xương giai đoạn đầu
Triệu chứng mơ hồ, nếu không chú ý sẽ dễ bị bỏ qua:
- Đau mỏi chân tay, đặc biệt người trẻ khoảng 30-40 tuổi.
- Đau xương, cảm giác vùng xương nào đó ấm hơn.
- Các chi yếu hơn, tê hoặc đau nhức mơ hồ.
Dấu hiệu ung thư xương giai đoạn tiến triển:
- Bệnh nhân mệt mỏi, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, có thể sốt nhẹ.
- Đau xương tăng dần, cảm giác xương yếu đi rõ rệt. Đau liên tục, dùng thuốc giảm đau không đỡ.
- Vị trí xương bị bệnh có thể sưng to lên.
- Có thể gãy xương không do chấn thương.
- Nổi hạch ngoại vi rắn chắc, di động hạn chế.
Vị trí hay gặp ung thư xương:
- Thường gặp ở “gần gối, xa khuỷu” (đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay).
- Ung thư xương chủ yếu gặp ở xương dài, một số ở xương dẹt như xương chậu, xương bả vai.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư xương
Các yếu tố nguy cơ của ung thư xương nguyên phát bao gồm:
- Di truyền: Có người thân trong gia đình mắc các hội chứng Li-Fraumeni, Rothmund-Thomson, u nguyên bào võng mạc…
- Bệnh Paget xương: do rối loạn tạo xương và hủy xương dẫn đến hình thành một tổ chức xương mới có cấu trúc bất thường.
- Tiền sử phơi nhiễm phóng xạ.
Phòng ngừa bệnh Ung thư xương
Hiện tại chưa có phương pháp phòng ngừa ung thư xương đặc hiệu.
Một số biện pháp bao gồm:
- Ăn uống hợp lý: ăn nhiều trái cây, rau xanh. Cung cấp đủ Canxi cho cơ thể. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Tránh tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời mạnh.
- Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, các hóa chất độc hại.
- Nếu gia đình có người thân mắc ung thư xương cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư xương
Chẩn đoán ung thư xương dựa vào các cận lâm sàng sau:
- Chụp Xquang xương thẳng nghiêng: xác định số lượng, vị trí, ranh giới tổn thương và đánh giá sự xâm lấn phần mềm.
- Chụp cắt lớp vi tính: đánh giá mức độ lan rộng của tổn thương trong xương, trong tủy xương hay ngoài xương.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: đánh giá sự lan rộng của tổn thương trong xương, trong tủy xương, mô mềm, xâm lấn thần kinh, mạch máu.
- Chụp xạ hình xương: xác định giới hạn tổn thương, theo dõi tiến triển và đánh giá kết quả điều trị.
- Chụp PET/CT: phát hiện và theo dõi sarcoma phần mềm, sarcoma xương tái phát, di căn xa. Phân biệt các tổn thương ác tính và lành tính.
- Sinh thiết: Sinh thiết mở hoặc sinh thiết kim lớn giúp chẩn đoán, phân loại và xác định độ ác tính của tổn thương.
- Các xét nghiệm khác: Siêu âm ổ bụng, chụp X quang phổi giúp xác định tình trạng di căn.
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư xương
Có những phương pháp điều trị ung thư xương chính: Phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.
Phẫu thuật:
- Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp điều trị triệt căn.
- Nguyên tắc: lấy hết tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị xâm lấn.
- Trong trường hợp không thể bảo tồn phải cắt cụt chi.
Hóa chất:
- Là phương pháp sử dụng thuốc đề tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Có thể điều trị trước phẫu thuật làm khối u ngừng phát triển và nhỏ lại.
- Có thể điều trị sau phẫu thuật làm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại cũng như ngăn chặn bệnh tái phát.
Xạ trị
- Sử dụng tia xạ làm tế bào ung thư bị tổn thương và ngừng phát triển.
- Tuy nhiên hầu hết ung thư xương không đáp ứng với xạ trị trừ sarcoma Ewing tương đối nhạy cảm.
- Có thể xạ trị triệu chứng chống đau, chống gãy xương.
Nguồn: Vinmec