1. Tổng quan bệnh Viêm đường hô hấp trên
Đường hô hấp trên bao gồm các bộ phận như xoang, đường mũi, hầu họng, thanh quản. Các tổ chức này dẫn không khí từ bên ngoài môi trường vào phế quản và đến phổi để diễn ra quá trình hô hấp. Viêm đường hô hấp trên là quá trình nhiễm trùng của một hoặc nhiều các bộ phận trên. Khi các bộ phận khác nhau bị viêm, sẽ có những tên gọi khác nhau như viêm xoang, viêm hầu họng, viêm phế quản, viêm thanh quản…
Viêm đường hô hấp trên là gì?
Đây là một bệnh lý phổ biến trên thế giới. Theo ước tính, trong năm 2015 có 17.2 tỉ ca mắc nhiễm khuẩn hô hấp trên trên toàn thế giới. Năm 2014 đã có 3000 ca tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp trên. Đây là một trong những lí do đi khám bác sĩ phổ biến nhất, và là bệnh khiến người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm nhiều nhất. Viêm đường hô hấp trên (nhiễm trùng đường hô hấp trên) có thể xảy ra bất cứ lúc nào, những thường gặp nhất là mùa thu hoặc mùa đông.
2. Nguyên nhân bệnh Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên nhìn chung có nguyên nhân từ sự xâm lấn trực tiếp của các virus hoặc vi khuẩn vào niêm mạc của đường hô hấp trên. Để điều này có thể xảy ra, các tác nhân gây bệnh cần phải vượt qua một số hàng rào vật lý và miễn dịch của cơ thể.
Lớp lông trên niêm mạc mũi là hàng rào đầu tiên để bẫy các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra lớp dịch nhầy trong lòng mũi cũng giúp bắt giữ vi khuẩn và virus. Tổ chức nhung mao ở phế quản sẽ di chuyển ngược lên phía hầu họng để tống các tác nhân lạ xâm nhập vào đường tiêu hóa.
Ngoài hàng rào vật lý hoạt động liên tục, hệ miễn dịch cũng góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm nhập vào đường hô hấp trên. VA và amidan đều là những bộ phận của hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn. Thông qua các hoạt động của các tế bào chuyên biệt, kháng thể và các chất có trong hạch bạch huyết sẽ tấn công tiêu diệt các vi sinh vật xâm nhập.
Tuy nhiên các virus và vi khuẩn xâm nhập cũng có những cơ chế chống lại các hàng rào của cơ thể. Chúng có thể sản sinh ra các chất độc để điều chỉnh hệ thống phòng ngự của cơ thể, hoặc biến đổi hình dạng, cấu trúc protein bao bọc bên ngoài để tránh bị phát hiện bởi hệ miễn dịch (thay đổi tính kháng nguyên). Các tác nhân khác nhau có rất nhiều cơ chế phong phú để vượt qua hàng rào của cơ thể người và gây bệnh.
Ngoài ra các tác nhân gây bệnh khác nhau cần khoảng thời gian khác nhau từ lúc chúng xâm nhập cơ thể cho đến lúc gây ra các triệu chứng lâm sàng (thời gian ủ bệnh): virus cúm hoặc á cúm cần 1-4 ngày, RSV cần 7 ngày, vi khuẩn bạch hầu cần 1-10 ngày…
3. Triệu chứng bệnh Viêm đường hô hấp trên
Thông thường, triệu chứng của viêm đường hô hấp trên là kết quả của các chất độc tiết ra bởi tác nhân gây bệnh cộng với đáp ứng viêm của hệ miễn dịch. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng hô hấp trên bao gồm:
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi
- Đau rát họng
- Đau khi nuốt
- Ho
- Mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, sốt cao
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: khó thở, đau vùng xoang, ngứa mắt chảy nước mắt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên thường kéo dài từ 3 đến 14 ngày, nếu dài hơn có thể gợi ý đến các bệnh khác như viêm dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản.
Đối với viêm thanh quản do virus, bệnh nhân sẽ bị khan tiếng hoặc mất tiếng do dây thanh âm bị viêm nhiễm, phù nề.
Viêm đường hô hấp trên thường lui dần sau 5-6 ngày, có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần. Mặc dù là các bệnh viêm đường hô hấp trên có triệu chứng không nặng nhưng lại là một trong các nguyên nhân khiến bệnh nhân phải nghỉ học, nghỉ lao động. Nếu đồng nhiễm với viêm đường hô hấp dưới, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn do 2 bệnh tự làm nặng lẫn nhau, có nguy cơ dẫn đến tử vọng. Ngoài ra ở các bệnh nhân viêm đường hô hấp thể nặng, vi khuẩn có thể gây ra một vài biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp.
4. Đường lây truyền bệnh
Các bệnh viêm đường hô hấp trên lây truyền qua đường hô hấp, hoặc qua đường tiếp xúc với đồ dùng cá nhân trong gia đình/trường học.
5. Đối tượng nguy cơ bệnh
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm:
- Tiếp xúc với người bệnh
- Không rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh
- Tiếp xúc với trẻ em ở trường học, hoặc một nhóm người ở nơi làm việc, du lịch…
- Hút thuốc hoặc hút thuốc thụ động: khói thuốc làm giảm khả năng bảo vệ của lớp nhầy niêm mạc đường hô hấp và làm hỏng lớp nhung mao ở đường hô hấp trên
- Các trường suy yếu miễn dịch như bệnh nhân có HIV, ghép tạng, sử dụng corticoid dài ngày
- Những bệnh nhân có bất thường về giải phẫu, sinh lý đường hô hấp như chấn thương vùng mặt, chấn thương đường hô hấp trên, polyp mũi…
6. Phòng ngừa bệnh
Có một số biện pháp được sử dụng để ngăn ngừa mắc viêm đường hô hấp trên. Ngừng hút thuốc, giảm stress, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, tập thể dục thường xuyên là các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh. Cho trẻ bú sữa mẹ là một cách để giúp hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn do các kháng thể trong sữa mẹ được truyền sang cho con.
Các biện pháp khác để ngăn ngừa sự lây truyền tác nhân gây bệnh như:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trong mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với người bệnh
- Tránh tiếp xúc với người bệnh trong thời kỳ ủ bệnh, phát bệnh và khỏi bệnh
- Vệ sinh các vật dụng cá nhân, các đồ dùng công cộng
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt xì
- Tiêm vắc xin phòng cúm được khuyến cáo cho một số đối tượng như người già, người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc cao…
7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng giống như:
- Hen
- Viêm phổi
- Cúm H1N1
- Dị ứng, dị ứng theo mùa
- Viêm xoang mạn tính
- Viêm phế quản
Thông thường việc chẩn đoán viêm đường hô hấp trên được thực hiện dựa trên đánh giá về triệu chứng, thăm khám lâm sàng, và đôi khi là một số xét nghiệm. Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ sưng và đỏ niêm mạc mũi và họng, đánh giá mức độ phì đại của amidan và các hạch bạch huyết xung quanh cổ và đầu, mức độ đỏ mắt liên quan đến viêm xoang.
8. Các biện pháp điều trị bệnh
Đa số các trường hợp viêm đường hô hấp trên là do virus vì vậy không cần có những biện pháp điều trị cụ thể. Người bệnh có thể tự điều trị triệu chứng ở nhà mà không cần thăm khám bác sĩ hoặc sử dụng thuốc.
Nghỉ ngơi là một bước quan trọng trong điều trị nhiễm trùng hô hấp trên. Các hoạt động thường xuyên nên duy trì ở mức dung nạp được, không quá sức. Cần uống nước nhiều để bù lại lượng nước mất đi do chảy nước mũi, sốt và ăn uống kém do viêm đường hô hấp trên. Cần điều trị triệu chứng cho đến lúc tình trạng nhiễm trùng được giải quyết dứt điểm. Một số các thuốc điều trị triệu chứng:
- Paracetamol, ibuprofen: thuốc hạ sốt
- Các thuốc kháng histamin để giảm tiết và nghẹt mũi
- Thuốc điều trị ho như dextromethorphan, guaifenesin, codein
- Steroids như dexamethasone, prednisolone dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp
- Một số thuốc dùng thể thông mũi
Kháng sinh được sử dụng trong một số trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên liên quan đến vi khuẩn. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh liên quan đến một số tác dụng không mong muốn và có thể thúc đẩy đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn thứ phát, nên kháng sinh cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: Vinmec