1. Tổng quan bệnh Viêm gân nhị đầu vai
Viêm gân nhị đầu vai là tình trạng đau phía trước vai, đau tăng khi nâng một vật ra trước hoặc nâng lên quá đầu. Ngoài ra, cơn đau còn có thể xảy ra khi cố gập khuỷu chống lại lực đè xuống cẳng tay của người khám
Nếu có rách gân, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói đột ngột, có cảm giác bị “rách” phía trước vai khi vô tình nâng một vật nặng, vai có diễn tiến sưng đau và có thể bầm máu trong vài ngày, bắp tay có thể phồng lên do cơ đứt co lại phía trước cánh tay
2. Nguyên nhân bệnh Viêm gân nhị đầu vai
Nguyên nhân viêm gân nhị đầu vai là khi gân nhị đầu bị kích thích quá nhiều dẫn tới viêm đoạn đi trong rãnh nhị đầu gây tổn thương sụn viền và gân nhị đầu, tổn thương kéo dài có thể gây đứt gân
Cơ chế chấn thương thường gặp là khớp vai xoay trong khi khuỷu tay duỗi đột ngột, thường gặp trong động tác ném bóng, nâng vật mạnh (đẩy tạ) hoặc động tác phát bóng nhanh và mạnh trong tennis
Chấn thương có thể xảy ra ngay lập tức hoặc tăng dần do bị tác động lặp đi lặp lại
3. Triệu chứng bệnh Viêm gân nhị đầu vai
- Triệu chứng viêm gân nhị đầu vai thường là đau liên tục, dữ dội, khu trú ở vùng phía trước vai bên trên rãnh nhị đầu, cảm giác mắc kẹt có thể đi kèm với cơn đau.
- Bệnh nhân có thể có rối loạn giấc ngủ
- Bệnh nhân thường cố ép gân bị viêm bằng cách xoay xương cánh tay vào trong
- Viêm bao hoạt dịch thường đi kèm với viêm gân nhị đầu
- Bệnh nhân viêm gân nhị đầu vai thường cảm thấy giảm dần chức năng do sự giảm tầm vận động của vai, được biểu hiện qua sự khó khăn khi làm các động tác đơn giản hằng ngày như chải tóc, cài áo ngực, với tay qua đầu khó khăn
- Khi không được sử dụng liên tục thì teo cơ và cứng khớp là biến chứng có thể xảy ra
4. Đối tượng nguy cơ bệnh
- Viêm gân nhị đầu vai thường gặp ở những người chơi thể thao, đặc biệt là những môn thể thao sử dụng tay qua đầu nhiều như tennis, cầu lông, bóng ném, bóng rổ,…
- Những người lao động, thường xuyên khuân vác những kiện hàng nặng cũng là người có nguy cơ bệnh
5. Phòng ngừa bệnh
- Để phòng ngừa viêm gân nhị đầu vai cần thăm khám sức khỏe thường xuyên và chú ý cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc
- Đặc biệt hạn chế các công việc nặng áp lực lên đôi vai, các môn thể thao đòi hỏi những động tác mạnh dùng nhiều lực lên vùng vai- chính là những yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm gân nhị đầu vai
6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Về lâm sàng:
- Triệu chứng chính của người bệnh là đau tùy vào mức độ tổn thương khi vận động vai ở một số động tác, đau ê ẩm thường xuyên nếu kèm theo tình trạng viêm của gân
- Đau lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay, đôi khi cảm giác đau khá mơ hồ, không rõ ràng
- Bên cạnh đau là tình trạng giảm vận động do đau, bệnh nhân không thể thực hiện được những động tác mong muốn do đau hoặc bị mất lực để thực hiện động tác
Về xét nghiệm cần thiết:
- Siêu âm cơ: siêu âm khớp vai là biện pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán và đánh giá tình trạng gân và túi hoạt dịch gân. Siêu âm còn giúp theo dõi tiến triển của tổn thương và hiệu quả điều trị
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): cho phép đánh giá tình trạng gân và bao hoạt dịch gân một cách chính xác
7. Các biện pháp điều trị bệnh
Cách tốt nhất chữa viêm gân nhị đầu vai là nghỉ ngơi và dùng thuốc kháng viêm giảm đau. Ngoài ra, có thể dùng thêm corticoid tiêm vào rãnh nhị đầu để làm giảm tình trạng viêm cho người bệnh nhưng cần thận trọng với biến chứng đứt gân do chích nhiều lần.
Trường hợp có rách bao gân, điều trị bao gồm nghỉ ngơi hoàn toàn và mang đai treo tay khoảng 1 tuần, sau đó tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sỹ
Nguồn: Vinmec