1. Tổng quan bệnh Viêm họng cấp
Viêm họng là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong cộng đồng. Họng (hầu) là một thành phần của đường dẫn khí, gồm ba phần như hình vẽ (từ trên xuống dưới: tỵ hầu, khẩu hầu, thanh hầu). Viêm họng cấp là một trong các bệnh thường gặp nhất tại các phòng khám.
2. Nguyên nhân bệnh Viêm họng cấp
Viêm họng cấp có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng. Nhưng hầu hết các trường hợp là do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn). Trong đó đa phần các trường hợp là do virus gây ra.
Viêm họng do virus:
Thường gặp các loại virus sau:
- Adenovirus: là tác nhân phổ biến nhất trong nhóm virus gây viêm họng. Thường gây sưng hạch cổ, họng đau nhưng không đỏ
- Các virus cúm: các triệu chứng thường gặp có thể sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân.
- Epstein-Barr virus: có thể thấy sưng hạch, viêm amidan mủ
- Herpes simplex virus: có thể có các vết loét miệng
- Virus sởi
- Các loại virus khác: rhinovirus, coronavirus, virus hợp bào đường hô hấp và các virus á cúm
Viêm họng do vi khuẩn:
- Liên cầu khuẩn (Streptococcus): liên cầu nhóm A là nhóm vi khuẩn thường gặp nhất. Chúng thường gây viêm amidan mủ, sốt cao, hạch sưng to. Có thể có các biến chứng nguy hiểm như thấp tim, gây ra các bệnh van tim do thấp về sau này.
- Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria): gặp ở trẻ em, là nhóm vi khuẩn phổ biến trong quá khứ, gây viêm họng rất nguy hiểm vì có thể tạo ra các giả mạc trắng làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp cho trẻ. Trong một thời gian dài bệnh bạch hầu đã bị đẩy lùi nhưng gần đây có xu hướng tăng lên vì không được tiêm phòng vacxin đầy đủ.
- Các nhóm vi khuẩn ít gặp khác: Chlamydia, lậu cầu..
Viêm họng do các nguyên nhân không nhiễm trùng
Các tác nhân hóa học (hút thuốc lá, uống rượu..), ô nhiễm không khí, khói bụi, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản…
3. Triệu chứng bệnh Viêm họng cấp
Ngoài các triệu chứng riêng của từng nguyên nhân gây ra đã đề cập ở trên, viêm họng cấp có nhiều triệu chứng chung sau:
- Đau họng, khô và rát họng
- Triệu chứng cúm: hắt hơi, sổ mũi, ho, đau đầu, đau cơ toàn thân, chán ăn..
- Nổi hạch, phát ban, buồn nôn, nuốt khó
4. Đường lây truyền bệnh
Viêm họng cấp/ viêm họng có lây không? Thực tế viêm họng cấp do virus, vi khuẩn có thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Khi người bệnh ho, hắt hơi sẽ bắn ra các giọt siêu nhỏ chứa tác nhân gây bệnh vào không khí. Người tiếp xúc có thể bị nhiễm bệnh theo các cách sau:
- Hít phải các giọt này
- Tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp người bệnh rồi chạm lên mặt, mũi của mình
- Lây nhiễm qua đồ ăn, thức uống của người bệnh nếu dùng chung
5. Phòng ngừa bệnh
- Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với bệnh nhân
- Tránh tiếp xúc quá gần người bệnh, mang khẩu trang y tế để dự phòng lây nhiễm
- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh
- Giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh
- Tránh hút thuốc
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm
6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Thông thường các bác sĩ dựa vào các triệu chứng cơ năng, các dấu hiệu của người bệnh là có thể chẩn đoán được viêm họng.
Ngoài ra, việc chẩn đoán phân biệt viêm họng do virus hay vi khuẩn là vấn đề khó trên lâm sàng vì dựa vào đó để quyết định điều trị kháng sinh hay không.
Các bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn Centor để xem xét khả năng nhiễm khuẩn (viêm họng do liên cầu):
- Không có ho
- Hạch cổ sưng to, đau
- Sốt cao hơn 38 độ
- Amidan xuất tiết, sưng đau
- Tuổi dưới 15
Theo đó:
- Nếu có ít hơn hoặc bằng 1 dấu hiệu thì không cần điều trị kháng sinh
- Có 4-5 dấu hiệu thì điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm
- Có 2-3 dấu hiệu thì quyết định điều trị kháng sinh hay không dựa vào các test tìm bằng chứng nhiễm khuẩn
Các xét nghiệm: tế bào máu ngoại vi, procalcitonin, CRP,… cũng có thể được thực hiện để xác định tình trạng của người bệnh.
7. Các biện pháp điều trị bệnh
Điều trị viêm họng do virus
Chủ yếu điều trị triệu chứng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không cần dùng kháng sinh. Các thuốc có thể dùng:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: paracetamol, ibuprofen
- Thuốc sát khuẩn họng tại chỗ: Tyrothricin (viên ngậm), các viên ngậm thảo dược
Điều trị viêm họng do vi khuẩn
Ngoài các thuốc điều trị triệu chứng, cần điều trị thêm các thuốc kháng sinh như cephalosporin thế hệ 1,2 (cephalexin, cefuroxime..), nhóm penicillin, nhóm betalactam (ampicillin, amoxicillin)
Viêm họng ở người lớn thường chỉ gây khó chịu chứ ít khi gây nguy hiểm. Tuy nhiên viêm họng ở trẻ em có thể gây những vấn đề phức tạp thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là trong những trường hợp đặc biệt như viêm họng do vi khuẩn bạch hầu.
Cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
- Suy hô hấp: biểu hiện khó thở, tím tái, thở gấp, co kéo các cơ hô hấp
- Sốt cao kéo dài
- Ho ra máu
Cũng cần phải chú ý đến cách sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt, tránh dùng quá liều dễ gây ngộ độc cho trẻ. Tiêm phòng vacxin đầy đủ sẽ tránh được cách bệnh nguy hiểm.
Nguồn: Vinmec