Vô sinh nam: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Vô sinh nam

Vô sinh (infertility) được định nghĩa là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai.

Vô sinh có thể là do xuất phát từ người vợ hay người chồng hay cả chồng và vợ.

Bệnh vô sinh ở nam giới là căn bệnh được hiểu đơn giản là nó khiến người đàn ông không có khả năng sinh con.

Vô sinh nam chiếm khoảng 20% các cặp vợ chồng vô sinh. Thăm dò các nguyên nhân vô sinh ở nam giới cũng rất hạn chế, xét nghiệm tinh dịch đồ gần như là thăm dò duy nhất để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới.

Bệnh này thường được chia làm 2 loại chính:

  • Vô sinh nam nguyên phát:

Đây là tình trạng mà vợ chồng chưa từng sinh con và không sử dụng bất kì biện pháp phòng tránh nào khác. Tuy nhiên, nhiều năm liền không thể sinh được con bởi nguyên nhân chính do người nam.

  • Vô sinh nam thứ phát:

Đây là trường hợp cặp vợ chồng đã sinh con ít nhất 1 đến hơn 2 lần hoặc có thai nhưng động thai, sảy thai, nạo phá thai. Tuy không sử dụng bất kì biện pháp phòng tránh nào khác nhưng không thể có con. Nguyên nhân chính do người nam.

2. Nguyên nhân bệnh Vô sinh nam

  • Các vấn đề trong quá trình xuất tinh như xuất tinh sớm, xuất tinh ngược, một số bệnh như xơ nang, tinh hoàn không đi xuống hay bị xoắn thừng 
  • Chất lượng tinh trùng: Khoảng 13% đến 50% trường hợp vô sinh là do yếu tố từ nam giới như lượng tinh trùng thấp, hình dạng hoặc sự chuyển động bất thường của tinh trùng 
  • Do mắc các bệnh phụ khoa nam: viêm tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu, viêm tinh hoàn… là những nguyên nhân dễ gây vô sinh ở nam giới.
  • Sự bất thường trong chức năng sản xuất tinh trùng: là nguyên nhân khá phổ biến có thể bắt nguồn do tinh hoàn co rút, các tật di truyền, các bệnh lý như tiểu đường, quai bị, trước đây từng bị chấn thương hoặc phải phẫu thuật tinh hoàn hoặc vùng bẹn. 
  • Uống nhiều rượu bia: uống nhiều rượu bia làm suy giảm chất lượng tinh trùng, giảm ham muốn. Những chất độc tích tụ trong rượu bia gây rối loạn cương dương làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng có con ở nam giới.
  • Hút thuốc lá: thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh ở nam giới, làm tinh trùng bị suy yếu, dị dạng hoặc teo tinh hoàn.
  • Căng thẳng, stress: thường xuyên căng thẳng hay stress làm rối loạn nội tiết tố nam. Chuyện chăn gối không được viên mãn làm tăng khả năng vô sinh 
  • Thường xuyên mặc quần áo bó sát: thói quen mặc quần áo chật, bó sát khiến nhiệt độ tinh hoàn tăng lên ngăn cản quá trình sinh tinh.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Thói quen quan hệ thô bạo, quan hệ nhiều lần liên tục khiến dương vật bị tổn thương giảm gây nên trở ngại cho quá trình sinh sản ở nam giới.
  • Tiếp xúc nhiều với một số hóa chất và chất độc như thuốc trừ sâu, bức xạ, cần sa… và steroid (bao gồm testosterone)
  • Tổn thương gây ra do ung thư và quá trình điều trị
  • Ngoài ra, nhiều trường hợp nam giới vô sinh mà nguyên nhân không thể xác định, trong đó có một vài phỏng đoán cho rằng có thể là do nguyên nhân di truyền.

3. Triệu chứng bệnh Vô sinh nam

  • Khả năng sản xuất tinh trùng yếu.
  • Bìu căng, sưng to, đau
  • Rối loạn cương dương và thường xuyên xuất tinh sớm.
  • Đau ở dương vật, có khi chảy mủ cò màu xanh hoặc vàng.
  • Rụng tóc, béo phì, da nhăn nheo và khô. Cơ thể ra nhiều mồ hôi, thường xuyên bị stress, lo âu.

Vô sinh ở nam giới thường không có những triệu chứng, dấu hiệu rõ ràng. Một người đàn ông có vấn đề về khả năng sinh sản vẫn sinh hoạt và xuất tinh bình thường. Bằng mắt thường, cũng không thể nhận biết được số lượng và chất lượng tinh trùng. Do vậy, kiểm tra y tế là điều cần thiết để nhận biết kết quả có bị vô sinh hay không.

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

  • Độ tuổi: Đàn ông trên 40 tuổi có khả năng sinh sản kém hơn những người trẻ hơn
  • Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương dương và số lượng tinh trùng ít ở nam giới
  • Sử dụng rượu: Đối với nam giới, việc sử dụng rượu nặng có thể làm giảm số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng
  • Thừa cân: số lượng tinh trùng của một người đàn ông và mức độ testosterone có thể bị ảnh hưởng nếu bị béo phì
  • Vấn đề tập thể dục: thiếu hoặc không tập thể dục đủ góp phần gây nên béo phì và làm tăng nguy cơ vô sinh.

5. Phòng ngừa bệnh

  • Duy trì cân nặng ở mức bình thường, tránh thừa hay thiếu cân.
  • Chế độ ăn uống khoa học, hợp lí, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, bổ sung vitamin và đậu nành cho cơ thể 
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia, các chất kích thích 
  • Giảm áp lực, căng thẳng, luôn giữ tinh thần được thoải mái, vui vẻ để nâng cao chất lượng cuộc sống chăn gối.
  • Khám sức khỏe định kì, phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời và ngăn ngừa ảnh hưởng xấu đến tình trạng sinh sản.

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử,  khám lâm sàng và sau đó tiến hành các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ

Lấy mẫu xét nghiệm tinh dịch đồ: điều kiện cần kiêng giao hợp từ 2 ngày đến 7 ngày, sử dụng ống đựng tinh dịch theo tiêu chuẩn và vô khuẩn. Không nên lấy tinh dịch từ nhà mang đến, không được dùng bao cao su khi lấy mẫu (vì các bao cao su thường có chứa chất diệt tinh trùng)

  • Xét nghiệm sinh hoá tinh dịch
  • Túi tinh chứa nhiều fructose, tuyến tiền liệt chứa phosphatase acid và kẽm, mào tinh hoàn chứa carnitin và a-glucosidase. Dựa vào các đặc điểm này có thể chẩn đoán tắc đoạn nào của đường xuất tinh.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng
  • Định lượng các nội tiết tố LH, FSH, prolactin, estradiol, testosterone. Testosterone là một chỉ điểm quan trọng nhất về chức năng của tinh hoàn.
  • Định lượng inhibin B: inhibin B là một chỉ điểm nội tiết quan trọng nhất của quá trình sinh tinh (chức năng ngoại tiết của tinh hoàn).
  • Xét nghiệm về di truyền học (nhiễm sắc thể, gen) để đánh giá mức độ rối loạn nhiễm sắc thể và gen.
  • Xét nghiệm về mô học

Chọc hút dịch mào tinh hoàn lấy tinh trùng.

Sinh thiết tinh hoàn (dùng kim sinh thiết hoặc mổ sinh thiết).

  • Siêu âm hệ tiết niệu – sinh dục:

Phát hiện bất thường tuyến tiền liệt, túi tinh, tinh hoàn, mào tinh hoàn, tĩnh mạch tinh, đo kích thước tinh hoàn.

  • Chụp ống dẫn tinh: tìm chỗ tắc trên đường dẫn tinh

Bơm thuốc cản quang vào ống dẫn tinh và chụp X-quang. Ống dẫn tinh lưu thông tốt khi thấy thuốc cản quang làm hiện rõ ống dẫn tinh, túi tinh, bóng tinh và bóng bàng quang trên phim X quang. Nếu thấy thuốc cản quang dừng lại trên đường đi chứng tỏ có bít tắc.

7. Các biện pháp điều trị bệnh

Các phương pháp điều trị vô sinh ở nam giới bao gồm:

  • Dùng thuốc: thuốc có thể được sử dụng để điều trị một số vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới như mất cân bằng hormone và rối loạn chức năng cương dương
  • Phẫu thuật: phương pháp phẫu thuật có thể có thể giúp điều trị tắc nghẽn trong ống dẫn tinh hoặc giãn tĩnh mạch ở tinh hoàn.
  • Ngoài ra, bạn còn có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ART) bao gồm tất cả các phương pháp điều trị bệnh vô sinh trong đó cả trứng lẫn tinh trùng đều được sử dụng. Một số phương pháp thông dụng là:
  • Phương pháp bơm tinh trùng trực tiếp và tử cung (IUI)
  • Phương pháp tiêm thẳng tinh trùng vào trứng (ICSI)
  • Phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF)
  • Sử dụng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *