Kính áp tròng ngoài việc giải quyết các vấn đề về tật khúc xạ mà còn mang tính thẩm mỹ cao nên được rất nhiều người lựa chọn sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, khi sử dụng kính áp tròng bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây để sử dụng an toàn, hiệu quả.
Lưu ý những vấn đề sau giúp bạn đeo kính áp tròng an toàn, không lo các vấn đề về mắt.
1. Đeo kính áp tròng trước khi trang điểm
Việc đeo kính áp tròng sau khi trang điểm sẽ khiến phấn hay mascara rơi vào kính và vô tình bám vào mắt bạn khiến nó bị khó chịu và kích ứng. Ngoài ra, đeo kính áp tròng sau khi trang điểm còn làm nhòe đường kẻ mắt và lem lớp phấn trang điểm khiến bạn mất công trang điểm lại. Tốt nhất, bạn nên đeo kính ngay trước cả khi thoa lớp phấn nền.
2. Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ
Mắt là bộ phận vô cùng nhạy cảm và rất dễ bị nhiễm khuẩn, nên việc dùng kính áp tròng cũng phải tuyệt đối sạch. Nhiều người có thói quen sau khi dùng kính thì ngâm lại vào dung dịch ngâm kính cũ nhưng đây là một sai lầm. Vì khi kính được lấy ra khỏi dung dịch ngâm, dung dịch đã bị nhiễm khuẩn bởi tay hoặc dụng cụ lấy kính, đã không còn vô trùng tuyệt đối. Nếu để kính ngược lại vào dung dịch cũ thì kính cũng sẽ bị nhiễm trùng, khi dùng sẽ gây kích ứng mắt. Một điều lưu ý nữa là bạn chỉ nên dùng dung dịch ngâm chuyên dụng cho kính.
3. Vệ sinh kính đúng cách
Không dùng nước máy, nước uống hay nước lọc để lau rửa kính áp tròng. Vì dù là nước sạch thì trong những loại nước này vẫn có chứa nhiều vi sinh siêu nhỏ có thể gây kích ứng mắt. Bạn chỉ được phép dùng nước chuyên dụng để lau rửa kính.
4. Không dùng lại kính áp tròng dùng 1 lần
Để tăng thêm nhiều lựa chọn cho người sử dụng, các nhà sản xuất kính đã cho ra đời nhiều loại kính áp tròng với thời hạn sử dụng khác nhau, có loại dùng được 6 tháng hay thậm chí là dùng 1 ngày. Với người không có nhu cầu sử dụng nhiều thì việc dùng kính áp tròng 1 ngày là lựa chọn tối ưu; vừa không mất công bảo quản lại rất tiện lợi. Nhưng vì là loại dùng 1 lần nên kính không có khả năng kháng bụi bẩn. Loại kính này chỉ thiết kế dùng trong ngày và phải bỏ ngay sau khi sử dụng. Việc sử dụng lại có thể gây nên nguy hiểm cho mắt.
Bạn cũng cần lưu ý rằng loại kính áp tròng và dung dịch ngâm nào cũng có thời hạn sử dụng. Khi qua thời hạn này, kính sẽ mất khả năng tự bảo vệ, tạp chất có thể bám vào kính và dung dịch dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy bạn cần kiểm tra hạn dùng trước khi dùng và tốt nhất là thay kính sau mỗi 3 – 6 tháng sử dụng.
5. Nên đi khám mắt trước khi dùng kính
Không phải ai cũng có thể đeo kính áp tròng. Với người có bệnh về mắt thì việc đeo kính áp tròng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Vì thế, trước khi dùng kính bạn nên đến bệnh viện mắt để bác sĩ kiểm tra và cho kết luận chính xác.
6. Không đeo kính áp tròng quá lâu
Đeo kính áp tròng trong khoảng thời gian dài khiến mắt bị mờ. Lý do là kính áp tròng phủ trên bề mặt nhãn cầu, ngăn mắt tiếp xúc với không khi, khiến giác mạc bị thiếu oxy, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sẹo tròng đen mắt.
Thời gian đeo kính tùy thuộc vào sức khỏe, tình trạng mắt và môi trường sống của mỗi người. Với người làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm thì chỉ nên đeo kính trong khoảng 3 – 4 tiếng. Ngoài ra, vào thời điểm mắt cần nghỉ ngơi như ngủ trưa hay ban đêm thì bạn cũng nên tháo kính áp tròng.
7. Không đeo kính áp tròng khi bị đau mắt
Khi bị đau mắt, bạn sẽ gặp những triệu chứng như mắt sưng, đỏ, chảy nước mắt,… Lúc này bạn cần ngưng ngay việc đeo kính áp tròng và chăm sóc mắt thật cẩn thận. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra kính áp tròng vì đây có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau mắt. Đặc biệt nếu kính bị rách hoặc trầy thì nên bỏ ngay lập tức. Cố gắng đeo có thể khiến giác mạc tổn thương, thậm chí mù vĩnh viễn.
8. Không dùng chung kính áp tròng
Việc dùng chung kính áp tròng với người khác sẽ tăng nguy cơ các vấn đề nhiễm trùng mắt. Hơn nữa, mỗi kính áp tròng có kích cỡ và hình dạng khác nhau do sự khác biệt về kích thước nhãn cầu. Nếu mang không đúng kính, mắt sẽ có cảm giác khó chịu. Nguy hiểm hơn có thể gây rách hoặc xước giác mạc gây ảnh hưởng thị lực.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.