Cách xử lý và phòng tránh chứng đau mắt đỏ sưng tấy

Đau mắt đỏ sưng tấy có thể xảy ra với mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những điều bạn cần biết để ứng phó với chứng bệnh này.

Bệnh đau mắt đỏ sưng tấy, bản chất là viêm kết mạc cấp do virus Adenovirus gây nên. Mùa mưa cũng là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus, tạo điều kiện cho virus lây lay nhanh chóng và phát tán gây thành dịch đau mắt đỏ trong cộng đồng. Vì thế, để chữa trị cũng như phòng bệnh hiệu quả, mỗi người đều cần phải có kiến thức cơ bản về cách xử lý và phương hướng phòng tránh đau mắt đỏ sưng tấy đúng đắn nhất.

Hướng xử lý khi bị bệnh đau mắt đỏ sưng tấy

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để tiêu diệt virus gây bệnh đau mắt đỏ. Phần lớn các cách điều trị thông thường chỉ làm giảm các triệu chứng và làm cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại sự sưng đỏ, viêm nhiễm. Các cách thường dùng gồm: uống thuốc chống viêm nhẹ để chống đau mắt đỏ sưng tấy, thuốc giảm xuất tiết, kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm do vi khuẩn và thuốc tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Nhìn chung, các trường hợp bị bệnh đều có xu hướng tự khỏi. Sau khoảng 10 ngày, bệnh sẽ giảm dần và hết hẳn, sự điều trị chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ. Riêng thể đau mắt đỏ tấn công vào giác mạc thì những đốm trắng sẽ mất đi sau một tháng và làm thị lực bị suy giảm.

Một số trường hợp nặng còn gây ra đau mắt đỏ có giả mạc. Giả mạc là màng viêm có màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ được nhìn thấy khi lật mi lên. Khi có giả mạc chứng tỏ sức đề kháng của mắt bạn đã yếu và bệnh đang có chiều hướng nặng thêm. Những trường hợp này mắt sưng tấy rất nặng và kéo dài do giả mạc bịt kín vào mặt sau mắt làm cho thuốc không ngấm vào được. Do đó, cần có sự can thiệp của bác sĩ giúp bóc bỏ lớp màng để thuốc phát huy được hết tác dụng. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc phải chứng đau mắt đỏ có giả mạc.

Các biện pháp phòng tránh đau mắt đỏ sưng tấy

Không được dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, vứt bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Lưu ý giặt sạch khăn mặt, khăn tắm bằng xà phòng, đem phơi nắng để tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh. Nên súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc dung dịch súc miệng sát khuẩn khác. Thường xuyên khử trùng các bề mặt bàn ăn, bồn tắm, bồn rửa mặt và tay nắm cửa để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn để phòng bệnh đau mắt đỏ 

Biện pháp chung để phòng tránh là cách ly người bị mắc bệnh. Người bệnh có thể là nguồn lây nhiễm ngay cả khi đã khỏi bệnh một tuần. Do đó cần cắt đứt đường lây bệnh, bằng cách tránh chạm vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn, đặc biệt là sau khi vệ sinh đau mắt đỏ và sử dụng các loại thuốc để nhỏ mắt.

Khi đang mắc bệnh đau mắt đỏ, bệnh nhân không nên đeo kính áp tròng cho đến khi bệnh được chữa khỏi. Việc trang điểm mắt và sử dụng các loại mỹ phẩm cũng nên tránh tác động vào vùng mắt cho đến khi các dấu hiệu của đau mắt đỏ không còn.

Bệnh viện cũng là môi trường dễ lây nhiễm bệnh trong mùa dịch do tần suất gặp gỡ giữa người bệnh với người bình thường ở bệnh viện rất cao. Vì thế, vào mùa dịch không nên đến bệnh viện khi không thật sự cần thiết và nên tránh những nơi đông người như siêu thị, chợ, thang máy.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *